Podcasts by Category

VĂN NGHỆ CUỐI TUẦN

VĂN NGHỆ CUỐI TUẦN

CRI

Thưởng thức tản văn mượt mà, vui nghe ca khúc hấp dẫn

243 - Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc âm nhạc và thơ ca
0:00 / 0:00
1x
  • 243 - Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc âm nhạc và thơ ca

    Có lẽ nhiều người Việt Nam nhất là những người đứng tương đối quen thuộc giai điệu bài dân ca Mông Cổ Trung Quốc "Mặt trời không bao giờ lặn trên thảo nguyên". Bài dân ca Mông Cổ này là tác phẩm tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc vào năm 1953 của nhà soạn nhạc nổi tiếng dân tộc Mông Cổ Mây-li-chi-gơ, chính tác phẩm tốt nghiệp này đã giúp ông nổi tiếng. La Thành: Đại ý lời ca Mây trắng bồng bềnh trên trời xanh Đàn ngựa cất vó dưới mây trắng Tiếng roi vụt mạnh vang bốn phương Đàn chim tung cánh bay lên cao Nếu có ai đến hỏi tôi rằng Bạn ơi đây là thuộc nơi nao? Tôi kiêu hãnh trả lời họ rằng Đây chính là quê hương tôi đó Ngọc Ánh: Nhân dân ở đây yêu hòa bình Bà con nơi đây yêu quê hương Ca ngợi cuộc sống mới tươi đẹp Ca ngợi Đảng Cộng sản Mao Chủ Tịch và Đảng Cộng sản Dìu dắt chúng con trưởng thành Mặt trời không bao giờ lặn trên thảo nguyên La Thành: Bài dân ca Mông Cổ du dương đã dẫn chúng ta đến với thảo nguyên bao la, đến với khung cảnh từng đàn cừu đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ trên đồng cỏ mênh mông. Trong chương trình Văn nghệ cuối tuần đêm nay, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn về dân tộc Mông Cổ được mệnh danh là "dân tộc âm nhạc", "dân tộc thơ ca", và tất nhiên còn mời các bạn thưởng một số bài dân ca Mông Cổ do các giọng ca nổi tiếng của dân tộc này trình bày. Ngọc Ánh: Dân tộc Mông Cổ bắt nguồn ở dọc dòng sông Wangjian cổ đại, nay gọi là sông Ngơ-ơ-cu-na. Đầu thế kỷ thứ 13, Thủ lĩnh Thành Cát Tư Hãn dẫn đầu đã thống nhất các bộ tộc tại khu vực Mông Cổ, rồi dần dần hình thành một khối cộng đồng dân tộc mới. La Thành: Bà con dân tộc Mông Cổ sinh sống trên thảo nguyên đồng cỏ hết đời này đến đời khác, cuộc sống du mục của họ "di chuyển theo dòng nước chảy cỏ mọc", mặc dù lối sống như vậy đã suy giảm dần trong xã hội hiện đại ngày nay, song phương thức sinh hoạt này của họ vẫn được coi là tiêu chí của bà con dân tộc Mông Cổ. Dân tộc Mông Cổ phân bố tại khu vực Đông Á, dân tộc Ơ-un-khơ và dân tộc Thổ Gia đôi khi được coi là hai nhánh của dân tộc Mông Cổ. Dân số dân tộc Mông Cổ trên thế giới vào khoảng 10 triệu người, ngôn ngữ của dân tộc này là tiếng Mông Cổ. Trong đó, trên 50% sinh sống trong địa phận Trung Quốc. Ngọc Ánh: Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc đam mê ca nhạc, hát hay múa giỏi, cho nên từ trước đến nay được mệnh danh là "dân tộc âm nhạc", "dân tộc thơ ca". Phong cách giai điệu dân ca Mông Cổ độc đáo, bất kể âm vực của bài ca cao và vang hoặc là thấp và trầm, cũng đều thể hiện đầy đủ đức tính chất phác, sảng khoái, nhiệt tình, hào phóng vốn có của dân tộc này. La Thành: Sau đây, mời các bạn thưởng thức bài dân ca Mông Cổ "Thảo nguyên tươi đẹp là quê hương ta đó" do nghệ sĩ nổi tiếng dân tộc Mông Cổ Tơ-tơ-ma trình bày. Nghệ sĩ Tơ-tơ-ma sinh năm 1947, được mọi người mệnh danh là "Chim Sơn ca trên thảo nguyên ". Chị đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu tìm tòi, kết hợp phong cách hát ngân dài của dân tộc Mông Cổ với phong cách Opera, hoà hai phong cách làm một, khiến giọng hát của chị vừa rạo rực nhiệt tình lại có sức hút nghệ thuật mãnh liệt. Ngọc Ánh: Dân tộc Mông Cô từ già, trẻ, gái, trai đều đam mê ca hát, họ rất tôn sùng và kính nể những ai giỏi hát và hát hay. Dân tộc Mông Cổ Trung Quốc chủ yếu tập trung sinh sống trên cao nguyên Nội Mông, cuộc sống chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ đã tạo nên cho bà con dân tộc Mông Cổ có đức tính dũng cảm, nhiệt tình, hào phóng, ngay thẳng như đã nói trên đây, còn tạo nên rất nhiều giọng ca dân tộc Mông Cổ xuất sắc. Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc âm nhạc và thơ ca Giọng ca nổi tiếng dân tộc Mông Cổ Tâng-cơ-ơ La Thành: Tiếp theo, mời các bạn thưởng thức bài "Thiên đường" do giọng ca nổi tiếng dân tộc Mông Cổ Tâng-cơ-ơ trình bày. Tâng-cơ-ơ sinh năm 1960, anh từng học chuyên ngành Lý luận Sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Thiên Tân từ năm 1980—1985; Anh trở nên nổi tiếng bởi sáng tác và trình bày bài dân ca mang tên "Người Mông Cổ" vào năm 1986. Chất giọng của nghệ sĩ Tâng-cơ-ơ cao và vang, có sức mạnh, anh thiên về thể hiện những ca khúc mang giai điệu tình cảm đậm đà sâu lắng, bi thương nhưng lại hào phóng, đặc biệt là những ca khúc mang giai điệu khí chất độc đáo của thảo nguyên mênh mông. Ngọc Ánh: Đại ý ca khúc "Thiên đường": Bầu trời xanh lam Nước hồ trong vắt Đồng cỏ xanh rờn Quê hương tôi đó Tuấn mã phi nhanh Đàn cừu trắng muốt Và cả người đẹp Quê hương tôi đó Tôi yêu quê hương Thiên đường của tôi... La Thành: Giai điệu dân ca Mông Cổ nổi tiếng bởi khúc điệu âm thanh ngân cao và du dương. Nội dung dân ca rất phong phú, có những bài dân ca hát về tình yêu lứa đôi, đón dâu gả chồng, có những bài ca ngợi tuấn mã, đồng cỏ, núi non, sông hồ, cũng có những bài ca ngợi các nhân vật anh hùng, những bài dân ca như vậy đã phản ánh phong tục tập quán, nhân tình thế thái của xã hội Mông Cổ. Ngọc Ánh: Khác với các thế hệ nghệ sĩ dân ca trước đây, các giọng ca dân tộc Mông Cổ trẻ hiện nay không những có thể trình bày rất hay những bài dân ca của dân tộc mình, đồng thời có thể không ngừng nghiên cứu và hát thử những ca khúc lưu hành. Nghệ sĩ Sư-jin-gơ-rư-lơ - giọng ca nổi tiếng dân tộc Mông Cổ sinh năm1968 là một trong số đó, chị đã giành được thành tựu nổi bật trong làng ca nhạc. Trong tiếng Mông Cổ, Sư-jin-gơ-rư-lơ có nghĩa là "ánh sáng trí tuệ" . Sau đây mời các bạn thưởng thức bài hát "Sơn ca như dòng nước mùa xuân" do nghệ sĩ Sư-jin-gơ-rư-lơ trình bày. Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc âm nhạc và thơ ca Nghệ sĩ Sư-jin-gơ-rư-lơ La Thành: Nghệ sĩ Sư-jin-gơ-rư-lơ từng là tay chơi đàn guitar bass của một nhóm nhạc, năm 2000 chị bắt đầu phát hành tập Album đầu tiên của mình mang tên "Thiên niên kỷ mới", chính tập album này đã giành hết tất cả các giải thưởng về Nhân vật mới xuất sắc của năm đó, chất giọng của chị cao và vang, chị có tài năng sáng tác âm nhạc, do vậy mà trở nên hết sức nổi tiếng, từ năm 1999 --2005 chị đã liên tiếp 6 lần tham gia đêm Liên hoan văn nghệ chào xuân của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ngọc Ánh: Cá tính của nghệ sĩ Sư-jin-gơ-rư-lơ ngay thẳng, đã nói là làm, yêu ghét rõ ràng, tương đối mạnh mẽ, chị có chất giọng tình cảm đậm đà. Ngoài vừa gảy đàn vừa ca hát ra, chị còn sáng tác nhạc và ca từ. "Sơn ca như dòng nước mùa xuân" vốn là dân ca của dân tộc Choang Quảng Tây ở phía Tây Nam Trung Quốc, đây là bài hát chủ đề trong bộ phim âm nhạc "Chị Ba Lưu" mà trước đây Ngọc Ánh từng giới thiệu, nhưng bài hát này do chị Sư-jin-gơ-rư-lơ đã làm cho bài dân ca này trở nên du dương, hào phóng và có sức hút mạnh mẽ. Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc âm nhạc và thơ ca La Thành: Hiện nay trong làng ca nhạc Trung Quốc xuất hiện khá nhiều giọng ca dân tộc Mông cổ, ví dụ như Bu-nhân-ba-nha-ơ , U-lan-tu-ya, Hu-si-lâng , Tề Phong, v.v., Nhóm nhạc "Phượng Hoàng truyền kỳ" gồm đôi giọng nam nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện nay, Dương Nguỵ Linh chính là giọng nữ đến từ thảo nguyên Nội Mông Cổ. Những bài hát do nhóm nhạc này trình bày rất được công chúng yêu thích, trước đây Ngọc Ánh cũng từng giới thiệu với các bạn nhóm nhạc "Phượng Hoàng truyền kỳ" và những bài hát do nhóm nhạc này thể hiện qua Chương trình Văn Nghệ cuối tuần của CRI. La Thành: Đúng là như vậy, chính vì nhiều bài hát do họ trình bày rất được mọi người yêu thích cho nên cũng trở thành những ca khúc "múa quảng trường" của các bà mẹ các chị Trung Quốc. Ví dụ như ca khúc "Trăng sáng đầm sen" do họ trình bày năm 2010 có đến hàng triệu người cài đặt làm nhạc chuông điện thoại của mình. Ngọc Ánh: Sau đây, mời các bạn nghe bài hát "Bên trên vầng trăng" do nhóm nhạc "Phượng Hoàng truyền kỳ" trình bày, giai điệu của đàn Đầu Ngựa đã xuyên qua từ đầu chí cuối bài hát này. Dân tộc Mông Cổ là một dân tộc âm nhạc và thơ ca Nhóm nhạc Phượng Hoàng truyền kỳ La Thành: Nhạc dân tộc Mông Cổ vừa mang phong cách chung của cả dân tộc, nhưng lại hòa vào phong cách làn điệu độc đáo riêng của mỗi khu vực dân tộc, do vậy rất phong phú đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Nhiều nghệ sĩ đã đến thảo nguyên tựa như biển ca để khảo sát thực tế, tiến hành chỉnh lý, bảo hộ và truyền bá dân ca Mông Cổ. Ngọc Ánh: Cuối cùng mời các bạn thưởng thức bài dân ca Mông Cổ "Nhạn Hồng" do giọng ca trẻ dân tộc Mông cổ Hu-si-lâng trình bày. Hu-si-lâng sinh năm 1982 trong một gia đình chăn nuôi trên thảo nguyên Nội Mông, đồng cỏ mêng mông trên quê hương đã phú cho anh có chất giọng hay, bài "Nhạn Hồng" do anh trình bày đã làm rung động biết bao trái tim của cộng đồng những người phải xa rời quê hương đi mưu sinh ở phương trời xa xôi.

    Wed, 24 Apr 2024 - 25min
  • 242 - Những bản nhạc Quảng Đông nổi tiếng

    Các bạn đang nghe bản nhạc Quảng Đông có tên "Bước bước cao", đây là một trong những bản nhạc rất có tính đại diện cho nhạc Quảng Đông với giai điệu vui tươi hoạt bát, mong sao sẽ làm bạn cảm thấy khoan khoái trong đêm hè oi ả. Nhạc Quảng Đông chủ yếu lưu hành tại châu thổ sông Châu Giang ở tỉnh Quảng Đông, được hình thành dần dần trên cơ sở nhạc bát âm trong dân gian hòa với giai điệu Việt kịch vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Giàn nhạc thường sử dụng các loại nhạc cụ như đàn nhị, đàn tần, tì bà, dương cầm, sáo, kèn hầu, sênh, mõ và chuông nhỏ. Qua một quá trình sáng tác và cải biên, hiện nay đã có tích lũy khoảng mấy trăm bản nhạc Quảng Đông. Ví dụ các bản nhạc như "Mưa rơi xuống lá chuối", "Song thanh hận", "Bước bước cao", "Ngựa đói lắc chuông", "Liên hoàn khâu", "Đua thuyền tranh giải", "Bình hồ Thu Nguyệt", "Chim công xòe cánh", v.v.. Tiếp theo, mời các bạn thưởng thức bản nhạc "Bình hồ Thu Nguyệt". "Bình hồ Thu Nguyệt" là nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Lữ Văn Thành, ông từng đến du ngoạn Hàng Châu vào mùa thu vàng, xúc cảnh sinh tình mà sáng tác nên nhạc phẩm này. Nhạc phẩm này đã bày tỏ cảm xúc của tác giả trước cảnh đẹp nên thơ hữu tình của Tây Hồ, giai điệu bản nhạc hòa hớp giữa dân ca Chiết Giang lại mang phong cách nhạc Quảng Đông, "Bình hồ Thu Nguyệt" là một trong những nhạc phẩm dân ca xuất sắc nhất của Trung Quốc. Sau đây Ngọc Ánh xin giới thiệu với các bạn mấy bản nhạc Quảng Đông. Trong những năm 20-30 thế kỷ 20 là thời kỳ hưng thịnh của nhạc Quảng Đông, các nhạc sĩ và ca sĩ trình diễn nhạc Quảng Đông nổi tiếng là Lữ Văn Thành, Hà Liễu Đường chính là đã xuất hiện trong thời kỳ này. Kể từ những năm 50 thế kỷ 20 đến nay, nhạc Quảng Đông đã được phát triển mạnh, những người làm công tác nghiên cứu âm nhạc đã sưu tầm, chỉnh lý rất nhiều nhạc khúc Quảng Đông, đồng thời đã tiến hành nghiên cứu cải cách về hòa âm cũng như phối nhạc, và đã cho xuất bản nhiều cuốn sách nhạc Quảng Đông, ngoài ra còn sáng tác nhiều bản nhạc Quảng Đông xuất sắc. Mời các bạn thưởng thức bản nhạc "Rồng bay Phượng múa". Rồng và Phượng là hai con vật biểu tượng cho những việc tốt lành trong quan niệm của người dân Trung Quốc. Giai điệu chính của bản nhạc này cho người nghe có cảm giác bay nhảy, cao thấp thanh trầm, như nhịp điệu của rồng bay phượng múa, uyển chuyển xoay mình nhún nhảy. Tiếng thanh la thánh thót, tiếng khèn âm vang, tiếng đàn gẩy đều nhịp, tạo nên bầu không khí hân hoan.

    Wed, 17 Apr 2024 - 25min
  • 241 - Tản văn : Tôi sống không phải để mua vui cho bạn

    Con người sống trên đời này, có hai việc nên ít làm với khả năng tối đa, một là quấy nhiễu sinh hoạt của người khác bằng cái miệng của mình, hai là mượn đầu óc của người khác suy nghĩ cho cuộc đời của mình. Cuộc đời không cần phải giải thích mới là cuộc đời lớn mạnh thật sự. Cuộc sống bất hạnh nhất là sống trong ký ức bất hạnh, cuộc sống không khoa học nhất là sống trong những thói quen không lành mạnh, cuộc sống không lý tưởng nhất là là sống trong sự trùng lặp, cuộc sống tuyệt vọng nhất là chôn vùi lý tưởng bằng chính bàn tay mình. Đi khắp thế giới, chẳng qua cũng là để tìm lại con đường trở về với cõi lòng mình. Có những quyết định, ta chỉ cần một phút thôi là quyết định xong, thế nhưng lại phải ân hận bằng cả đời mình cho chính một phút đó. Nhớ lại chuyện xưa, không phải vì thời buổi hồi đó tốt ra sao, mà là vì hồi đó bạn còn trẻ trung. Đường đời dài dằng dặc, không phải bước đi nào của chúng ta cũng có thể đi tới đích một cách êm đẹp, dọc đường vấp ngã mấy lần, đi mấy đoạn đường vòng, như vậy không phải là việc hỏng, tối thiểu là đã khiến chúng ta trải nghiệm những trắc trở, tăng thêm những từng trải, tạo cho cuộc đời chúng ta muôn hình muôn sắc. Đừng nên bộc lộ nội tâm yếu đuối của bạn một cách dễ dàng, phải tập gánh lấy hết thảy những gì cần phải đảm đương; đừng dễ gì mà kể lể những điều khốn khổ trong đời sống của mình, phải học cách biết đối mặt với hiện thực bừa bộn; đừng nên dễ dàng sống uổng phí một ngày nào, bởi đó chính là ngày đầu tiên trong cuộc đời còn lại của bạn; không nên dễ dàng thỏa hiệp với cõi đời, nó muốn bạn phải khóc than, thì bạn phải kiên trì mỉm cười với chính mình. Chỉ cần chúng ta có thể gánh vác, không trốn tránh, biết nâng niu quý trọng, có trái tim vững chắc, thì cuộc đời bạn sẽ không đến nỗi quá trống rỗng. Bạn làm việc gì càng đúng đắn, thì sẽ có càng nhiều người xì xào sau lưng bạn. Bạn sống càng tốt đẹp, thì sẽ có càng nhiều người mỉa mai sau lưng bạn. Bạn trở nên càng cứng cỏi, thì sẽ có càng nhiều người chống lại bạn từ sau lưng. Nếu bạn chán ghét tôi, thì tôi không hề để tâm, bởi tôi sống không phải để mua vui cho bạn. Bạn lãng phí mất ngày hôm nay, chính là ngày mai từng thèm khát của người vừa bị chết hôm qua. Bạn ngán ngẩm hiện nay, chính là đã từng mà trong tương lai sẽ không bao giờ có thể trở lại được nữa. Thời gian rất tàn nhẫn, cần phải quý trọng những người xung quanh bạn. Thời gian quả là tốt đẹp, có thể xóa lành cho vết thương không còn đau nữa, nên buông bỏ những gì cần phải buông bỏ, đừng nên luôn cảm thấy mình không được hạnh phúc cho lắm, không gì là không hạnh phúc, mà chỉ là không được thỏa mãn mà thôi. Làm người một cách lặng lẽ, mới có thể làm việc một cách sôi nổi. Quý phái nhưng không phô trương, sang trọng nhưng không khoe khoang, mới là tầm cao nhất của cuộc đời. Lặng lẽ, chính là khi gặp người khác trên đoạn đường chật hẹp, nên né mình sang một bên nhường lối cho người đó đi qua. Mặt đất lõm xuống mới hình thành biển cả, con người thấp hèn có thể thành vương. Làm người lặng lẽ, mới có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất những quấy nhiễu và cản trở do con người gây nên, mới có thể giành được thành công trong sự nghiệp một cách dễ dàng. Bạn đặt mình vào vị trí càng thấp, thì địa vị của bạn trong sự nhìn nhận của người khác càng cao. Không ai mang cơm trưa đến, thì tự mình bắt tay vào mà nấu; không ai chào buổi tối, thì tự mình chào với mình; không ai hỏi han nóng hay lạnh, thì tự mình quan tâm thời tiết nắng mưa ra sao; không ai hẹn hò, thì mình bày vẽ chương trình của ngày cuối tuần cho thật phong phú. Cứ dán mắt vào cốc nước trong tay, thì nước sẽ sánh ra ngoài, cứ mong mau thoát khỏi cảnh sống độc thân thì ngược lại càng không giải quyết được vấn đề này. Điều không thể sai đó chính là cố gắng hơn nữa để bản thân trở thành con người càng tuyệt vời, nếu bạn cởi mở, thì gió mát thổi tới. Làm người như dòng nước chảy vậy, bạn là nước ở trên cao, thì tôi sẽ rút đi, quyết không chìm trong độ cao của bạn; nếu bạn ở dưới thấp, thì tôi sẽ trào lên, không để lộ khiếm khuyết của bạn; bạn chảy thì tôi sẽ cùng chảy với bạn, quyết không bỏ rơi bạn để bạn phải lẻ loi; bạn không không chảy, tôi sẽ ở bên bạn rất lâu, quyết không quấy rầy sự yên lặng của bạn; nếu bạn rạo rực, thì tôi sẽ sôi nổi, quyết không ngăn lòng nhiệt tình của bạn; nếu bạn bị lạnh lẽo, thì tôi cũng sẽ đông lại, quyết không làm ngơ trước cái giá lạnh của bạn. Cuộc đời như nước chảy, chảy theo duyên phận theo dòng đời. Có rất nhiều việc, không phải bạn nghĩ rồi đều có thể thực hiện được. Có rất nhiều thứ, không phải bạn muốn, đều sẽ có thể được. Có rất nhiều người, không phải vì bạn giữ lại, là họ có thể ở lại. Đừng quá coi trọng tất cả mọi thứ. Phong cảnh đã mất đi, người nào đó đã xa rời, niềm khao khát không thể đợi chờ, toàn bộ đều đã đi vào chốn tận cùng của duyên phận. Cần chi quá khư khư, những gì cần đến thì rồi tự nhiên sẽ đến, những gì muốn xa rời thì dù có giữ lại cũng không được. Hãy mở rộng quan niệm quá cố chấp, hãy thuận theo duyên phận thì đó mới là cuộc đời tốt đẹp nhất.

    Wed, 10 Apr 2024 - 25min
  • 240 - Tết Đoan Ngọ an khang

    Hai ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua rất có ý nghĩa, thứ bảy 20 tháng 6 trùng với Tết Đoan Ngọ truyền thống Trung Quốc mồng 5 tháng 5 âm lịch, mà chủ nhật lần thứ ba trong tháng 6, là Ngày của Cha theo lịch phương Tây, do vậy có thể nói hai ngày cuối tuần vừa qua là song hỷ lâm môn. Tết Đoan Ngọ truyền thống Trung Quốc Hải Vân: Nhân dịp này, xin chúc tất cả người cha trong Ngày của Cha hôm nay vui vẻ, nhân dân Trung Quốc hôm qua vừa ăn Tết Đoan ngọ truyền thống cũng rất vui vẻ. Ngọc Ánh: Hải Vân ơi, câu đầu em chúc Ngày của Cha vui vẻ thì đúng rồi, nhưng câu sau em nói mọi người trong ngày Tết Đoan Ngọ vui vẻ thì có lẽ ...có lẽ ... Hải Vân: Có lẽ sao hả chị? Ngọc Ánh: Câu sau em nói mọi người Tết Đoan Ngọ vui không đúng lắm đâu. Hải Vân: Nhưng chị ơi, em nghe nhiều người nói như vậy mà chị. Ngọc Ánh: Chính xác hơn thì nên chúc mọi người Tết Đoan Ngọ bình an khỏe mạnh thì đúng hơn. Theo quan điểm của Giáo sư Dương Quảng Vũ, chuyên gia Di sản Phi vật thể Trung Quốc cho rằng, Tết Đoan Ngọ không nên chúc nhau vui vẻ, bởi vì Tết Đoan Ngọ truyền thống thực ra là ngày Giỗ. Cho nên cùng lắm thì nên chúc nhau Tết Đoan Ngọ bình an khỏe mạnh là được rồi. Hải Vân: Ồ thì ra là vậy. Tết Đoan Ngọ an khang Khuất Nguyên Ngọc Ánh: Ừ mà nói đến đây, Ngọc Ánh xin giới thiệu luôn đôi nét về Tết Đoan Ngọ truyền thống vậy. Đây là ngày Tết cổ truyền xa xưa của Trung Quốc, bắt đầu từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc cách đây hơn hai ngàn năm rồi. Có rất nhiều truyền thuyết về Tết Đoan Ngọ, nhưng mà tóm lại là có ba truyền thuyết chính như sau: Kỷ niệm ngày đại văn hào Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn, danh thần Ngũ Tử Tư gieo mình xuống sông Tiền Đường, còn nữa có người con gái hiếu thảo tên là Tào Nga đã gieo mình xuống sông để cứu cha, người đời sau đặt dòng sông này là sông Tào Nga. Hải Vân ơi, bất kể theo truyền thuyết nào thì mồng 5 tháng 5 Âm lịch cũng đều là kỷ niệm ngày Giỗ của nhân vật nổi tiếng đã gieo mình xuống sông xuống hồ tự vẫn. Hải Vân: Vâng, nghe chị giới thiệu trên đây, thì mồng 5 tháng 5 Âm lịch là ngày giỗ ngày tưởng nhớ người đã khuất. Cũng tựa như Tết Thanh Minh vậy, đây cũng là ngày lễ cổ truyền của Trung Quốc, trong ngày Tết Thanh Minh mọi người cũng chỉ có thể cầu chúc cho mọi người bình an mạnh khỏe mà thôi, bởi vì Thanh Minh là ngày đi tảo mộ tưởng nhớ người thân đã khuất mà. Ngọc Ánh : Đúng rồi, cho nên không phải ngày Tết, ngày lễ cổ truyền nào cũng chúc nhau vui vẻ đâu nhé. Hải Vân: Ồ, vậy thì em xin sửa ngay, xin chúc quý vị và các bạn Tết Đoan ngọ bình an khỏe mạnh, và nhân đây xin tặng các bạn ca khúc "Tết Đoan Ngọ". Tết Đoan Ngọ an khang Bánh chưng Trung Quốc Ngọc Ánh : Gói bánh chưng, cắm lá ngải, uống rượu Hùng Hoàng, treo bao thơm, v.v., là truyền thống văn hóa tưởng nhớ người đã khuất hơn 2000 năm lịch sử của dân tộc Trung Hoa, mọi người tổ chức nhiều hoạt động trong ngày này, đua thuyền rồng truyền thống là môn không thể thiếu được. Còn việc gói bánh cũng rất đặc biệt, bánh chưng của Trung Quốc gói theo hình tam giác góc cạnh, nhỏ hơn bánh chưng Việt Nam rất nhiều, thế nhưng nhân dân hai nước Trung-Việt có thể cùng đua thuyền rồng để kỷ niệm ngày lễ truyền thống này. Hải Vân: Đúng vậy, về đua thuyền rồng thì phải kể đến ngày Hội đua thuyền rồng trên biển quốc tế Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc là rất nổi tiếng. Ngày lễ này thường được tổ chức vào dịp trước hoặc trong Tết Đoan Ngọ hằng năm, ngoài ra ở đây còn tổ nhiều hoạt động khác, nhưng đua thuyền rồng vẫn là hoạt động chính. Tiền thân cuộc đua thuyền rồng hữu nghị nhân dân Trung - Việt được lần đầu tiên tổ chức vào Tết Đoan Ngọ năm 2004. Ngọc Ánh: Cho đến năm 2009, Phòng Thành Cảng ra sức bắt tay vào việc tổ chức sắp xếp các nguồn thương hiệu văn hóa - thể thao, và chính thức tổ chức ngày hội Đua Thuyền rồng quốc tế Phòng Thành Cảng, đến nay đã lần lượt tổ chức sáu lần. Hải Vân: Phòng Thành Cảng là bến cảng lớn nhất ở miền tây Trung Quốc. Ngày 14 tháng 6, chủ nhật tuần trước, cuộc Đua Thuyền rồng quốc tế Phòng Thành Cảng năm 2015 đã khai mạc tại eo biển phía tây khu vực bến cảng. Có 19 đội thuyền rồng đến từ Việt Nam, Hồng Công và Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc đã đến đây tham gia cuộc đua thuyền quyết liệt và náo nhiệt. Tết Đoan Ngọ an khang Đua Thuyền rồng quốc tế Phòng Thành Cảng năm 2015 Ngọc Ánh: Vùng eo biển phía tây là hành lang lớn hướng tới ra các nước ASEAN, và cũng từng là khởi điểm của "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển"--- Hành lang bí mật Trung Quốc chi viện Việt Nam tiến hành công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặt biển vùng này rộng lớn, sóng biển êm ả không chịu sự ảnh hưởng của nước thủy triều lên xuống hoặc lũ lụt hạn hán. Hải Vân: Hằng năm cứ đến mùa tổ chức đua thuyền rồng, là vùng eo biển phía tây này lại đâu đâu cũng tiếng reo hò vang dội, tiếng thanh la tiếng trống râm ran, mấy chục nghìn khán giả đứng xem quang cảnh bầu không khí rầm rộ ở hai bờ biển có cây cầu vắt ngang, chứng kiến hoạt động thể thao đua thuyền trên biển, cảm nhận quang cảnh hoành tráng mêng mông dưới bầu trời xanh mây trắng. Ngọc Ánh: Nghe Hải Vân giới thiệu như vậy, tuy không có dịp đến hiện trường để chứng kiến quang cảnh đua thuyền rồng trên biển hoành tráng, nhưng trước mắt Ngọc Ánh lúc này như đang hiện lên quang cảnh ánh nắng, bãi biển, sóng biển, chim hải âu, ôi giá như có mặt ở hiện trường thì tuyệt vời biết nhường nào.

    Wed, 03 Apr 2024 - 25min
  • 239 - Chúc mừng Ngày của Cha

    Tết Đoan Ngọ, người dân trên cả nước Trung Quốc được nghỉ một ngày, cộng thêm hai ngày nghỉ cuối tuần, gộp lại nghỉ luôn ba ngày. Nếu trời đẹp thì nhiều người đi du lịch trong nước thậm chí ra nước ngoài du lịch nữa cơ. Hải Vân: Ôi, nếu tranh thủ được cả nhà cùng đi du lịch thì hay biết mấy, chủ nhật này lại vừa đúng Ngày của Cha, con cái cùng cha và cả mẹ đi du lịch, hoặc ở bên cha, mua quà tặng cha, bất kể bằng hình thức gì, chỉ cần bạn bày tỏ tấm lòng của mình, cảm ơn cha cũng rất hạnh phúc lắm rồi. Ngọc Ánh: Các bạn đang thưởng thức bài hát "Bố ơi mình đi đâu thế?" do một đội hai cha con cùng đồng ca. Hải Vân: "Bố ơi mình đi đâu thế?" cũng là chương trình truyền hình do các cặp cha con thật cùng trải nghiệm thực tế ngoài trời do Đài Truyền hình tỉnh Hồ Nam mua bản quyền của Đài Truyền hình MBC Hàn Quốc về thực hiện tại Trung Quốc. Năm nay là mùa thứ ba của chương trình này, sẽ tăng đến 16 tập trên cơ sở 12 tập của mùa thứ nhất, chương trình này sẽ ra mắt khán giả vào 22 giờ giờ Bắc Kinh mỗi thứ sáu hằng tuần kể từ ngày 10 tháng 7 sắp tới. Đông đảo khán giả đang chờ đợi buổi ra mắt của chương trình. Ngọc Ánh: "Bố ơi mình đi đâu thế?" là chương trình truyền hình thực tế hot nhất năm 2013. Trong chương trình này, năm người bố đều là diễn viên nổi tiếng chăm sóc ứng xử với con cái mọi sinh hoạt hằng ngày về ăn uống và đi lại trong suốt 72 đồng hồ ở ngoài trời, những người bố trẻ phải hoàn thành hàng loạt nhiệm vụ do ekip làm phim bố trí. Chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" mùa thứ nhất Hải Vân: Người xây dựng chương trình nói, chương trình này du nhập bản quyền từ Hàn Quốc là vì nhịp sống gấp của đô thị đã khiến cho cha mẹ con cái ít có dịp và ít có thời gian ở bên nhau để chung hưởng những phút giây êm đềm vui vẻ , "chương trình này không phải với mục đích phô diễn những riêng tư sinh hoạt của cha con các nghệ sĩ trẻ nổi tiếng, mà là để tựa như trưng bày cuốn bách khoa toàn thư về giáo dục sinh hoạt cho tất thảy những người làm cha làm mẹ lứa tuổi 8X". Ngọc Ánh: Trong Chương trình này, trước hết là những thách thức đối với 5 bé, con cái của năm chàng diễn viên. Ekip chương trình đã phải bỏ ra nhiều công sức để tìm kiếm diễn viên bố trẻ và con cái của họ trong cả nước. Tiêu chuẩn phải là: Con cái họ đều là những cháu bé ở độ từ bốn đến sáu tuổi, hình dáng bên ngoài phải dễ thương, tính tình phải khác hẳn nhau. Đạo diễn cho biết, bởi vì những cháu bé bảy tám tuổi trở lên đã hơi lớn, đã không còn cái tính ngây thơ non nớt bẩm sinh của trẻ em, những cháu bé dưới bốn tuổi thì lại nhỏ quá, chưa hiểu biết nhiều nên khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Ngoài ra, còn một nguyên tắc nữa là số bé trai phải nhiều hơn bé gái, bởi vì trong phiên bản chương trình của Hàn Quốc, bốn bé trai phối hợp với một bé gái, trong đó, ngộ nghĩnh vui tếu nhất vẫn là mấy bé trai. Hải Vân: Để giúp các ông bố diễn viên trẻ và con của họ tìm kiếm 6 nơi phong cảnh ngoài trời khác nhau và lại phải có tính mạo hiểm ở đó, Ekip chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" đã thành lập một nhóm làm phim chuyên đi tìm kiếm những điểm ngoại cảnh như vậy, họ đã đi khắp các tỉnh trong cả nước để có thể tìm kiếm được một nơi hoang dã chưa ai từng đặt chân đến, địa mạo phải hoàn toàn khác nhau, nhưng lại không được cách đô thị quá xa, bởi vì phải chiếu cố đến các cháu nhỏ không chịu nổi đường xá xa xôi cách trở. Ngọc Ánh: Chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" mùa thứ nhất có sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng Đài Loan Trung Quốc Lâm Chí Dĩnh, vận động viên nhảy cầu nổi tiếng Điền Lương, diễn viên nổi tiếng Lâm Đào, đạo diễn Vương Nhạc Đại và người mẫu Trương Lương nổi tiếng Đại lục Trung Quốc. Sau đây, chúng ta cùng nghe các ông bố diễn viên trẻ và các con của họ trong chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" trình bày bài hát chủ đề của cùng tên "Bố ơi mình đi đâu thế?" : Hải Vân: Người Trung Quốc thường nói "Tình Cha như núi, tình mẹ như biển". Ở Trung Quốc còn một chương trình cha con trải nghiệm thực tế cũng rất được hoan nghênh có tên là "Bố đã về rồi" cũng du nhập bản quyền từ Hàn Quốc, do Đài Truyền hình Chiết Giang thực hiện. Chương trình "Bố đã về rồi" mùa thứ nhất có sự tham gia của các ngôi sao trẻ là Giả Nãi Lượng, Vương Trọng Lôi, Ngô Tôn, Lý Tiểu Bằng và các con của họ, chương trình này đã phát trên màn hình nhỏ vào tối thứ năm hàng tuần, bắt đầu từ ngày 24 tháng 4 năm 2014. Ngọc Ánh: Chương trình này lấy các cặp cha con các diễn viên nổi tiếng cùng ở bên nhau làm khung cảnh chính, những người cha này vốn thường xuyên phải xa nhà, sau khi trở về với con, nhưng mẹ của các cháu đều vắng nhà, những người bố trẻ phải tự chăm sóc con nhỏ của mình trong 48 tiếng đồng hồ, tái hiện tình khung cảnh cha con bên nhau, ứng phó với bất cứ tình trạng gì xảy ra trong quãng thời gian này. Hải Vân: Chương trình truyền hình thực tế "Bố đã về rồi" mùa thứ hai có sự tham gia của những ông bố trẻ nổi tiếng là Giả Nãi Lương, Lý Tiểu Bằng, Đỗ Giang, Đường Chí Trung và Trịnh Quân và các con nhỏ của họ, Chương trình mùa thứ hai này đã công chiếu vào tối thứ bảy từ ngày 9 tháng 5 năm nay vào lúc 20:20 giờ Bắc Kinh. Ngọc Ánh: Hai chương trình truyền hình đề tài thực tế này, có thể nói trên chừng mực nào đó đã làm thay đổi phương thức giáo dục gia đình của thế hệ trẻ Trung Quốc. Trong quan niệm truyền thống, người cha trong gia đình bao giờ cũng là nhân vật khiến con cái phải sợ sệt, bởi cha không dễ gì biểu lộ tình cảm của mình, toàn bộ tâm sức của cha chỉ dành cho việc kiếm tiền về nuôi cả gia đình, còn việc bếp núc chăm sóc con cái thì cha không bao giờ phải để tâm đến. Nhưng trong chương trình này, các cha trẻ tuy đều là những người thành công trong sự nghiệp, nhưng họ cho rằng cùng chung sống chăm sóc con cái là việc quan trong hơn bất cứ việc gì.

    Thu, 28 Mar 2024 - 25min
Show More Episodes