Podcasts by Category

Tạp chí Việt Nam

Tạp chí Việt Nam

RFI Tiếng Việt

Những vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm ở Việt Nam

169 - Việt Nam giúp được gì Bắc Triều Tiên để gỡ thế cô lập ?
0:00 / 0:00
1x
  • 169 - Việt Nam giúp được gì Bắc Triều Tiên để gỡ thế cô lập ?

    Bắc Triều Tiên muốn “tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam lên một tầm cao mới”. Sau nhiều năm đóng cửa chống dịch Covid-19, Bình Nhưỡng dường như đang nối lại hoạt động ngoại giao với các nước bằng hữu trong vùng và ASEAN, trong bối cảnh “bị cô lập”, một phần là do phải đóng cửa nhiều cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

    Khi chọn đến thăm ba nước, Trung Quốc - đối tác hàng đầu, Việt Nam - nước có cùng hệ tư tưởng và Lào - nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2024, chính quyền Bình Nhưỡng muốn khẳng định “vẫn còn bạn”. Trưởng đoàn Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị kiêm trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, nhấn mạnh mục đích chuyến thăm Việt Nam từ 25-28/03 là “nhằm tăng cường phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai đảng, hai nước”.

    Vấn đề hợp tác kinh tế được đề cập ở quy mô địa phương khi phái đoàn Bắc Triều Tiên thăm thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/03. Theo trang Chính sách & Cuộc sống, bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ “mong muốn hợp tác”, “mở rộng đầu tư giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương Triều Tiên”. Theo dự kiến, vào tháng 06, một phái đoàn của thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi thăm và làm việc tại Bắc Triều Tiên.

    Tuy nhiên, Hà Nội có thể hợp tác với Bình Nhưỡng trên những lĩnh vực nào trong bối cảnh Bắc Triều Tiên bị trừng phạt quốc tế, còn Việt Nam thắt chặt hợp tác với hai đối thủ của chế độ Kim Jong Un là Hàn Quốc và Hoa Kỳ ? Liệu Bắc Triều Tiên có thể trông cậy vào Việt Nam để phá vỡ bớt thế cô lập trên trường quốc tế ?

    RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ, để hiểu thêm về vấn đề này.

    *

    RFI : Việt Nam là một trong ba nước (Trung Quốc và Lào) nằm trong chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam dẫn đầu. Mục đích của chuyến công du này là gì ? 

    Vũ Xuân Khang : Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2023 đã đóng cửa ít nhất 7 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó có một số cơ quan đóng ở các đối tác truyền thống như Uganda và Angola, hai quốc gia mà Bắc Triều Tiên duy trì hiện diện ở châu Phi. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Triều Tiên cũng đóng cửa lãnh sự quán ở Hồng Kông.

    Việc đóng cửa các cơ quan đại diện ở nước ngoài cho thấy Bắc Triều Tiên đang gặp những khó khăn về kinh tế do cấm vận quốc tế và họ không còn nguồn tiền để duy trì các cơ quan đại diện được cho là không mang lại đủ lợi ích kinh tế cho đất nước. Cũng cần hiểu rằng do Bắc Triều Tiên bị cấm vận quốc tế nên từ trước đến nay, họ luôn dựa vào những cơ quan đại diện ở nước ngoài để mang ngoại tệ về nước. Cho nên việc đóng cửa những cơ quan này là một chỉ dấu cho thấy những biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc đang có hiệu quả rõ rệt và làm giảm số lượng cơ quan đại diện nước ngoài của Bắc Triều Tiên xuống còn 44.

    Đọc thêm : Hàn Quốc và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao

    Có thể thấy là việc đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện đang đẩy Bắc Triều Tiên vào tình thế bị cô lập, trong khi nước đối địch là Hàn Quốc ngày càng mở rộng mạng lưới ngoại giao. Gần đây nhất, Seoul đã thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, một đồng minh ý thức hệ quan trọng của Bắc Triều Tiên. Nếu nhìn rộng hơn, khi so sánh giữa số lượng các nước mà Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có quan hệ ngoại giao hoặc là có trụ sở đại diện nước ngoài thì Hàn Quốc có khoảng 180, trong khi Bắc Triều Tiên hiện chỉ còn 44.

    Việc Bắc Triều Tiên không đóng cửa cơ quan đại diện ở Việt Nam, cũng như Việt Nam nằm trong chuyến công du ba nước của phái đoàn Bắc Triều Tiên cho thấy rằng Bình Nhưỡng vẫn rất coi trọng mối quan hệ truyền thống với Hà Nội, rộng hơn là đối với các nước Cộng sản châu Á khác khi phái đoàn Bắc Triều Tiên cũng đến thăm Trung Quốc và Lào. Mục đích chính của chuyến thăm này là nhằm giảm bớt sự cô lập của chính quyền Bình Nhưỡng sau khi phải đóng cửa hàng loạt cơ quan đại diện ở nước ngoài.

    RFI : Vậy Bắc Triều Tiên đặt kỳ vọng gì khi thăm Việt Nam ? 

    Vũ Xuân Khang :Quan hệ Việt Nam và Bắc Triều Tiên trên đà phát triển trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 khi Bắc Triều Tiên có những chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam và đỉnh điểm là chuyến thăm của chủ tịch Kim Jong Un đến Hà Nội vào cuối tháng 02/2019 để tham dự thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đó cũng là lần đầu tiên một lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên đến thăm Việt Nam kể từ chuyến thăm Hà Nội năm 1964 của chủ tịch Kim Nhật Thành.

    Hai nước đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới kinh tế, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch. Bắc Triều Tiên mong muốn thúc đẩy du lịch với Việt Nam và hai nước đã có những cuộc đối thoại về mở đường bay thẳng. Chương trình Cuộc đua kỳ thú phiên bản Việt Nam năm 2019 đã được Bắc Triều Tiên cấp phép quay một chặng đua ở Bình Nhưỡng để quảng bá hình ảnh Bắc Triều Tiên rộng rãi hơn đến khán giả Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện chưa từng có tiền lệ khi mà Bắc Triều Tiên cho phép một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài quay phim ở Bình Nhưỡng. Mặc dù chương trình truyền hình thực tế này không phải là quay trực tiếp nhưng đó cũng là một chỉ dấu rất lớn cho thấy Bắc Triều Tiên muốn mở cửa với thế giới và ít nhất là đối với những đối tác truyền thống như Việt Nam.

    Đọc thêm : Việt Nam – Bắc Triều Tiên : Tham vọng hợp tác văn hóa và đào tạo

    Nhưng sau đó, quan hệ Việt Nam-Bắc Triều Tiên bị chững lại sau năm 2019 do đại dịch Covid-19 khi cả hai nước đóng cửa biên giới. Bắc Triều Tiên mới chỉ mở lại biên giới một cách hạn chế từ giữa năm 2023 để đón phái đoàn từ Nga và Trung Quốc đến tham dự 70 năm ký kết hiệp định đình chiến hai miền Triều Tiên. Đầu năm nay (2024), Bắc Triều Tiên đã đón những đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến từ Nga sau hơn 4 năm chống dịch. Hiện giờ Bắc Triều Tiên cũng chỉ mới cấp lại visa đối với những thương nhân của Trung Quốc để nối lại kinh tế giữa hai nước.

    Bắc Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu du lịch trong nước để sớm có thể mở rộng công nghiệp du lịch để đón khách nước ngoài. Cần phải nhắc lại rằng công nghiệp du lịch là một trong những nguồn thu không bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, nhờ đó Bắc Triều Tiên có thể thu được ngoại tệ từ nước ngoài một cách hợp pháp.

    Có thể thấy Bắc Triều Tiên mong muốn nối lại hợp tác kinh tế và du lịch, được hai nước đã thỏa thuận trước dịch 2019, thông qua chuyến thăm của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam, ủy viên dự khuyết bộ Chính Trị, dẫn đầu. Với việc Bắc Triều Tiên đã đóng cửa một lượng lớn các cơ quan đại diện ở nước ngoài thì những nước mà họ vẫn còn giữ đại diện, như Việt Nam, sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong chính sách ngoại giao của Bắc Triều Tiên trong thời gian tới.

    RFI : Hà Nội có thể làm được gì cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh chế độ Kim Jong Un đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế, còn Việt Nam lại thắt chặt quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc

    Vũ Xuân Khang :Thực ra, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên đã không còn được như giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khi Bắc Triều Tiên giúp đỡ chính quyền Hà Nội bảo vệ không phận miền Bắc trong các cuộc ném bom của Mỹ. Đặc biệt hơn, chính chủ tịch Kim Nhật Thành còn ngỏ ý với chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ rằng Bắc Triều Tiên sẵn sàng gửi cả lính đánh bộ nếu như Hà Nội cho phép.

    Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992, quan hệ Việt - Hàn đã phát triển nhanh chóng nhờ chia sẽ lợi ích về kinh tế. Trái lại, quan hệ Việt Nam - Bắc Triều Tiên bị chững lại do Bắc Triều Tiên gặp khủng hoảng kinh tế và họ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Khủng hoảng kinh tế của Bắc Triều Tiên tồi tệ đến mức Bình Nhưỡng không đủ tiền để trả những khoản nợ mua gạo của Việt Nam vào năm 1996. Chính những điều này đã làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.

    Đọc thêm : Mô hình kinh tế Việt Nam chưa hẳn có hấp lực với Bắc Triều Tiên

    Việt Nam nhận thấy có thể phát triển quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên và giúp đỡ nước này tránh được các lệnh trừng phạt quốc tế nhờ sử dụng cảng biển của Việt Nam để trao đổi hàng hóa bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, như than đá, dầu mỏ. Tuy nhiên, những triển vọng này đang ngày càng giảm khi cả Mỹ và Hàn Quốc đều nỗ lực thuyết phục Hà Nội thi hành các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên trong các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Việt Nam.

    Đơn cử là vào chuyến thăm của tổng thống Hàn Quốc vào tháng 06/2023, ông Yoon Suk Yeol đã trực tiếp kêu gọi Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á khác, coi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa cho an ninh của khu vực. Tổng thống Hàn Quốc cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam để kiềm chế mối đe dọa an ninh từ Bắc Triều Tiên.

    Trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải cân đo đong đếm quan hệ, lợi ích kinh tế với Hàn Quốc và Mỹ so với Bắc Triều Tiên. Và rõ ràng hiện giờ mối quan hệ kinh tế của Việt Nam đối với Hàn Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn là lợi ích kinh tế của Việt Nam với Bắc Triều Tiên. Do vậy, khả năng cao là Hà Nội vẫn sẽ chỉ giúp đỡ được Bình Nhưỡng trong khuôn khổ không làm tổn hại đến lợi ích kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc.

    RFI : Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử một phái đoàn đến Bình Nhưng vào tháng 06, có thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế.Việc cử một phái đoàn cấp địa phương liệucó phải để nhằm tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác như Mỹ, Hàn Quốc ?

    Vũ Xuân Khang : Thực ra, nếu như chính phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Bình Nhưỡng thì cũng giống như một cuộc gặp đáp lễ cho chuyến công du của phái đoàn Bắc Triều Tiên do ông Kim Song Nam dẫn đầu. Thay vì chính quyền Hà Nội gửi một phái đoàn đến Bắc Triều Tiên mà chỉ là một phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh có thể cho thấy rằng Việt Nam không muốn phá hoại quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hàn Quốc hoặc là quan hệ Việt Nam với Mỹ.

    Cần phải nói rõ việc gửi phái đoàn từ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế, nhất là về du lịch giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên và không gửi bất kỳ một tín hiệu nào là Hà Nội ủng hộ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ.

    Mon, 15 Apr 2024
  • 168 - Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân phải thích ứng với ngập mặn ngày càng trầm trọng

    Là vựa lúa của Việt Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị ngập mặn ngày càng trầm trọng và nông dân trong vùng này nay buộc phải thích ứng với tình trạng đó.

    Tình trạng khô hạn và ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long lên đến mức mà tỉnh Tiền Giang  vào ngày 06/04/2024 đã phải công bố "tình huống khẩn cấp" trong khu vực huyện Tân Phú Đông.

    Trước đó, bên lề hội thảo Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước tại Hà Nội ngày 15/3, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã công bố một nghiên cứu mới cho biết là bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn quả, hoa màu của đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm bị thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 3 tỷ euro, do bị xâm nhập mặn. 

    Báo cáo cũng dự đoán là thiệt hại do xâm nhập mặn sẽ tăng dần theo thời gian, với các kịch bản cho những năm 2030, 2040, 2050. Ông Trần Anh Phương, Viện Khoa học Tài nguyên nước, cho biết sự gia tăng của các dự báo tương ứng với kịch bản nước biển dâng, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội cũng như khai thác tài nguyên nước thượng nguồn, đặc biệt là phát triển thủy điện và chuyển nước ra ngoài lưu vực.

    Đồng bằng sông Cửu Long là phần hạ lưu giáp biển của sông Mekong, có địa hình thấp và khá bằng phẳng với 2 vùng trũng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Cùng với 2 dòng chính là sông Tiền và sông Hậu, đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch chằng chịt, cho nên dễ bị xâm nhập mặn do thủy triều đưa nước mặn vào sâu trong sông và nội đồng, đặc biệt trong mùa cạn, khi mà lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong xuống thấp. Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, nhắc lại lịch sử hình thành của đồng bằng sông Cửu Long:

    “Các nhà địa chất xác định tuổi carbon 14 của đồng bằng là được hình thành từ khoảng 10 ngàn năm trước. Khi đồng bằng sông Cửu Long mới hình thành, bờ biển nằm ở ranh giới Cam Bốt bây giờ. Qua những đợt nước biển lùi vài trăm năm rồi nước biển dâng trở lại vài trăm năm, cứ dâng và lùi như vậy, mỗi lần thay đổi mặt nước biển thì để lại vết tích là những dòng cát. Có hàng trăm dòng cát như vậy nằm song song với bờ biển hiện tại. 

    Nói cách khác, đồng bằng sông Cửu Long không có lạ gì với hiện tượng nước biển dâng và lùi. Nhưng bây giờ các nhà khí tượng học dự đoán là những quy luật trước đây như vào thời “Năm Thìn bão lụt” thì bây giờ không còn như vậy nữa. Bây giờ muốn lụt lúc nào thì lụt, muốn hạn lúc nào thì hạn. Bên kia thì đang lụt, nhưng bên đây thì lại đang cháy rừng.”

    Thiếu nước ngọt trong mùa nắng nóng

    Trong hơn một tháng qua, miền Nam Việt Nam phải đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài bất thường. Các nhà khí tượng học cảnh báo hiện tượng này có thể tiếp tục kéo dài với hậu quả làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập của nước biển vào nước ngầm hoặc nước mặt. Hiện tượng, vẫn xảy ra hàng năm vào mùa khô, càng gia tăng do tác động của thời tiết nóng bức và mực nước biển dâng cao, cả hai đều chịu áp lực do biến đổi khí hậu. Độ mặn tăng ảnh hưởng đến cây trồng và khả năng tiếp cận nước sinh hoạt của người dân.

    Trong số 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có mức độ thiệt hại lớn nhất, tiếp đến là Bến Tre. Hãng tin Pháp AFP ngày 20/03/2024 đã có bài phóng sự tại Bến Tre, nơi đang bị một đợt nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn đe dọa nền kinh tế địa phương. Nói với AFP, nông dân Nguyễn Hoài Thương than thở: "Thật lãng phí khi bỏ ruộng lúa vì chúng tôi không có nước ngọt. Thay vào đó tôi phải nuôi bò".

    Tại Bến Tre, các cánh đồng vốn được trồng lúa nay đã bị nứt nẻ do hạn hán, nắng nóng. Do thiếu mưa, gia đình nông dân Nguyễn Hoài Thương phải mua nước sinh hoạt của hàng xóm với giá gần 500.000 đồng (20 euro) vào tháng 2 vừa qua. Ông Nguyễn Hoài Thương giải thích: “Chúng tôi không có nguồn nước ngọt ngầm và nước mặt thì mặn”.Nông dân Phan Thành Trung, người trồng lúa cùng làng với Nguyễn Hoài Thương, cho biết: “Tôi phải giảm vụ từ ba vụ xuống chỉ còn hai vụ một năm. Nước ở vùng tôi quá mặn nên không thể sử dụng được”.Người hàng xóm Nguyễn Văn Hùng thì đã tận dụng đợt nắng nóng để kiếm thêm thu nhập từ nguồn nước ngọt dồi dào dưới lòng đất. Ông cho biết: “Khi có những đợt hạn hán, xâm nhập mặn, tôi bán nước ngọt cho hàng xóm, nhưng nói thật là tôi cũng không vui. Thời tiết bất lợi thực sự ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi.”

    Đa dạng hóa nông nghiệp để thích ứng

    Gần đây, các tổ chức quốc tế và các chương trình của chính phủ đã khuyến khích đa dạng hóa nông nghiệp nhằm hướng tới khả năng phục hồi kinh tế và khí hậu tốt hơn. Cụ thể là nông dân nên duy trì các đồng lúa trong mùa mưa, khi sông Mekong có thể cung cấp đủ nước ngọt, sau đó chuyển những cánh đồng đó sang nuôi tôm hoặc nuôi tôm vào mùa khô. 

    Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đưa ra khuyến cáo tương tự:

    “Những vùng nào mà mình biết đã nhiễm mặn thì đừng ngăn mặn và đem nước ngọt về “ngọt hóa” để trồng lúa làm gì, đã có nhiều lúa lắm rồi. Bây giờ mình làm theo nghị quyết của chính phủ năm 2017, nghị quyết mà tôi đã hết sức đấu tranh để nhà nước chấp nhận thả ra, không còn ép buộc trồng lúa mọi lúc, mọi nơi. Sau nghị quyết 2017, nông dân được hướng dẫn là ở vùng ven biển không trồng lúa trong mùa nắng, trong mùa nước mặn nữa, mà chỉ trồng lúa trong mùa mưa thôi. Sau khi hết mưa rồi, thu hoạch lúa xong thì mình cho nước mặn vào rồi nông dân bắt đầu nuôi tôm, cua biển, hoặc cá kèo. Khi mùa mưa tới nữa thì mình lại trồng lúa.

    Mình cũng khuyến cáo bà con nông dân rất kỹ: Khi vừa thu hoạch lúa xong, đất ruộng còn ướt, đưa nước mặn vào thì nước mặn chỉ nằm bên trên thôi. Tức là khi đưa nước mặn vào thì đất ruộng phải còn ướt, còn sình lầy, như vậy đất sẽ không bị nhiễm mặn, mùa tới khi mưa trở lại thì có thể trồng lúa như bình thường.

    Ở vùng giữa ( đồng bằng sông Cửu Long ), bây giờ bà con được khuyến cáo là chỉ trồng một vụ lúa thôi, còn lại thì trồng những loại cây trồng cạn, như cây bắp, cây sorgho, cây mía...Có vùng thì họ lên liếp hết, trồng cây ăn quả ở trên, còn ở dưới mương thì nuôi cá hay dùng giống như hồ chứa nước trong mùa mưa để tưới cho cây trồng trong mùa nắng. 

    Còn nguyên một vùng nằm dọc theo biên giới Cam Bốt, nơi mà sông Cửu Long bắt đầu đến Việt Nam, thì mình lấy nước ở đoạn sông đó để dẫn vào hệ thống thủy lợi dọc theo vùng phía trên Đồng Tháp Mười để phân bổ nước ngọt của sông Hậu Giang cho vùng Tứ Giác Long Xuyên. Diện tích tổng cộng của vùng này là khoảng 1 triệu 500 ngàn hecta, là vùng luôn luôn có nước ngọt, nước mặn không bao giờ lên đến đó. Đây là vùng mà tôi gọi là “sống chung với biến đổi khí hậu”, tức là không bị ảnh hưởng”.

    Mô hình "không bền vững"?

    Trong một bài viết trên trang mạng The Diplomat của Nhật Bản ngày 09/02/2024, bà Quinn Goranson, một nhà nghiên cứu về khí hậu và chuyển đổi năng lượng ở Canada, đã cảnh báo về những hậu quả của mô hình nói trên, vì theo bà, người ta ít  chú ý đến các tác động tiêu cực đến môi trường của quá trình chuyển đổi hàng loạt sang nuôi tôm, một hành động mà thật ra theo bà là "không bền vững". Giáo sư Võ Tòng Xuân trấn an về cảnh báo nói trên:

    “ Đất ruộng để nuôi tôm không bao giờ sử dụng hóa chất, cho nên loại múa ST25 là loại gạo ngon nhất Việt Nam được trồng ở những ruộng tôm này là tốt nhất, vừa đạt tiêu chuẩn quốc tế, vừa an toàn cho người dân ăn. Đó là tại vì người ta biết là xài hóa chất cho lúa thì sẽ ảnh hưởng đến tôm nuôi. Còn khi nuôi tôm thì bây giờ người ta cũng sản xuất tôm giống rất là kỹ. Khi nuôi trong ruộng nếu tôm bệnh thì người ta dùng các loại thuốc vi sinh, tức là probiotique, chứ không phải là antibiotique.”

    Tuy nhiên, trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu Quinn Goranson lo ngại một cái vòng luẩn quẩn của tác động tiêu cực từ mô hình đó:

    “Nông dân theo mô hình trồng lúa/nuôi tôm đã bắt đầu nhận thấy tác động lâu dài của các ao nuôi tôm đối với chất lượng đất, vì biến đổi khí hậu hạn chế khả năng xả muối của sông Mê Kông, khiến đất kém màu mỡ. Cuối cùng, khi tình trạng xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn do mực nước biển dâng cao và sụt lún mặt đất liên tục, độ mặn sẽ vượt quá mức có thể chấp nhận được ngay cả đối với những loài tôm này. Cho nên người ta đã khuyến khích việc khai thác nước ngầm để làm loãng độ mặn của ao nuôi tôm. Sự suy giảm tầng chứa nước đã góp phần gây ra tình trạng sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều thập kỷ, đẩy nhanh tốc độ sụt lún chưa từng thấy của đồng bằng ở mức 18 cm trong 25 năm qua.”

    Tình trạng sụt lún đất cũng chính là một trong những nguyên nhân ban đầu dẫn đến xâm nhập mặn. Cho nên nhà nghiên cứu Quinn Goranson đề nghị cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về tác động lên hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long.

    Mon, 08 Apr 2024
  • 167 - Việt Nam - Úc : Mối quan hệ “thực chất” dựa trên “niềm tin chính trị”

    Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đánh dấu thành công mới trong chiến lược “ngoại giao cây tre” của Hà Nội. Trong thông cáo chung ngày 07/03/2024, hai nước “chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, “không bị ép buộc, nơi độc lập, chủ quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng”. Dù không nêu đích danh Úc và Việt Nam nhưng Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ “ưu tiên đối đầu, lập liên kết độc quyền”.

    Nếu được ký trong năm 2023, đúng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, “niềm vui sẽ được trọn vẹn”, theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Vin, Hà Nội. Tuy nhiên, lịch trình đã được dãn ra. Phải chăng để tránh chọc giận Bắc Kinh ? Tháng 09/2023, Việt Nam đón tổng thống Joe Biden và nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang tầm quan trọng với Trung Quốc vì “đối với Mỹ, thời điểm đó không thể trì hoãn hơn”.

    Nhưng lùi sang năm 2024 không có nghĩa là làm giảm ý nghĩa chiến lược và lòng tin của hai bên, đặc biệt là Úc là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, và duy trì “mối quan hệ thân hữu”, theo ca ngợi của thủ tướng Scott Morrison trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 08/2019.

    Trên đây là một trong số những nhận định khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp thỉnh giảng về chính trị học tại Đại học Công nghệ Queensland, phó giáo sư thỉnh giảng về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sunshine Coast ở Úc.


    RFI : Năm 2023, thủ tướng Anthony Albanese, tiếp theo là ngoại trưởng Penny Wong thăm Việt Nam. Từ ngày 04-08/03/2024, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự thượng đỉnh Úc-ASEAN, sau đó thăm chính thức Úc. Chuyến công du của ông Chính có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ giữa hai nước ?

    Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải : Tôi cho rằng cả hai nước đều thực sự muốn nâng cấp quan hệ bởi vì cả hai nước đều nhìn thấy được vai trò, vị trí chiến lược của nhau, tầm quan trọng của mỗi nước đối với vấn đề phát triển và an ninh của nhau. Ngay từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm, phía Úc đã nhìn thấy vị trí, vai trò chiến lược của Việt Nam trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chính vì thế, ngay cả khi chiến tranh thời đó chưa kết thúc, Úc cũng sẵn sàng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với một nước vốn là cựu thù, với một nước vốn còn chiến tranh với cả một đồng minh của họ, đó chính là Mỹ vào thời điểm đó.

    Ngược lại, Việt Nam cũng nhìn nhận Úc khác với cả những nước phương Tây khác. Mặc dù Úc cũng đưa quân tham chiến, giống như một số đồng minh khác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng cách tiếp cận cũng khá độc lập, khá tiến bộ và khá thân thiện với Việt Nam. Cho nên việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, tức là mức quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam đối với một đối tác nước ngoài, là điều được cả hai bên rất mong đợi. Tôi chỉ tiếc rằng việc này diễn ra hơi trễ một chút, lẽ ra các bên đều mong đợi nâng cấp từ năm ngoái (2023).

    Đọc thêm :Việt Nam và Úc tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

    Việc nâng cấp quan hệ như vậy sẽ tạo điều kiện cho hai nước thực hiện những bước đi mang tính chiến lược hơn, kể cả từ góc độ kinh tế hay từ góc độ hợp tác quốc phòng-an ninh, cũng như một số lĩnh vực mới nổi khác như chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới-sáng tạo… Đặc biệt là trong việc chống biến đổi khí hậu, cả Úc và Việt Nam đều đặt mục tiêu là đến năm 2050 giảm lượng phát thải về 0. Cả hai nước đều đặt mục tiêu đầy tham vọng như vậy, cho nên thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tạo điều kiện cho cả hai nước hỗ trợ cho nhau được tốt hơn.

    Đặc biệt như chúng ta thấy thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổng kết lại việc nâng cấp quan hệ từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ở 6 “hơn” : tin cậy hơn về mặt chính trị, hợp tác sâu sắc hơn, hợp tác mạnh mẽ hơn, hợp tác thực chất hơn và gắn kết hơn. Tất cả những cái đó cho thấy sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên.

    Cho tới nay, mặc dù Việt Nam đã thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện với cả 7 nước, bao gồm cả Úc, nhưng qua nghiên cứu, theo dõi của tôi thì tôi cho rằng mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam và Úc sẽ thực chất và toàn diện đúng với nghĩa so với một số mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện khác của Việt Nam.

    RFI : Việt Nam và Úc đều mong đợi nâng cấp từ năm 2023, nhân kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vậy mối quan hệ song phương được phát triển như thế nào trong suốt nửa thế kỷ qua ?

    TS Nguyễn Hồng Hải : Như tôi vừa nói, khi chiến tranh Việt Nam còn chưa kết thúc, Úc đã mạnh mẽ và sẵn sàng, dũng cảm - tôi hay dùng là “quyết định một cách dũng cảm” của các nhà chính trị, các nhà ngoại giao của cả hai bên - phải thừa nhận như vậy - tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 26/02/1973.

    Trong suốt 50 năm, từ cựu thù, theo từng bước, hai nước tiến tới mối quan hệ thực sự tin cậy, chiến lược : từ cựu thù chuyển sang bạn bè, đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và bây giờ là đối tác chiến lược toàn diện. Không dễ dàng thấy được một mối quan hệ nào lại phát triển nhanh như vậy, và tôi nghĩ rằng không chỉ có ý nghĩa song phương mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực. Mối quan hệ đó phát triển theo toàn bộ chiều rộng và chiều sâu, từ kinh tế đến giáo dục, quốc phòng, an ninh, thương mại và đầu tư. Tất cả những mục tiêu mà hai nước đặt ra trong từng giai đoạn của sự phát triển quan hệ ngoại giao đều đạt được cả.

    Ví dụ trước khi hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế của hai nước cũng đã phát triển nhưng chưa phải là những đối tác hàng đầu với nhau. Tôi nhớ là năm 2017, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 15 của Úc. Còn với Úc, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 12 hoặc 13. Nhưng khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2018, cả hai nước đặt mục tiêu sớm trở thành 1 trong 10 đối tác hàng đầu của nhau. Thậm chí là một năm sau đó, Úc đã trở thành đối tác lớn thứ 10 của Việt Nam. Còn Việt Nam đương nhiên chậm hơn một chút. Đến năm 2023, lần đầu tiên hai nước đã trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nhau : Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Úc, Úc là đối tác lớn thứ 7 của Việt Nam.

    Đọc thêm :Những kỳ vọng về quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam và Úc

    Hơn nữa, hai nước đã thiết lập những cơ chế hợp tác ở tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh, chính trị. Ví dụ hai nước đã thiết lập cơ chế hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao thường niên từ năm 2018, hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng thường niên, hội nghị đối thoại chiến lược quốc phòng thường niên cấp thứ trưởng. Vừa qua, khi nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, lần đầu tiên hai nước cũng đã tổ chức hội nghị bộ trưởng Thương Mại thường niên lần thứ nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư.

    Nhìn vào đối ngoại của Việt Nam với các nước phương Tây, khó có một mối quan hệ đối tác nào mà thiết lập các cơ chế toàn diện đến như vậy và có sự tin cậy cao đến như vậy. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến cụm từ “tin cậythực sự : Hai chế độ chính trị khác nhau, hai hệ thống chính trị khác nhau, lại vốn là cựu thù của nhau nhưng hai nước đã vượt qua tất cả những khó khăn của quá khứ, tất cả rào cản kể cả về mặt ý thức hệ để tiến tới mối quan hệ chặt chẽ, cao nhất như vậy. Tôi nghĩ là phải nói đến lòng dũng cảm, lòng tin cậy một cách thực sự đối với nhau. Tôi vẫn luôn nói là ở Việt Nam khó tìm được một đối tác phương Tây nào thân thiện và tốt như là Úc với Việt Nam.

    RFI :Trong ngày khai mạc thượng đỉnhASEAN-Úc, ngoại trưởng Penny Wong thông báo tài trợ 64 triệu đô la Úc cho vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông, cũng như sông Mêkông. Dù không nêu chi tiết nhưng bà ca ngợi nỗ lực “xác định lãnh hải” của bốn nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia. Vậy Úc có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong vấn đề an ninh hàng hải, bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ?

    TS Nguyễn Hồng Hải : Khoản tài trợ này dành cho chương trình “Sáng kiến đối tác hàng hải Đông Nam Á của Úc” (Australia’s Southest Asia Maritime Partnerships Initiatives). Mục tiêu là nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Úc trong việc nâng cao năng lực hàng hải và tăng cường việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực. Chúng ta hiểu rằng khoản tài trợ này không dành riêng cho một đối tác cụ thể nào, tức là các nước trong khu vực đó đều có thể được thụ hưởng và tham gia vào sáng kiến đó. Đương nhiên Việt Nam nằm trong Đông Nam Á, bây giờ có thể coi là một trong những thành viên chủ chốt trong ASEAN, cũng sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.

    Chúng ta thấy là còn thiếu thông tin để xác định ưu tiên cụ thể của việc hỗ trợ của Úc đối với sáng kiến này. Ví dụ có thể diễn giải rằng Úc sẽ hỗ trợ việc nâng cao năng lực chấp pháp biển có được không ? Hoặc là hỗ trợ các nước trong việc thăm dò khai thác tài nguyên biển có được không ? Tuy nhiên, bộ trưởng Ngoại Giao Penny Wong thông báo sáng kiến này trong bối cảnh, theo phát biểu của bà, là Úc đang hợp tác với ASEAN để nâng cao khả năng đối kháng. Tôi dùng cụm từ “đối kháng”, ở đây rõ ràng là đối kháng hành động cưỡng ép để đảm bảo các tuyến hàng hải phục vụ lợi ích chung và luôn rộng mở, đi lại dễ dàng.

    Đồng thời, theo bà, sự hợp tác này sẽ góp phần vào an ninh, thịnh vượng và quản lý hoạt động hàng hải trong khu vực. Đặt trong bối cảnh như thế, rõ ràng là sáng kiến này của Úc sẽ tập trung hỗ trợ cả về vật chất và đào tạo nhằm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, chia sẻ thông tin để quản lý hoạt động hàng hải và ứng phó với những thách thức trên biển.

    Đọc thêm : Hợp tác an ninh hàng hải giữa Úc với Việt Nam sẽ “không phô trương” như với Philippines

    Chúng ta biết rằng là Việt Nam và Úc lâu nay cũng có sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đặc biệt là hai bên đã có những cơ chế hợp tác ổn định. Nhưng sự hợp tác hàng hải cụ thể là nâng cao năng lực chấp pháp biển thì giữa hai bên chưa có. Nếu đọc tuyên bố chung, chúng ta cũng thấy rằng trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải - đây cũng là điều rất mới - tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý hàng hải giữa hai nước, bao gồm cả vấn đề về chia sẻ thông tin tình báo và quản lý bền vững tài nguyên biển, chống đánh bắt cá trái phép.

    Như vậy, có thể thấy rằng Úc có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải, trong khuôn khổ sáng kiến về hợp tác hàng hải Đông Nam Á nói ở trên và hợp tác cả trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp. Tôi cho rằng Việt Nam và Úc đều là hai quốc gia biển, cả hai nước đều đặt mục tiêu là phát triển, mạnh vì biển, nên chắc chắn là hai nước không có lý do gì không phát triển mạnh vì biển và trở thành cường quốc biển.

    Tôi mong đợi rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và Úc trong thời gian tới, đặc biệt là trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được nâng cấp này, sẽ mở rộng ra các hoạt động huấn luyện và tuần tra hải quân chung. Hy vọng rằng chúng ta sẽ chứng kiến các tàu hải quân của Việt Nam có thể sẽ viếng thăm Úc và giao lưu với lực lượng hải quân hoàng gia Úc, thậm chí là thường xuyên hơn. Hiện nay chúng ta mới chỉ thấy tàu chiến Úc đến thăm các cảng biển của Việt Nam, chứ chưa có chiều ngược lại. Tôi hy vọng trong thời gian tới có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa lực lượng hải quân hai nước.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải.

    Mon, 01 Apr 2024
  • 166 - Việt Nam : Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền ?

    Chưa đầy hai năm, Việt Nam lại tìm chủ tịch nước lần thứ ba. Ông Võ Văn Thưởng, người được ông Nguyễn Phú Trọng che chở, không thoát khỏi chiến dịch “đốt lò” dù trước đó ông đã được tổng bí thư “cứu” một lần. Trái với người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng ra đi với những lời chỉ trích gay gắt của Đảng : Những vi phạm, khuyết điểm của ông “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

    Tại sao lần này ông Thưởng không qua được cửa ải ? Một trong những lý do gián tiếp có lẽ là tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư dường như bị những người giúp ông làm trong sạch bộ máy đảng tiếm quyền. Trên đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 21/03/2024.


    RFI : Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai phải từ chức trong vòng hơn một năm.Đây là chuyện vô cùng hiếm trong lịch sử Việt Nam.Nên hiểu hiện tượng này như thế nào ?

    Benoît de Tréglodé : Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Ông Võ Văn Thưởng, người thân cận và được tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng che chở, đã được vạch cho một sự nghiệp xán lạn từ năm ngoái (2023). Mọi người đều cho rằng ông sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng, kể cả chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm thích hợp. Ông Thưởng có cả một quá trình công tác, một sự nghiệp hoàn toàn phù hợp với những gì mà ông Trọng trông đợi ở một nhà lãnh đạo cấp cao cho Nhà nước Việt Nam. Vậy mà bỗng dưng ông Thưởng “ngã ngựa”, lại vào lúc chưa đầy hai năm nữa là tới kỳ Đại hội Đảng.

    Vậy có thể rút ra những bài học gì từ sự kiện này ? Trước mắt, tôi thấy được ba bài học. Thứ nhất, kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước đây, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng. Vì vậy, bài học rút ra, đó là chủ tịch nước bị buộc thôi chức cũng đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ngăn cản việc này. Nên nhớ là cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình. Nhìn từ khía cạnh này thì đây là một điểm rất đáng quan tâm.

    Yếu tố thứ hai, để buộc chủ tịch nước Việt Nam từ chức, người ta lôi lại một vụ tham nhũng từ cách đây 12 năm khi ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi. Hậu quả vụ tham nhũng bất ngờ ập xuống sau 12 năm. Cho nên, có thể thấy đây chỉ là một cái cớ chính trị để hạ gục một người hiện trở thành mối nguy hiểm cho những mục tiêu và tham vọng của một số người khác.

    Điểm thứ ba, tôi cho là vô cùng quan trọng, đó là những chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng trong khi ông vốn là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ chống tệ nạn này ngay từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2011. Hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ bộ Công An, dưới trướng ông Tô Lâm và bộ trưởng Công An gần như là chỉ huy chính những chiến dịch này. Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng.

    Đây là ba bài học từ việc chủ tịch nước bị lật đổ mà theo tôi, mang đầy tính chính trị và tình thế.

    Đọc thêm :Thanh trừng chống tham nhũng : Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn?

    RFI : Với tư cách là một nhà nghiên cứu, quan sát nước ngoài, ông nhận định như thế nào về việc hai chủ tịch nước bị buộc từ chức chỉ trong hơn một năm ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là tôi không quá bất ngờ. Đúng là cách đây vài tháng, thậm chí là vài tuần, nhiều nhà quan sát về tình hình chính trị Việt Nam, cũng như nhiều người Việt mà tôi vẫn trao đổi, đều tin vào tương lai sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng. Vậy mà ông bất ngờ bị hạ bệ, một cách khá tàn bạo.

    Đối với tôi, nếu nhìn vào ba bài học đã đề cập ở trên thì thời thế đã thay đổi và cuộc chiến thừa kế trong Đảng đã bắt đầu. Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. Nếu tình trạng sức khỏe của tổng bí thư Đảng không suy yếu như hiện nay thì chuyện lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025 thì lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ. Cuộc chiến kế thừa sẽ không chờ đến tháng 01/2026 vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới.

    Một điểm khác cần lưu ý, khi tổng bí thư Đảng nắm giữ chức chủ tịch tiểu ban nhân sự, ông Nguyễn Phú Trọng cho phần còn lại của giới lãnh đạo thấy rằng ông chưa tìm được người kế nhiệm rõ ràng. Ông cho thấy là vẫn muốn có ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, hiện giờ, việc ông Võ Văn Thưởng bị loại cho thấy ông Trọng không còn ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai.

    Tại sao chiến dịch chống tham nhũng, không biết lần thứ bao nhiêu, dường như lại loại bỏ chính người được ông Trọng bảo vệ ? Tại sao lại viện đến cái cớ cũ rích là một vụ tham nhũng ở tỉnh Quảng Ngãi cách đây 12 năm để loại ông Thưởng ? Đối với tôi, rõ ràng sự kiện này cho thấy khởi đầu của một cuộc đấu đá nội bộ giành quyền kế vị giữa các phe phái đang chi phối quyền lực Nhà nước Việt Nam.

    Đọc thêm :Chủ tịch nước từ chức: Lo ngại bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam

    RFI : Việc thay đổi một vị trí trong "Tứ trụ" trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ tác động như nào đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế ?

    Benoît de Tréglodé : Trong số 18 ủy viên Bộ Chính Trị, thực ra, theo tôi hiểu giờ còn 14, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn 4 ứng cử viên có thể đủ điều kiện. Có thể thấy là có sự thắt chặt và thay đổi khá rõ ràng.

    Liên quan hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tôi cho là tác động sẽ ở mức vừa phải trong thời gian đầu. Tất cả các nhà quan sát, kể cả thuộc các tổ chức công hay tư đều biết rằng bộ máy chính trị Nhà nước sẽ có biến động trước kỳ Đại hội Đảng tới. Dĩ nhiên, chuyện lại xảy ra sớm hơn dự kiến vì như tôi nói, điều được cho là có thể xảy ra vào năm 2025 lại xảy ra ngay năm 2024. Nhưng giới quan sát đã đoán được chuyện đó.

    Tuy nhiên, những xáo trộn trong nội bộ không có nghĩa là bộ máy Nhà nước Việt Nam sụp đổ, mà ngược lại, lại được củng cố. Đây chỉ là cuộc tranh giành những vị trí trống và để biết được thực sự rằng liệu nhân vật quyền lực hiện nay - tôi nghĩ chủ yếu đến bộ trưởng Công An - có đạt được mục tiêu của ông trong khuôn khổ tái cơ cấu các vị trí quyền lực đứng đầu Đảng hay không, nếu thực sự là sức khỏe của tổng bí thư tiếp tục suy yếu.

    Theo tôi, hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tác động vừa phải bởi vì điều quan trọng là tăng trưởng của Việt Nam, đúng là thấp hơn một chút so với mong đợi nhưng vẫn ở mức đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế Việt Nam được lợi rất nhiều từ các chính sách giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc. Tôi tin chắc là các chuyên gia về rủi ro chính trị của những đại tập đoàn, những nhà đầu tư nước ngoài lớn không thấy mầm mống bất ổn trong nước cho nên tác động kinh tế từ những biến cố chính trị sẽ ở mức vừa phải.

    RFI : Việt Nam luôn ca ngợi và lấy “sự ổn định chính trị” làm lý do thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài.Tuy nhiên, chuyện hai chủ tịch nước lần lượt phải từ chức có đi ngược lại với khẳng định này không ?

    Benoît de Tréglodé : Trước tiên, quyết định tước chức vụ chủ tịch nước của ông Thưởng không phải được đưa ra trong hỗn loạn hay bất cẩn. Chúng ta biết là trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Lê Hoài Trung, đã thăm Trung Quốc trong hai ngày 18-19/03. Tại tỉnh Cát Lâm, ông hội đàm với ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây là người đối thoại của đảng Cộng Sản Việt Nam trong trường hợp cần trao đổi với nước láng giềng. Có thể hình dung là vấn đề cách chức chủ tịch nước Việt Nam đã được bàn thảo ở Cát Lâm ngay hôm 18/03.

    Giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có một truyền thống chính trị, đó là đề cập, trao đổi các vấn đề chính trị quan trọng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện giới hạn chủ quyền. Cuộc gặp hôm thứ Hai (18/03) ở Cát Lâm có ý nghĩa quan trọng, cho thấy là các nhà lãnh đạo Việt Nam biết là họ đi về đâu. Quyết định không được đưa ra trong hoảng loạn mà được tham vấn kỹ càng. Quyết định đó hướng tới một mục tiêu đã xác định, đó là cân nhắc đến việc tổ chức lại các vị trí lãnh đạo, có thể sẽ được thực hiện trước dịp Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026.

    Sự ổn định này là mục tiêu trước tiên của tầng lớp chính trị Việt Nam. Họ biết tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đầu tiên của đảng Cộng Sản. Họ biết đất nước giầu mạnh là một dữ liệu căn bản để tạo ra sự ổn định về kinh tế, xã hội của đất nước. Mục tiêu này sẽ không bị ảnh hưởng vì chủ tịch nước đột ngột từ chức.

    Đọc thêm :Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?

    RFI : Liệu sắp tới chuyện gì có thể xảy ra  ?

    Benoît de Tréglodé : Chuyện này phức tạp, đó là điều mà giới chuyên gia về vấn đề chính trị ở Việt Nam thường mượn từ “Criminologie”, tức một kiểu “tin đồn, tin nói hớ” để hiểu được chuyện sẽ xảy ra như nào. Tôi là một nhà nghiên cứu về Việt Nam đương đại, tôi không nằm trong nội bộ guồng máy quyền lực Việt Nam nên dĩ nhiên đối với tôi, tất cả những đồn đại này chỉ là các giả thuyết.

    Một trong những giả thuyết, đó là sẽ chọn ra được một ứng viên thay thế ông Võ Văn Thưởng từ nay đến tháng Năm. Nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ là liệu quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có giữ luôn thêm một thời gian chức vụ này hay không.

    Ngoài ra cũng có giả thuyết là gộp hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư, như ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ từ 2018 đến 2021, chuyện này cũng có thể xảy ra. Đúng là một số người có thể nghĩ rằng ông Trọng sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ nhưng tôi cho rằng một trong những lý do lật ông Võ Văn Thưởng có thể là do sức khỏe của ông Trọng xấu đi, dù chúng ta không có bất kỳ thông tin y tế nào để nắm rõ. Trong trường hợp này, ông Trọng có lẽ không đủ sức khỏe để giữ cả hai vị trí về lâu dài.

    Trong số những ứng viên được nêu lên, người ta cũng nhắc đến nhân vật quyền lực hiện nay ở Việt Nam là bộ trưởng Công An có thể cũng muốn kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Đừng quên là ông Tô Lâm đã từ chối nếu chỉ giữ một mình chức chủ tịch nước. Nhìn vào ảnh hưởng của ông trong bộ máy Nhà nước, điều quan trọng đầu tiên đối với ông Tô Lâm, có lẽ là phải tìm ra được người kế nhiệm. Đã có một vài tên tuổi và có một người thân cận mà ông muốn giao trọng trách đứng đầu bộ Công An. Vị trí này có tầm quan trọng đối với ông Tô Lâm bởi vì phải để những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai không “động” đến ông ấy. Cho nên ông Tô Lâm thực sự cần đến một trợ thủ đắc lực, sau đó để ông có thể rảnh rang giữ chức vụ mà ông có nhiều khả năng sẽ được giao. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết !

    Điều chắc chắn là ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn chính ông đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm nay (21/03) với sự từ chức bất ngờ của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

    Mon, 25 Mar 2024
  • 165 - Vịnh Bắc Bộ: Trung Quốc muốn vẽ lại ranh giới khi công bố "đường cơ sở" mới?

    Trong lúc tình hình tại Biển Đông vẫn chưa lắng dịu, thì một vùng biển khác, Vịnh Bắc Bộ, phải chăng đang có nguy cơ trở thành một điểm nóng thứ hai giữa Việt Nam và Trung Quốc? Ngày 01/03/2024, Trung Quốc đã chính thức công bố đường cơ sở mới nêu rõ yêu sách lãnh thổ của họ ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ, khu vực chung với Việt Nam.

    Thông báo trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nêu lên 7 điểm cơ bản mà khi được kết nối sẽ tạo thành đường cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Vịnh Bắc Bộ. Thông báo đó đã làm dấy lên nhiều lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh đối với vùng biển mà hai nước đã phân định ranh giới sau rất nhiều đàm phán. 

    Nhiều ngày sau khi đường cơ sở mới được phía Trung Quốc công bố, Việt Nam mới lên tiếng vào ngày 14/03, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng. Hà Nội đề nghị Trung Quốc“tôn trọng và tuân thủ hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000, cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".

    Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy, do nước ven biển quy định trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

    Theo Công ước này, các quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa kéo dài tới 350 hải lý. Tuy nhiên, Vịnh Bắc Bộ, một vịnh nửa kín, bao quanh là Trung Hoa lục địa, Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc, có chiều rộng tối đa không quá 180 hải lý. Cho nên có sự chồng chéo hoàn toàn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cả hai quốc gia trong vùng Vịnh, nếu chiếu theo Công ước UNCLOS

    Vào năm 2000, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vạch ra ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ. Cả hai bên đều coi thỏa thuận này là "công bằng", đánh dấu ranh giới trên biển đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng dù đã đạt thỏa thuận này, tranh chấp vẫn tiếp diễn do vẫn văn bản chưa phân định rõ ranh giới hướng ra biển. 

    Trả lời RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Sài Gòn nhận định đường cơ sở mới mà Trung Quốc vừa công bố là "chưa thuyết phục": 

    "Về Vịnh Bắc Bộ thì Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua rất nhiều cuộc đàm phán và cuối cùng đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, gọi đầy đủ hơn là "Hiệp định Phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Vịnh Bắc Bộ". Hiệp định được ký kết năm 2000 và có hiệu lực từ năm 2004, nay đã tròn 20 năm. Trước đó thì đương nhiên là Trung Quốc chưa bao giờ công bố đường cơ sở trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, vì đây là vùng vốn có tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Cho nên có thể nói đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố một đường cơ sở trong khu vực Vịnh Bắc Bộ.

    Trung Quốc sử dụng phương pháp "đường cơ sở thẳng" đối với cả đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ. Điều này có lẽ là chưa thuyết phục được nhiều người. Thứ nhất, Công ước về Luật Biển có quy định rằng ở những nơi mà vùng biển khúc khuỷu, lồi lỏm thì có thể áp dụng phương pháp "đường cơ sở thẳng". Trong trường hợp này thì khu vực của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bắc Bộ không phải là một khu vực khúc khuỷu lồi lỏm. Cho nên việc Trung Quốc áp dụng "đường cơ sở thẳng" là chưa hẳn thuyết phục. Điểm thứ hai là một số điểm cơ sở của Trung Quốc trong đường cơ sở thẳng này quá xa bờ và điều này làm dấy lên lo ngại là Trung Quốc không tuân thủ đúng Công ước về Luật Biển khi công bố đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ."

    Bắc Kinh đã từng nói là những tranh chấp đó sẽ được giải quyết thông qua một quy trình phân định mới, nhưng chưa ai hiểu lý do vì sao Trung Quốc lại công bố đường cơ sở mới vào thời điểm này. Để trấn an Hà Nội, bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định đường cơ sở mới được vạch ra “sẽ không tác động tiêu cực đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác”, mà trái lại,“sẽ thúc đẩy hợp tác hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc và các nước liên quan và đóng góp vào sự phát triển chung của hàng hải toàn cầu”.

    Nhưng trong tuyên bố ngày 14/03, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã chỉ trích việc chính phủ Trung Quốc đưa ra 7"điểm cơ sở"khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố"lãnh hải"ở Vịnh Bắc Bộ. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, "các điểm này không tồn tại trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo".

    Bà Hằng cho biết Việt Nam "đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau".

    Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định về những phản ứng nói trên của Việt Nam: 

    "Đây là tuyên bố thường thấy của Việt Nam. Có lẻ vì thấy dư luận đang thắc mắc và có những ý kiến lo ngại về đường cơ sở mới của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ, nên Việt Nam buộc phải lên tiếng. Phát biểu này không có gì mới hơn so với những gì mà Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết thực hiện. Việt Nam vẫn luôn kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ Công ước về Luật Biển 1982.

    Nhưng như đã nói ở trên, đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc công bố có lẽ có một số điểm chưa phù hợp với tinh thần Công ước về Luật Biển. So với đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc công bố năm 1996, thì đường cơ sở mới bao trọn eo biển Quỳnh Châu, hay còn gọi là eo biển Hải Nam nằm trong nội thủy của Trung Quốc. Cái này cũng không phải là mới, vì trước đây, từ năm 1958, đến năm 1992 và đến khi công bố đường cơ sở năm 1996, Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố eo biển Quỳnh Châu nằm trong nội thủy Trung Quốc.

    Năm 1996, Trung Quốc đã từng tuyên bố đường cơ sở có hai hệ thống, một hệ thống nằm trong thềm lục địa của Trung Quốc và kéo dài đến đảo Hải Nam, hệ thống thứ hai là đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Năm đó thì Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối với hệ thống đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa, vì nó không hoàn toàn phù hợp với Công ước về Luật Biển năm 1982. Tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao cũng đã nhắc lại phản đối này."

    Shashank S. Patel, một nhà phân tích địa chính trị theo dõi sát các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhận định với EurAsian Times: “Việc công bố một đường cơ sở mới có vẻ quá đáng trên bản đồ sẽ tác động sâu hơn đến vùng đặc quyền kinh tế và vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam, nơi cung cấp các vùng đánh cá chính cho Trung Quốc.”

    Ông nói: “Việc đơn phương phân định đường cơ sở mới của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm hạn chế các yêu sách của Hà Nội đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các vùng nước sâu. Khu vực nằm trong đường cơ sở mới của Trung Quốc chiếm hơn 60% diện tích, vi phạm trắng trợn Công ước UNCLOS. Hy vọng Việt Nam không để vấn đề này leo thang lên mức cao nhất, nhưng nếu không làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền đánh bắt cá, chuỗi cung ứng và tuyến đường biển của Việt Nam trong thời gian tới”.

    Nhưng đối với nhà nghiên cứu Hoàng Việt, đường cơ sở mới mà Trung Quốc vừa công bố không làm thay đổi những gì đã được phân định giữa hai nước: 

    "Với câu hỏi nó có tác động gì hay không thì tôi trả lời là không, bởi vì hai bên đã ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000, có hiệu lực từ 2004, tức là 20 năm rồi. Dù Trung Quốc có vẽ đường cơ sở nào đi chăng nữa thì nó cũng không làm thay đổi sự phân định giữa hai bên theo hiệp định năm 2000. Tôi đã đọc một số ý kiến cho là Trung Quốc có mưu đồ lấn chiếm, nhưng tôi nghĩ Trung Quốc không thể lấn chiếm được khi Vịnh Bắc Bộ đã được phân định rõ ràng rồi

    Hiệp định đã phân định xong rồi. Trung Quốc có quyền tuyên bố một đường cơ sở trong khu vực của họ. Và ngược lại, Việt Nam cũng có quyền tuyên bố một đường cơ sở trong phần của Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, ngoài đường cơ sở thẳng mà Việt Nam tuyên bố tháng 11/1982, cũng cần phải tuyên bố thêm, như nhắc nhở của một số người trước đây, vì đường cơ sở thẳng của Việt Nam chưa được khép kín, khi còn bỏ trống một điểm cơ sở ở khu vực trong Vịnh Thái Lan vào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Hai nơi này chưa được phân định.

    Khu vực Vịnh Bắc Bộ đã phân định từ rất lâu mà Việt Nam vẫn chưa công bố một đường cơ sở trong vùng biển này. Nếu hỏi hai bên có thể đàm phán lại được hay không, thì câu trả lời là “không thể”, bởi vì hai bên đã đàm phán xong rồi và đàm phán đã rất là khó khăn, và muốn thay đổi gì thì phải có sự đồng ý của hai bên. Một điều khoản trong Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ nói rõ như vậy. Tôi nghĩ rằng khả năng thay đổi rất khó vì Việt Nam không muốn thay đổi, mà Trung Quốc chắc cũng không muốn thay đổi. Điều này cho thấy là Việt Nam cũng phải sớm tuyên bố một đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ trong khu vực của Việt Nam để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở vùng biển này.".

    Nhưng nhìn vấn đề xa hơn, trên trang mạng EurAsian Times, nhà phân tích Patel nhấn mạnh: "Đường cơ sở mới có thể cản trở quyền tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp và đường ống cũng như các nỗ lực cải tạo đảo". Patel lưu ý:“Nếu Việt Nam, theo đường lối của Philippines, đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc sẽ lại bác bỏ phán quyết, cho rằng phán quyết đó bất hợp pháp và vô hiệu.”

     

     

     

    Mon, 18 Mar 2024
Show More Episodes