Filtra per genere

Tạp chí xã hội

Tạp chí xã hội

RFI Tiếng Việt

Những vấn đề xã hội Việt Nam và trên thế giới qua lăng kính RFI

223 - Dị ứng phấn hoa tăng bùng phát tại Pháp : Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là « thủ phạm » ?
0:00 / 0:00
1x
  • 223 - Dị ứng phấn hoa tăng bùng phát tại Pháp : Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là « thủ phạm » ?

    Tại Pháp, đối với không ít người, mùa xuân về báo hiệu nỗi khốn khổ mang tên « dị ứng phấn hoa », với nhiều triệu chứng khó chịu như mắt ngứa đỏ, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, ngạt mũi, ngứa họng, ho hắng, mệt mỏi … Thậm chí nhiều người còn coi đây là « mùa ác mộng ». Điều đáng lo ngại hơn là trong những năm gần đây, dị ứng phấn hoa ở Pháp tăng bùng phát.

    Theo bộ Y Tế Pháp, hiện nay có đến 20% trẻ em trên 9 tuổi và hơn 30% số người trưởng thành bị dị ứng phấn hoa. Tổ Chức Y Tế Thế giới dự báo đến năm 2050, con số này sẽ lên đến 50% dân số. Trong khi theo báo Les Echos ngày 04/03, hồi năm 1962, chỉ có 3% số người Pháp bị dị ứng phấn hoa.  

    Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, dị ứng phấn hoa gia tăng còn ngày càng gây tốn kém cho ngân sách y tế. Vẫn theo Les Echos, mỗi năm dị ứng phấn hoa tiêu tốn 1,5 tỉ euro ngân sách Nhà nước Pháp.

    Trong số các lý do khiến ngày càng có nhiều người dị ứng phấn hoa, hay dị ứng với nhiều loại phấn hoa mới, các triệu chứng ngày càng phức tạp hơn … không thể không nói đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Để hiểu thêm về tình hình tại Pháp, RFI Tiếng Việt ngày 22/04/2024 có cuộc phỏng vấn bác sĩ Phạm Thi Nhân, chuyên khoa Phổi, Dị Ứng, Miễn Dịch, từng là trưởng khoa Dị Ứng Học của Viện Pasteur, Paris.

    RFI : Xin chào bác sĩ Phạm Thi Nhân. Xin bác sĩ cho biết tại sao người dân ở Pháp ngày càng mẫn cảm với phấn hoa và dễ bị dị ứng. Xu hướng này liệu có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ?

    Bác sĩ Phạm Thi Nhân :Vâng, quả đúng là chúng tôi nhận thấy số ca dị ứng ngày càng gia tăng. Gần đây, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát với khoảng một trăm bác sĩ chuyên khoa dị ứng ở Pháp. Tất cả các bác sĩ đều giải thích là họ ngày càng có nhiều bệnh nhân hơn, ngày càng nhiều người cần đến khám hơn. Số ca dị ứng tăng và mức độ nghiêm trọng cũng tăng. Các triệu chứng bệnh phức tạp hơn, có nhiều người bị hen suyễn và viêm kết mạc. Các triệu chứng ngày càng ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân. Từ năm 2019, có thể nói là từ sau Covid-19, số ca dị ứng đã tăng, và điều này cũng phù hợp với dự báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), theo đó đến năm 2050, một nửa dân số thế giới sẽ bị dị ứng. Chúng tôi ngày càng ít ngạc nhiên hơn về những dự báo như vậy, khi nhìn vào tình hình như hiện nay.

    Tại sao số ca dị ứng lại tăng? Có thể là do nhiều yếu tố. Có những yếu tố bên trong, thuộc về cơ địa của mỗi người, nghĩa là bản chất mẫn cảm của họ, có thể là khuynh hướng di truyền ngày càng bộc lộ, do ô nhiễm không khí, khi chúng ta hít vào, làm biến đổi gien. Chẳng hạn có các hạt bụi siêu mịn, hay các hóa chất gây ô nhiễm vĩnh cửu … xâm nhập rất sâu vào cơ thể chúng ta, làm thay đổi biểu hiện của hệ miễn dịch của mọi người. Có lẽ cũng có những tác động bên trong liên quan đến sự điều tiết của hệ thần kinh nội tiết tác động lên hệ thống miễn dịch (…)

    Ngoài ra, còn có sự thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu, sự gia tăng lượng phấn hoa mà chúng tôi ghi nhận trên các thiết bị cảm biến đo phấn hoa. Một vấn đề khác là ô nhiễm không khí. Tất cả những yếu tố này làm gia tăng các ca dị ứng.

    RFI : Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ dị ứng phấn hoa. Liệu biến đổi khí hậu có làm nghiêm trọng thêm các ca dị ứng và khiến việc điều trị lâu hơn, phức tạp hơn ?

    Bác sĩ Phạm Thi Nhân :Khí hậu bị hâm nóng làm tăng nồng độ phấn hoa ở các loài cây và cỏ. Điều đó được nhận thấy trên các máy đo khắp nơi trên thế giới. Đó là vì mùa phấn hoa đến sớm hơn, như năm nay chẳng hạn. Và mùa phấn hoa, với thời kỳ phấn hoa nở rộ nhất, nồng độ phấn hoa cao nhất, cũng kéo dài hơn. Về trung và dài hạn, rất có thể sự gia tăng độ ẩm có thể sẽ làm thay đổi các hiện tượng khí hậu, chẳng hạn tăng độ ẩm trong môi trường.

    Việc người bệnh phải dùng thuốc chắc chắn sẽ tăng. Các phương pháp điều trị giải mẫn cảm cũng bị ảnh hưởng vì rất có thể thời gian điều trị sẽ phải lâu hơn, liều lượng thuốc có thể cũng phải tăng, do nồng độ phấn hoa cao. Và số bệnh nhân tăng sẽ làm tăng ngân sách chăm sóc sức khỏe nói chung. Chúng ta phải lường trước tất cả những điều này.

    RFI : Dị ứng phấn hoa không phải là một bệnh gây chết người, nhưng cũng không phải là vô hại ?

    Bác sĩ Phạm Thi Nhân :Điều này không đúng lắm nếu hiểu theo nghĩa dị ứng phấn hoa có thể gây ra bệnh hen suyễn, và trên thực tế bệnh hen suyễn gây ra các ca tử vong. Đáng tiếc là năm nào cũng có những ca tử vong, nhất là liên quan đến các hiện tượng khí hậu xảy ra trên đất Pháp mà chúng tôi gọi là « bão phấn hoa ». Hiện tại, hiện tượng này dù khá hiếm, nhưng xảy ra ngày càng nhiều hơn.

    Tôi xin giải thích : Vào thời điểm có bão, nồng độ phấn hoa tập trung khá cao tại một địa phương gây ra một kiểu dịch bệnh hen suyễn từng được mô tả là xảy ra ở thành phố Nantes (miền tây nước Pháp), mà năm nay chúng tôi cũng đã ghi nhận ở Paris. Vào thời điểm đó, chúng tôi thấy có một số lượng lớn bệnh nhân ồ ạt đến các khoa cấp cứu vì các vấn đề về hô hấp, các cơn hen cấp tính và thậm chí là rất nghiêm trọng. Và chính đây là thời điểm xảy ra nhiều ca tử vong. Thế nên dị ứng phấn hoa có khả năng gây tử vong, nhưng nói đúng hơn thì là dị ứng phấn hoa kích thích căn bệnh vốn đã nghiêm trọng là hen suyễn trở nặng thêm. Đó là hen suyễn dị ứng. Như vậy là bị hen suyễn, lại thêm dị ứng phấn hoa thì có thể dẫn đến bị kịch cho bệnh nhân.

    Ngoài điều kể trên thì quả thực dị ứng phấn hoa thường không được coi là bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Thế nhưng, những gì người bệnh phải chịu đựng thì rất tệ. Họ thường phải ở trong nhà, không muốn ra ngoài trời, phải từ bỏ nhiều hoạt động cho dù thời tiết mùa xuân và mùa hè thường đẹp, không khí thì dễ chịu. Và nhất là đôi khi bệnh nhân cảm thấy chán nản, xuống tinh thần. Năng suất lao động của họ sẽ bị giảm, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Thế nên, dị ứng phấn hoa không hề vô hại.

    Nhiều nghiên cứu kinh tế cho thấy bệnh này thực sự gây tổn thất tài chính và những chi phí y tế là đáng kể, đủ để trở thành mối lo ngại của các định chế. Xét về điểm này thì tình hình thật đáng lo ngại, vì cứ 3-4 người lại có 1 người bị dị ứng phấn hoa. Và số đông người bệnh như vậy gây ra một vấn đề có thể nói là mang tính toàn cầu.

    RFI : Nguy cơ dị ứng phấn hoa ở các đô thị và vùng nông thôn có giống nhau không ? Tại Pháp, người dân ở đâu bị dị ứng phấn hoa nhiều nhất ?

    Bác sĩ Phạm Thi Nhân :Thực ra dị ứng liên quan đến nhiều loại phấn hoa khác nhau. Các lịch về mùa phấn hoa cho thấy những giai đoạn dị ứng có thể khác nhau và đôi khi chồng lấn nhau. Trước hết là phấn hoa của các cây thuộc họ bạch dương (Bétulacées), mùa phấn hoa của cây bạch dương (Bouleau) là từ tháng Hai đến tháng Năm. Phấn hoa họ hòa thảo, tức là họ cỏ, họ lúa (Graminées) có thể kéo dài từ tháng Tư đến tháng Bảy. Nhưng lượng phấn hoa có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí địa lý, ví dụ cây bạch dương ở miền bắc của Pháp có nhiều phấn hoa hơn ở miền nam. Và ngược lại, phấn hoa cây cỏ thì ở miền nam Pháp lại có nhiều hơn. Vì vậy, với mỗi loại phấn hoa thì sẽ có những thay đổi do điều kiện địa lý hoặc theo thời gian.

    Về sự khác biệt giữa thành phố và vùng nông thôn, thì tôi có thể điều này thực sự phụ thuộc vào những điều kiện chúng ta tiếp xúc với phấn hoa, chẳng hạn như về không gian xanh, gió, phương hướng. Những đám mây phấn hoa có thể bay xa hàng trăm km. Ở các thành phố, phấn hoa có thể chịu thêm tác động từ ô nhiễm không khí, làm tăng tính gây dị ứng. Một mặt, phấn hoa tấn công, gây kích ứng đường hô hấp của người bệnh. Nhưng chúng tôi cũng thấy là điều kiện không khí ở đô thị cũng làm thay đổi đặc tính của phấn hoa và làm tăng khả năng gây dị ứng của phấn hoa.

    Về câu hỏi là tại Pháp ở đâu mọi người dễ bị dị ứng hơn, điều này phụ thuộc vào loại phấn hoa và theo mùa. Chẳng hạn, đối với phấn hoa cây chi Ambroisie, Herbacé thì sẽ có nhiều hơn ở miền nam Pháp, vùng thung lũng sông Rhône. Thế nhưng, chúng tôi nhận thấy là với biến đổi khí hậu, những loại cây này đã mọc lan đến tận vùng Bretagne, tức là lên đến tận miền tây bắc của Pháp.

    Điều chúng ta đang thấy ở Pháp là sự thay đổi hoàn toàn cảnh quan, tức là về đa dạng sinh học. Các loài cây sẽ thay đổi, sẽ di chuyển về phía bắc. Trên thực tế, nhiệt độ cứ tăng một độ thì các loài cây sẽ di cư thêm khoảng một trăm km, cả về độ cao. Nhiệt độ tăng thêm một độ thì cây cối cũng di chuyển đến nơi ở trên cao hơn.

    RFI : Nước Pháp có đủ bác sĩ chuyên khoa dị ứng để khám chữa cho số bệnh nhân đang gia tăng bùng nổ ? Là bác sĩ, ông thấy tình trạng gia tăng số ca dị ứng phấn hoa như hiện nay đáng lo ngại hay không ? Liệu Pháp có phải chỉ là một trường hợp đơn lẻ ở châu Âu ?

    Bác sĩ Phạm Thi Nhân : Đúng là chúng tôi lo ngại vì hiện giờ lực lượng chăm sóc chuyên khoa dị ứng có khoảng 3.000 người, nhưng số bác sĩ giảm liên tục do các đồng nghiệp của chúng tôi nghỉ hưu, do thiếu đào tạo bác sĩ chuyên khoa dị ứng, trong khi số bệnh nhân thì cứ tăng lên. Rõ ràng là sau 5-6 năm nữa thì tình hình sẽ phức tạp, các bệnh nhân sẽ khó tìm được bác sĩ để khám chữa.

    Để đào tạo các bác sĩ chuyên khoa dị ứng, cần ít nhất 5-6 năm, chương trình bác sĩ nội trú nhi khoa chỉ mới bắt đầu cách đây 3-4 năm nên chúng tôi cũng chưa có nhiều ứng viên. Nhiều bác sĩ nội trú và bác sĩ trẻ sẽ gia nhập đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện, tức là hoạt động của họ sẽ không hoàn toàn là khám bệnh cho người dân, nên việc khám chữa chăm sóc sẽ không được tối ưu. Đây sẽ là điều gây căng thẳng cho cả đội ngũ chăm sóc y tế và người bệnh.

    Theo một kết quả nghiên cứu, phải đợi đến 7 năm sau khi xuất hiện các triệu chứng thì bệnh nhân mới đến phòng khám của bác sĩ chuyên khoa dị ứng. Họ dựa phần nào vào các loại thuốc điều trị có thể tự mua ở hiệu thuốc hoặc uống thuốc do bác sĩ đa khoa kê đơn. Nhưng sau đó một thời gian, khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn, khiến họ thấy khó chịu thì bệnh nhân mới đi khám bác sĩ chuyên khoa để được khám xét kỹ hơn. Trung bình thời này này lên tới gần 7 năm. Thời gian này có thể sẽ tăng dần trong những năm tới. Chúng ta cần chú ý đến điều này.

    Còn nước Pháp có phải một trường hợp ngoại lệ không ? Tôi không chắc là vậy. Tôi nghĩ toàn bộ châu Âu đều ở trong xu hướng này. Tình hình ở Đông Âu sẽ còn tồi tệ hơn. Dị ứng phấn hoa sẽ còn tăng do các điều kiện khí hậu, ví dụ như sự gia tăng sự phát triển của cỏ phấn hương, ngải cứu, những loại cây thân thảo mà Quốc Hội xem là những loài cây ngoại lai xâm hại. Đây thực sự là một chủ đề về sức khỏe cộng đồng và ở Đông Âu đây sẽ là vấn đề cực kỳ lớn sau khoảng 10 năm nữa.

    RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn bác sĩ Phạm Thi Nhân đã tham gia chương trình !

    Fri, 17 May 2024
  • 222 - 70 năm sau chiến tranh Đông Dương : Cuộc tìm kiếm hài cốt binh sĩ Pháp vẫn tiếp diễn


    Cách nay 30 năm, gia đình Dieudonné đã bắt đầu cuộc tìm kiếm người chú phi công "mất tích bí ẩn" trong cuộc chiến ở Việt Nam. Một bộ hài cốt đã được tìm thấy nhưng vẫn chờ giám định ADN. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1954, nhiều cuộc tìm kiếm, hồi hương các hài cốt binh lính chiến đấu cho Pháp đã được thực hiện, nhưng hàng ngàn di hài vẫn bị chôn vùi dưới các lớp đất đá ở Việt Nam, Lào hay Cam Bốt.

    Trong một số gia đình, có những câu chuyện, những cái tên trở thành điều cấm kỵ, không được phép đề cập đến. Đối với gia đình ông Vincent Dieudonné, đó là số phận của người chú Jacques, mất tích một cách bí ẩn khi làm nhiệm vụ trinh sát ở Cao Bằng năm 1951. Bà nội ông Vincent lúc sinh thời vẫn không chấp nhận tin tử trận của người con trai, chiến đấu cho quân đội Pháp ở Việt Nam, mà vẫn nghĩ rằng có thể ông vẫn lưu lạc ở đâu đó.

    Ông Vincent cũng chỉ biết đến người chú phi công qua các bức tranh ảnh hay các mẩu chuyện vụn vặt được ghép lại. “Từ  nhỏ chúng tôi đã nghe nói về vụ mất tích bí ẩn của người chú, nhưng không ai trong gia đình tôi có thể làm sáng tỏ, nói rõ ràng về vụ mất tích đó. Sự bí ẩn kích thích trí tò mò của chúng tôi về người chú chưa từng gặp mặt. Tìm hiểu về sự ra đi của chú tôi, trước tiên là một nghĩa vụ lưu giữ ký ức của gia đình. Vụ mất tích của chú tôi còn mang tính quân sự, lịch sử, và cả lịch sử khá quan trọng. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều tài liệu liên quan từ kho lưu trữ của quân đội Pháp, gặp được những nhân chứng. Nếu chúng tôi không làm, thì sau này chắc sẽ không còn ai quan tâm đến vụ việc này nữa”. 

    Vụ rơi chiếc máy bay B-26 Invader “mới tinh”, mang số hiệu 354558, với một phi hành đoàn kỳ cựu, vào tháng Tư năm 1951, được chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương tại bộ Quân Lực Pháp, Philippe Gras, cố gắng tìm lời giải đáp. (Philippe Gras cũng từng là giám đốc phòng tư liệu của Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Le Bourget). Theo bài viết của nhà sử học được đăng trên trang aviateurs.e-monsite, máy bay do Jacques Dieudonné, một phi công dày dặn kinh nghiệm, cầm lái, chở  tướng André Hartemann, chỉ huy lực lượng không quân của Pháp ở Đông Dương và hai người khác, đã mất liên lạc vào ngày 28/04/1951 khi đang đi trinh sát. Ngay sau đó, nhiều cuộc tìm kiếm đã được thực hiện, nhưng không tìm được bất cứ dấu vết nào của máy bay.

    Đọc thêm : Cao Bằng 1950 thảm bại đầu tiên của Pháp ở Đông Dương

    Nhà nghiên cứu đã trích dẫn những tư liệu tuyên truyền từ Việt Minh, chỉ ra rằng chiếc máy bay có thể đã gặp tai nạn, hoặc bị bắn rơi, cả 4 người đều bị thiệt mạng. Cuộc đàm phán trả lại thi hài giữa Pháp và Việt Minh lúc đó thất bại, nên có khả năng hài cốt của phi hành đoàn đã bị chôn tại một địa điểm không xác định ở miền bắc Việt Nam.

    Vào năm 1955, một năm sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, Pháp và Việt Nam đã nhiều lần trao đổi về việc trao trả hài cốt binh lính, nhưng đa số không thành. Qua tìm kiếm trong kho tư liệu của quân đội Pháp, ông Vincent đã phát hiện một bức thư từ phía Việt Minh gửi cho phía Pháp vào ngày 25/02/1955, chỉ ra địa điểm chôn cất 4 thi hài, bỏ mạng trong chiếc máy bay B-26 Invader. Đây cũng là tư liệu duy nhất mà ông Vincent có trong tay khi đến Việt Nam cách nay 30 năm, nhân một chuyến công tác, bắt đầu cuộc tìm kiếm hài cốt của người chú.

    “Đó là vào tháng 05/1994, cách đây đúng 30 năm, vào một ngày chủ nhật khi tôi đang công tác tại Việt Nam. Cùng với một số cộng sự viên người Việt, chúng tôi đến địa điểm được chỉ dẫn trong bức thư. Chúng tôi hỏi những người cao tuổi trong làng về mộ của lính Pháp và họ ngay lập tức dẫn tôi đến một mồ đất... Trong số đó có ông Trọng, một cụ già ở trong làng, ngay khi gặp chúng tôi, đã nói: ‘Tôi vẫn đợi các ông từ hàng chục năm qua. Những hài cốt của phi công Pháp được chôn trong ruộng của tôi’. Lúc đó, chúng tôi rất ngạc nhiên vì chưa ai đề cập đến vụ rơi máy bay hay lính Pháp. Và chính ông ấy là người đã chôn cất những hài cốt này”.

    Tuy nhiên, lúc đó, theo ông Vincent, các thông tin từ tư liệu chính thức của Pháp lại không khớp với lời kể của ông Trọng, vì các hài cốt lại được chôn cất ở một tỉnh khác, cách xa địa điểm bị bắn rơi 250 km. Họ đã thử đào xung quanh, nhưng không phát hiện ra dấu vết có chôn hài cốt ở đó. Hơn nữa, tại khu vực này, cũng đã có những vụ rơi máy bay khác, nên có nhiều khả năng mọi người nhớ nhầm. Sau nhiều năm tìm kiếm hài cốt người chú cùng anh trai Bertrand Dieuddonné, gần chục chuyến đi tới Việt Nam, và vô số các cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh người Pháp, Việt, những người dân ở Tuyên Quang hay Cao Bằng,…, gia đình nhà Dieudonné hiểu rằng các hài cốt đã bị di dời, chôn cất ở nhiều địa điểm khác nhau, và quyết định quay trở lại manh mối thu được đầu tiên ở Thái Nguyên.

    Trong chuyến trở lại tỉnh miền bắc Việt Nam vào 11/2022, nhờ máy dò kim loại, họ đã phát hiện được một hòm sắt được cho là chứa hài cốt được chôn trong một khu vườn. “Hòm sắt mà chúng tôi phát hiện chỉ ở cách vài mét địa điểm mà người dân trong làng chỉ cho chúng tôi cách đây 30 năm. Do vậy, chúng tôi bắt đầu làm các thủ tục liên quan để xin cấp phép quật mộ”.

    Một năm sau, vào tháng 10/2023, được sự đồng ý từ chính quyền tỉnh Thái Nguyên và sự can thiệp từ sứ quán Pháp tại Việt Nam, việc khai quật mộ đã được tiến hành. "Khi mộ được bốc lên, tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm", sứ quán Pháp đã lo liệu tất cả các thủ tục hồi hương. Cỗ quan tài sắt đựng hài cốt ngay sau đó đã được chuyển về một phòng thí nghiệm ở Pháp để làm xét nghiệm di truyền học. Sau gần 6 tháng, cho đến nay, phòng thí nghiệm vẫn chưa xác định được kết quả ADN, mà chỉ cho biết trong hòm chỉ chứa một bộ hài cốt chứ không phải cả 4.

    “Sau nhiều năm, hài cốt đã bị phân hủy. Hơn nữa, trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã được một nhân chứng cho chúng tôi biết là các di hài đã bị đốt cháy để dễ vận chuyển, hoặc vì lý do vệ sinh hay lý do nào khác mà chúng tôi không biết. Do vậy, sau 70 năm, rất khó xác định về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cũng cần phải xin giấy phép lấy mẫu ADN của các gia đình khác.”

    Trong gia đình ông, đa số mọi người đều ủng hộ, tìm lại một mảnh ghép bị thiếu trong gia đình Dieudonné, nhưng cũng có một số người cho rằng “những người lính đã đến đó, thì ở lại đó vẫn tốt hơn”. Thế nhưng, ông Vincent cho rằng “ở lại đó đồng nghĩa với việc bị lãng quên”. Vào tháng Sáu tới, ông Vincent Dieudonné sẽ quay trở lại Việt Nam, để tiếp tục tìm 3 thành viên còn lại trong phi hành đoàn của chiếc máy bay B-26. Ông khẳng định rằng 3 bộ hài cốt khác chắc chắn được chôn cất gần đó, nên chỉ cần đến đó và tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin. 

    Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm này sẽ gặp khó khăn vì dự án xây dựng sân bay Đồng Bằm ở Thái Nguyên, và cần phải xin nhiều giấy phép. 

    “Mục đích của tôi là tìm lại cả 4 người, nhưng việc quật mộ, đưa hài cốt về Pháp và xác định họ là ai sẽ không phải do tôi quyết định. Khi tìm được những tài liệu, manh mối cụ thể, tôi sẽ tiếp tục làm việc với sứ quán Pháp. Chúng tôi cũng không thể dự tính chuyện gì sẽ xảy ra, liệu có tìm được hay không, vì có thể các ngôi mộ đó đã bị lãng quên, hoặc trở thành bụi, hoà tan vào đất, chứ không được đặt vào trong các cỗ quan tài bằng sắt. Hoặc họ đã bị đưa vào những nghĩa trang dân sự tập thể và giờ không còn dấu tích gì. Nhưng tôi vẫn lạc quan, và cho rằng tôi sẽ tìm được thứ gì đó… Vì đó không chỉ là nghĩa vụ của một gia đình mà còn là cả một lịch sử quân sự. Pháp luôn muốn tôn vinh những người lính từng đi chiến đấu, những người đã tử trận. Cuộc tìm kiếm của gia đình tôi chỉ góp phần nhỏ, để nước Pháp công nhận những người lính ở Đông Dương, ngay cả những người không được nói đến nhiều… Nếu như mỗi người bỏ chút công sức thì tôi tin chắc rằng sẽ tìm được nhiều người lính mất tích hơn nữa”.

    Cuộc tìm kiếm người thân của gia đình Dieuddonné đã thuận lợi khi một trong 4 phi hành đoàn là một vị tướng của Pháp. Ông Vincent cho biết có nhiều thân nhân các binh sĩ mất tích trong chiến tranh, cũng nỗ lực tìm kiếm như ông, nhưng không phải ai cũng tìm ra đủ các bằng chứng thuyết phục để nhờ sự can thiệp của sứ quán Pháp. 

    Sắp tới, nếu kết quả giám định ADN xác nhận bộ hài cốt được mang về Pháp hồi tháng 10 năm 2023 là của phi công Jacques Dieudonné, thì một lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức. Gia đình ông sẽ hoặc là tự chọn địa điểm chôn cất, hoặc là an táng tại nghĩa trang ở Fréjus – khu tưởng niệm những người đã hy sinh cho nước Pháp ở Đông Dương, được khánh thành vào năm 1993, và là nơi yên nghỉ của gần 24.000 binh lính hoặc thường dân, bỏ mạng trong chiến tranh Đông Dương.

    Trong cuộc chiến kéo dài 9 năm, 80.000 binh sĩ Pháp đã bỏ mạng tại Đông Dương (khoảng 500 000 người ở phía Việt Minh). Sau khi hiệp định Genève được ký kết, từ năm 1955 đến năm 1975, hài cốt của 2.243 binh sĩ đã được hồi hương về Pháp. Một số nghĩa trang an táng các chiến sĩ vô danh cũng được xây dựng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Marie Vanackère, nhà nghiên cứu về Đông Dương, trong bài phân tích trên tạp chí Revue historique des armées, quá trình này là lính nước ngoài, chiến đấu cho Pháp), chưa kể việc chính quyền Bắc Việt gây khó dễ.

    Kể từ thỏa thuận với chính phủ Việt Nam từ năm 1986 dưới thời tổng thống François Mitterrand, hàng chục ngàn bộ hài cốt đã được hồi hương về Pháp. Theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp, khoảng 55.000 hài cốt đã được trao trả cho thân nhân (hơn 15.000), hoặc chuyển về nghĩa trang ở Fréjus. Gần đây nhất là hồi tháng 03/2024, Pháp đã đưa về nước 6 bộ hài cốt, vốn đã được phát hiện và thông báo cho sứ quán Pháp từ năm 2012, 2021, 2022. Tuy nhiên hàng ngàn thi hài binh sĩ Pháp hiện vẫn bị chôn vùi trên lãnh thổ Việt Nam.

    Wed, 08 May 2024
  • 221 - Xử lý rác thải điện tử tại Pháp : Ưu tiên khử ô nhiễm và tái sử dụng

    Theo một báo cáo mà Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 03/2024, nhìn chung trên thế giới lượng rác thải từ các thiết bị điện và điện tử (rác điện tử) đã tăng hơn nhiều so với dự báo hồi năm 2020 và sẽ còn tăng mạnh từ nay đến năm 2030.

    Rác điện tử tăng vì nhiều lý do: cuộc sống hiện đại khiến nhu cầu sử dụng thiết bị điện và điện tử ngày càng cao, nhưng vòng đời sản phẩm lại càng càng ngắn do nhu cầu thay đổi của người sử dụng, hay do nhiều nhà sản xuất đã cố tình hạn chế tuổi thọ của sản phẩm (obsolescence), khả năng sữa chữa đồ cũ cũng bị hạn chế …

    Một điều đáng lo ngại là, dù lượng rác điện tử tăng mạnh, tỉ lệ thu gom và tái chế lại thấp, mức trung bình trên thế giới chỉ là khoảng 22%, tỉ lệ này ở châu Âu là 42,8%. Việc rác thải điện tử không được thu gom, xử lý hiệu quả được cho là sẽ gây ra nhiều nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe người dùng.

    Riêng tại Pháp, theo một nghiên cứu Viện IFOP thực hiện cho bộ Chuyển đổi sinh thái, được trang Futura Sciences trích dẫn hôm 20/03, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng tới 99 thiết bị điện tử. Và chỉ có 38% hộ gia đình sửa chữa đồ cũ khi chúng bị hỏng.

    Để hiểu thêm về tình hình thu gom và tái chế rác thải điện tử tại Pháp, những khó khăn, thách thức của lĩnh vực này, RFI Tiếng Việt ngày 19/04/2024 đã phỏng vấn bà Claire Lemarchand, giám đốc chuyên trách vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng và cũng là phát ngôn viên của Ecosystem. Ecosystem là một trong những tổ chức sinh thái (éco-organisme) chuyên về thu gom và xử lý rác thải điện tử tại Pháp, được nhà nước công nhận là doanh nghiệp phi lợi nhuận, hoạt động vì lợi ích chung.

    RFI : Xin chào Claire Lemarchand. Theo bà, tình hình thu gom và tái chế rác điện tử tại Pháp cụ thể ra sao ? Liệu rác thải điện tử ngày càng được thu gom, quản lý và tái chế tốt hơn trong những năm gần đây tại Pháp ?

    Claire Lemarchand : Quả thực, báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng mức tiêu thụ, và ngầm trong đó là mức sản xuất thiết bị điện và điện tử, ngày càng gia tăng và rất đáng kể trên thế giới.

    Trái lại, ở Pháp và châu Âu, đặc biệt là Pháp, do có các quy định kỹ hơn, với các tổ chức sinh thái như Ecosystem quản lý rác thải, thu gom nhằm tái chế rác điện tử, nên mọi chuyện khá tốt. Chẳng hạn, năm 2023, chúng tôi đã thu gom được 646 ngàn tấn thiết bị điện gia dụng (192 triệu thiết bị điện) trong khi cũng vào năm ngoái, tổng lượng thiết bị điện đưa ra thị trường là 1 triệu 267 ngàn tấn, tức là lượng thu gom của chúng tôi tương đương hơn một nửa lượng bán ra thị trường.

    Trong số 646 ngàn tấn thiết bị nói trên, chúng tôi tái chế được khoảng 80%. Có những thứ chúng tôi vẫn chưa tái chế được. Ngoài ra, trong các thiết bị điện và điện tử còn có những chất gây ô nhiễm cần được tách ra và lưu giữ tại các cơ sở xử lý chất thải nguy hiểm, chứ không thể tái chế được những chất này.

    (…) Cũng trong số 646 ngàn tấn thiết bị thu gom được nói trên, được tái chế nhiều nhất, nếu xét về khối lượng, vẫn là những thiết bị điện gia dụng cỡ lớn như tủ lạnh, máy rửa bát, máy giặt … Nhưng nếu xét về số lượng thiết bị, được tái chế nhiều nhất vẫn là những thiết bị điện gia dụng cỡ nhỏ, như bàn chải đánh răng chạy bằng điện, máy nướng bánh mỳ …

    RFI : Theo bà, tại Pháp, đâu là những yếu tố hạn chế hoặc khiến việc tái chế rác thải điện và điện tử trở nên khó khăn, phức tạp ? Hiện nay, đâu là thách thức lớn nhất cần giải quyết ?

    Claire Lemarchand : Chúng ta cần hiểu là trước khi có thể tái chế thì phải thu gom rác thải điện tử. Và có 2 lý do chính khiến chúng tôi không thể thu gom được toàn bộ rác thải điện và điện tử:

    Thứ nhất là việc nhầm lẫn trong khâu phân loại rác. Một phần tư lượng thiết bị điện tử cỡ nhỏ như điện thoại, ổ cắm điện, đồ chơi chạy bằng điện … bị vứt vào thùng rác sinh hoạt hoặc thùng rác bao bì. Có khoảng 118.000 tấn rác điện tử bị vứt vào thùng rác không đúng loại nên không được tái chế đúng cách. Như vậy là chúng không thể được khử ỗ nhiễm và chúng tôi cũng không thể tái sử dụng các vật liệu để sản xuất các thiết bị mới.

    Yếu tố thứ 2 là nạn buôn bán rác thải trái phép. Một phần tư lượng rác thải điện và điện tử được thu gom trái phép. Đó là bởi vì các thiết bị điện tử có những kim loại có giá trị nên bán được giá trên thị trường. Chính vì thế, chúng bị đánh cắp, hoặc thậm chí bị xuất khẩu sang các nước ít nhiều xa Pháp và châu Âu. Số thiết bị này chiếm khoảng 450 ngàn tấn.

    Như vậy là có tổng cộng 450 ngàn tấn rác điện tử lọt ra khỏi lĩnh vực tái chế hợp pháp và 118 ngàn tấn rác là do phân loại sai nên không được thu gom, tái chế.

    RFI : Vậy theo nhận định của bà, tại Pháp, thu gom hay tái chế rác thải điện tử đặt ra nhiều thách thức hơn ?

    Claire Lemarchand : Có những thách thức thường trực trong việc thu gom hoặc tái chế. Chẳng hạn, về tái chế, hiện nay chúng tôi đặt các thùng thu gom rác điện tử tại các cửa hàng hoặc khu tập kết rác. Chúng tôi thu gom được những thiết bị điện và điện tử được chế tạo cách nay khoảng 10, 15 hay 20 năm. Đối với những thiết bị này, chúng tôi đã biết chúng được làm từ chất liệu gì, bên trong thiết bị có những chất gây ô nhiễm nào … Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi biết cách tái chế rác thải từ những thiết bị điện tử đã được chế tạo từ cách nay nhiều năm.

    Trái lại, mỗi năm chúng tôi lại thu gom được những loại thiết bị mới với những loại vật liệu hoặc hợp kim, hoặc các dạng nhựa, hoặc chất gây ô nhiễm mà trước đây chúng tôi chưa từng thấy trong các thùng rác điện tử. Vì thế mà theo dòng thời gian, chúng tôi phải liên tục điều chỉnh các đơn vị xử lý để luôn có thể tái chế tốt hơn và nhiều hơn. Thường xuyên là phải như thế. Tái chế rác điện tử là một ngành công nghiệp không ngừng phát triển.

    RFI : Rác thải từ loại thiết bị điện - điện tử nào khó tái chế nhất ? 

    Claire Lemarchand : Trên thực tế, điều này không liên quan đến loại máy móc, thiết bị, mà chủ yếu liên quan đến phương thức chế tạo chúng.

    Nếu một chiếc máy được chế tạo bằng cách ghép dán một mảnh kim loại với một mảnh nhựa thay cho cách bắt vít, thì chúng sẽ nhẹ hơn và nhỏ gọn hơn. Trái lại, khi hai vật liệu được dán vào nhau thì không thể dễ dàng tách chúng ra được. Khi tách chúng ra, bao giờ cũng sẽ mất một mẩu nhựa, một mẩu kim loại và keo dính ở mối ghép nối. Như vậy chính cách thiết kế và lắp ráp mới là yếu tố khiến việc tái chế bớt khó khăn hay là thêm phức tạp.

    RFI : Ngành tái chế rác thải điện tử ở Pháp có lẽ vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nhưng liệu lĩnh vực này ngày càng được quản lý tốt hơn ở Pháp ? Chính phủ Pháp có hỗ trợ hay có chính sách gì để thúc đẩy ngành công nghiệp vốn rất quan trọng này ?

    Claire Lemarchand :Xin nhắc lại là tại Pháp, tái chế và thu gom rác thải điện và điện tử là do các « éco-organisme (cơ quan sinh thái) quản lý. Đây là những công ty tư nhân nhưng phải đáp ứng các nghĩa vụ mà nhà nước đề ra. Chẳng hạn nhà nước yêu cầu là trong 6 năm tới, chúng tôi phải tái chế được bao nhiêu tấn rác điện tử, khử ô nhiễm được bao nhiêu thiết bị … Có hàng loạt nghĩa vụ. Dĩ nhiên là chúng tôi phải đáp ứng các nghĩa vụ, yêu cầu nhà nước đề ra. Đây là vai trò của chúng tôi, nhưng chúng tôi không được nhà nước cấp ngân sách mà được các nhà sản xuất tài trợ.

    Khi quý vị mua một chiếc máy giặt, trên hóa đơn quý vị thấy có khoản éco-participation (khoản đóng góp sinh thái). Đây không phải là tiền thuế (taxe). Khoản tiền này được chuyển trực tiếp cho tổ chức Ecosystem để chúng tôi có kinh phí thu gom, tái chế, tái sử dụng thiết bị và cũng là dùng để chi trả khoản « bonnus réparation » để giảm chi phí sửa đồ dùng cho người dùng (Đây là khoản tiền hỗ trợ để khuyến khích người tiêu dùng Pháp sửa chữa các thiết bị điện hoặc điện tử khi thiết bị hỏng hóc thay vì mua sản phẩm mới thay thế ngay lập tức).

    RFI : Rác thải điện tử có phải là chất đầu độc từ từ môi trường và sức khỏe con người ?

    Claire Lemarchand:Về bản chất, các thiết bị điện và điện tử có chứa một số chất gây ô nhiễm, chẳng hạn như brome, thủy ngân, asen, khí flo - loại chất làm lạnh có trong tủ lạnh chẳng hạn. Chính vì trong các thiết bị có chất gây ô nhiễm nên cần phải tái chế rác điện tử. Đây là điều quan trọng. Nhưng không chỉ cần tái sử dụng kim loại, nhựa, thủy tinh có trong các thiết bị, trước hết chúng ta sẽ khử ô nhiễm các thiết bị. Các chất ô nhiễm này phải được cất giữ tại các cơ sở xử lý chất thải nguy hiểm để chúng không gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, có thế thì mới không ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Đó là điều cơ bản trong lĩnh vực mà chúng tôi đang điều phối.

    RFI : Tại Pháp, tái chế rác thải điện tử mang lại những tiềm năng nào ? Đâu là triển vọng phát triển ?

    Claire Lemarchand :Khi nói đến tái chế rác thải điện và điện tử tại Pháp thì phải nói đến 3 điểm cơ bản.

    Đầu tiên là phải tái sử dụng vật liệu thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta đang đứng trước thách thức là tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, nguồn tài nguyên của chúng ta không phải là vô hạn. Thế nên, chúng ta càng tái chế được nhiều thì càng bớt phải khai thác tài nguyên thiên nhiên.

    Về điểm thứ 2, như tôi đã nói ở trên, là phải khử ô nhiễm các chất độc hại để thực sự bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

    Và điểm cuối cùng, khi thu gom các thiết bị, trước khi tái chế chúng, chúng tôi phải xem liệu có thể tái sử dụng chúng nữa hay không. Nếu các thiết bị vẫn còn trong tình trạng có thể hoạt động tốt hoặc có khi chỉ cần sửa chữa là hoạt động lại được thì nên tái sử dụng chúng. Trước khi tái chế, điều quan trọng là phải kéo dài tuổi thọ của thiết bị càng lâu càng tốt, làm sao để thiết bị có thể hoạt động lâu nhất có thể. Chúng ta không nên thay mới chỉ vì chúng ta muốn có sự đổi khác về màu sắc, chức năng. Chúng ta nên sử dụng thiết bị càng lâu càng tốt. Đây là hành động đầu tiên để bảo vệ môi trường. Đến khi nào đồ vật đã quá cũ, không thể hoạt động được nữa thì chúng tôi mới tái chế. Đó là điều cơ bản.

    Xét về lợi ích, không nên xuất khẩu rác thải điện và điện tử. Đó là bởi vì tái chế rác thải là tạo việc làm trong nước. Đây là một ngành công nghiệp nội địa của Pháp, tạo việc làm ngay tại Pháp. Công ty Ecosystem của chúng tôi có 160 nhân viên, nhưng tính trong toàn bộ lĩnh vực này thì chúng tôi tạo được việc làm cho hơn 7.000 người tại nước Pháp, ở cả Pháp lục địa và các vùng lãnh thổ hải ngoại.

    RFI : Claire Lemarchand, bà là phát ngôn viên của Ecosystem. Xin bà giới thiệu thêm về những đóng góp của Ecosystem cho lĩnh vực thu gom và tái chế rác chất thải điện và điện tử ở Pháp ?

    Claire Lemarchand : Ecosystem là một doanh nghiệp phục vụ lợi ích chung. Chúng tôi là cơ quan phi lợi nhuận. Sứ mệnh duy nhất của chúng tôi là dựa vào « éco-participation » (khoản đóng góp sinh thái) để thu gom rác điện tử và tái chế.

    Tôi xin nói để quý thính giả của đài hiểu là rác điện tử trong những thùng màu xanh lá cây đặt tại các siêu thị và những thùng chứa thiết bị điện và điện tử mà quý vị thấy ở các trung tâm tập kết rác, đều do công ty Ecosystem thu gom. Sau đó, chúng tôi chuyển tất cả đến các trung tâm xử lý rác điện tử của Ecosytem. « Bonnus réparation » để giảm chi phí sửa thiết bị điện tử cũ cũng là do Ecosysem tài trợ. Năm 2023, Ecosystem đã sửa chữa để tái sử dụng 900.000 thiết bị. Con số này tăng hàng năm và sẽ còn tăng nữa, làm như vậy để tuổi thọ của thiết bị ngày càng được kéo dài.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Claire Lemarchand, phát ngôn viên của Ecosystem, đã tham gia chương trình !

    Fri, 03 May 2024
  • 220 - Guillaume Gomez : Vị đại sứ mang ẩm thực Pháp đi khắp thế giới

    Sau 25 năm làm việc trong điện Elysée, phục vụ 4 tổng thống Pháp và các chính khách quốc tế, Guillaume Gomez đã gỡ bỏ chiếc mũ đầu bếp và đội lên chiếc mũ “đại sứ ẩm thực” của Pháp, với những chuyến công du quảng bá ẩm thực Pháp trên khắp thế giới.

    Vào nghề từ năm 14 tuổi, Guillaume Gaumez đã được một đầu bếp cho học việc tại một nhà hàng  2 sao Michelin tại Paris. Và cũng chính người thầy này đã đưa ông vào điện Elysée, làm nghĩa vụ quân sự năm 1997, dưới thời tổng thống Jacques Chirac. Bảy năm sau đó, chính tổng thống Chirac đã trao tặng huy hiệu “Thợ có tay nghề cao” ( Meilleur Ouvrier de France ) cho Gomez, lúc ông mới 25 tuổi và trở thành đầu bếp trẻ nhất nước Pháp đạt danh hiệu này. “Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong đời tôi”, Guillaume Gomez khẳng định. “Không chỉ với riêng cá nhân tôi mà cả với nghề nghiệp của chúng tôi, bởi vì tất cả các đầu bếp đều sẽ được vinh danh mỗi khi một đầu bếp được nhận giải cao quý này”. 

    Trong 25 năm, Guillaume Gomez từng chỉ đạo trong căn bếp rộng hơn 500 mét vuông của điện Elysée, phục vụ hàng trăm ngàn bữa ăn, cho 4 vị tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy, François Hollande và Emmanuel Macron, cùng vô số các chính khách quốc tế được đón tiếp tại phủ tống thống.

    Vào năm 2020, ông  đã cho ra mắt cuốn sách “A la table des présidents” ( Ngồi vào bàn với các tổng thống ), được coi là một bộ sưu tập các thực đơn ngon nhất phục vụ cho những vị khách danh giá nhất của điện Élysée, chẳng hạn như cố Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị và cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Cuốn sách cũng gợi lên "ngoại giao ẩm thực" và khả năng truyền tải thông điệp của ẩm thực, như trường hợp thực đơn có trách nhiệm với môi trường được phục vụ trong COP21 - Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc ở Paris.

    Đọc thêm : Bàn tiệc tại điện Elysée qua các đời tổng thống Pháp

    Đến năm 2021, Guillaume Gomez đã được tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm đại sứ ẩm thực của Pháp, giữ một chức vụ vô cùng đặc biệt, được xem như là “bộ trưởng ẩm thực”, trực thuộc bộ Ngoại Giao. Trong buổi lễ bổ nhiệm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định : “Guillaume Gomez sẽ đại diện cho tôi trước thế giới ẩm thực, để quảng bá ‘nghệ thuật ẩm thực’ của nước Pháp”.

    Trong vòng ba năm qua, với tư cách là đại diện về ẩm thực của tổng thống Pháp, Guillaume Gomez đã thực hiện vô số chuyến đi trên khắp nước Pháp và nước ngoài, đại diện cho tổng thống Pháp tại nhiều sự kiện : Từ chủ trì  buổi lễ ký kết hợp tác giữa tổ chức chống lãng phí đồ ăn với tập đoàn Accor tại Paris, cho đến giám khảo cuộc thi làm bánh mì trong chuyến đi đến Việt Nam.

    Nhân dịp kỷ niệm 100 năm giải “Thợ có tay nghề cao của Pháp” – Meilleur Ouvrier de France, RFI đã có dịp trao đổi với ông Guillaume Gomez.

    ***

    Điều gì khiến ông quyết định rời khỏi căn bếp của điện Elysée, đảm nhận một vị trí hoàn toàn mới mẻ ?

    Guillaume Gomez : Tôi chưa bao giờ hài lòng với những chiếc ghế thoải mái, hay những con đường đã được vạch ra sẵn… Mỗi khi đi đến đích của một việc gì đó, tôi luôn muốn bước sang một trang tiếp theo. Tôi vào điện Élysée với tư cách là một người làm nghĩa vụ quân sự. Vậy nên về thứ bậc, tôi là người thấp nhất trong tổ bếp, và dần dần tôi leo lên các cấp bậc khác nhau, từ trưởng nhóm, bếp phó, phụ bếp và tôi dần trở thành bếp trưởng. Là bếp trưởng, tôi đã đến vị trí cao nhất trong căn bếp danh giá này.  Nhưng  tôi đã giữ vị trí này trong hơn 10 năm, và đã đến lúc tôi muốn làm việc khác và đó cũng là lúc mà tổng thống đề nghị tôi đảm nhận vị trí đại sứ ẩm thực của Pháp. Công việc của tôi vẫn gắn liền với ẩm thực. Tôi là sợi dây liên kết trực tiếp giữa tổng thống Cộng Hòa Pháp và tất cả những người trong giới ẩm thực. Tôi cũng làm việc với các đại sứ của Pháp, với các cơ quan ngoại giao của Pháp ở nước ngoài.

    Đâu là những thách thức lớn nhất khi đảm nhận vị trí đại sứ ẩm thực của Pháp ?

    Guillaume Gomez : Đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ, tôi là người đầu tiên giữ chức vụ này ở Pháp, và Pháp cũng là nước đầu tiên bổ nhiệm một đại sứ về ẩm thực và thực phẩm (alimentation).  Chắc chắn vị trí này có nhiều thách thức, nhưng đó là điều khiến tôi hài lòng trong công việc hiện nay. Liệu tôi sẽ tiếp tục làm công việc này trong 10 năm nữa? Tôi không rõ, nhưng tôi biết rằng trong 3 năm qua, tôi đã làm được nhiều việc liên quan tới việc sản xuất thực phẩm, tái chế rác thải nông nghiệp, xuất khẩu, chế biến, phân phối thực phẩm.

    Tôi không nghĩ rằng tôi nhớ căn bếp, tôi đã ngừng nấu ăn, nhưng không có nghĩa là tôi không còn đam mê với ẩm thực. Với tư cách là đầu bếp đạt danh hiệu Thợ có tay nghề cao, tôi cũng có nghĩa vụ truyền đạt lại kiến thức, làm người khác toả sáng.

    Nhiệm vụ của tôi khá rộng, tôi đội lên chiếc mũ đại sứ, tức là tạo ra sức ảnh hưởng với quốc tế. Tuần trước tôi đã đến Maroc. Sắp tới, tôi sẽ đến Roma, Luân Đôn, Benin và cả Cameroun. Tôi cũng đã từng đến Việt Nam, gặp gỡ các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại đó, ví dụ như tập đoàn Andros. Công việc của tôi khá rộng, từ việc tạo ra sức ảnh hưởng của Pháp thông qua ẩm thực, qua các giá trị tự do bình bẳng bác ái. Đó cũng là những giá trị khiến nước Pháp trở thành điểm đến hấp dẫn hơn. Hiện Pháp đã là điểm đến du lịch số một trên thế giới, và chúng tôi phải duy trì vị trí này.

    Ông có thể cho biết thêm về chuyến đi đến Việt Nam vào năm ngoái, tại sao ông lại chọn điểm đến này ? 

    Guillaume Gomez : Phải nói rằng trong số 200 quốc gia trên thế giới và có chỉ khoảng 50 tuần lễ trong năm, nên tôi không thể đi khắp nơi được. Tôi cũng có nhiều việc tại Pháp do vậy tôi thường không thể chấp nhận tất cả lời mời từ quốc tế. Tôi đến Việt Nam vì tôi có mối quan hệ khá thân cận với lãnh sự Pháp tại Việt Nam. Tôi cũng biết những đầu bếp Pháp làm tại đó, cũng như là các đầu bếp Việt  hoạt động rất tích cực trong các tổ chức quốc tế. Doanh nghiệp Andros của Pháp cũng có nhiều hoạt động thương mại, tạo ra ảnh hưởng của ẩm thực Pháp trong khu vực này. Đó là những lý do khiến tôi quyết định đến Việt Nam, vừa liên quan đến thương mại, khía cạnh quan trọng của Pháp, và những trao đổi giữa hai nước.

    Tôi rất mừng là các doanh nghiệp Pháp có thể hoạt động tại Việt Nam và phía Việt Nam cũng hoan nghênh sự hỗ trợ của chúng tôi đối với một số lĩnh vực. Đó là ngoại giao, là những trao đổi mà hai bên cùng có lợi, qua khía cạnh thương mại, xã hội.

    Không chỉ là đại sứ về ẩm thực, ông cũng tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, như đại sứ của tổ chức nhân đạo Vision du Monde ?

    Guillaume Gomez : Đó là một lựa chọn cá nhân của tôi và tôi không thể đi thuyết phục mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội.

    Tôi nghĩ rằng quyết định này đến từ ADN của tôi. Vì tôi biết rằng mình may mắn có cơ thể khoẻ mạnh, thành công trong công việc, có một cuộc sống thoải mái. Liên quan đến ẩm thực, thực phẩm, tôi phát hiện ra một khái niệm về “tự chủ ẩm thực” ( souveraineré alimentaire), mà theo tôi, ăn là một nhu cầu thiết yếu, sau thở… Tôi đã viết hai cuốn sách dạy nấu ăn, được bán rất chạy. Tôi đã trao toàn bộ tiền tác quyền quyền cho các tổ chức xã hội. Cùng với tổ chức Fondation Ecole Félix, chúng tôi đang xây dựng hai trường học ỏ Madagascar. Tôi cũng hoạt động tại các nước khác trên thế giới thông qua tổ chức Vision du Monde.

    Tôi nghĩ rằng ẩm thực là một sợi dây liên kết, cho phép đoàn kết, gây quỹ, nâng cao nhận thức, tạo ra một hình ảnh nhất định, một cách giao tiếp.

    Liệu một ngày nào đó, ông có dự tính mở nhà hàng của riêng mình ?

    Guillaume Gomez :Tôi không nghĩ vậy, bởi vì làm việc ở nhà hàng không phải là nghề phù hợp với tôi. Tôi là đầu bếp chỉ đạo hoạt động tập thể, và tôi đã làm việc đó trong 25 năm tại điện Elysée. Công việc đó không giống như trong nhà hàng hay của chủ nhà hàng, do vậy tôi không thấy mình có tính chính danh để mở nhà hàng. Tuy nhiên, tôi có thể tư vấn cho các nhà hàng. Đó là vai trò của tôi, tức là hỗ trợ những người làm trong ngành này, hỗ trợ họ giải quyết một số vấn đề, đến hoạt động tại những nước khác. Tôi có kiến thức về quốc tế và thị trường thực phẩm quốc tế, chứ không phải về nhà hàng nói chung. Do vậy kiến thức của tôi có thể phục vụ các chính phủ muốn hợp tác với nước Pháp trong lĩnh vực này, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn tạo ra một nền ẩm thực có trách nhiệm với sức khoẻ, với xã hội, với môi trường. Đó cũng là những giá trị mà nước Pháp muốn bảo vệ.

    Wed, 01 May 2024
  • 219 - Tại sao chính quyền Pháp bị tố « thanh lọc xã hội » trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024 ?

    Tăng cường giải tỏa các trại tạm cư ở vùng Paris, di dời dân nhập cư và người vô gia cư đến các vùng khác, chính phủ Pháp bị nhiều hiệp hội tố cáo « thanh lọc xã hội », đẩy những người yếu thế, dễ bị tổn thương đi xa thủ đô để che giấu cảnh bần hàn trên đường phố, làm sạch đẹp bộ mặt Paris, trước thềm Thế Vận Hội Mùa Hè 2024.

    Liên Hiệp « Mặt trái của tấm huy chương » (Le revers de la médaille) ghi nhận các gia đình có con nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Liên Hiệp « Mặt trái của tấm huy chương » quy tụ 80 hiệp hội thiện nguyện, hỗ trợ người nhập cư, trong đó có những tổ chức nổi tiếng tại Pháp như Médecins du Monde, Secours catholique, Action contre la faim, Emmaüs …

    Thế Vận Hội là lý do chính ?

    Ông Paul Alauzy, điều phối viên về theo dõi tình hình sức khỏe của tổ chức Médecin du Monde, phát ngôn viên Liên Hiệp« Mặt trái của tấm huy chương » (Le revers de la médaille) nhấn mạnh trong chương trình tranh luận « Thế Vận Hội sẽ dẫn đến một sự suy thoái xã hội ? » trên đài RFI Pháp ngữ ngày 26/03 :

    « Dùng từ ngữ như vậy (thanh lọc xã hội - nettoyage social) là nặng nề, nhưng xét đến số phận của những cá nhân đã bị đối xử tệ như vậy từ nhiều tháng nay ở Paris, ở vùng Île-de-France, tôi nghĩ rằng những từ ngữ này đã truyền tải đầy đủ ý nghĩa. Rõ ràng là có những vụ tấn công nhắm vào khu vực của những người đang trong tình cảnh bấp bênh ở Paris, hoặc là trên đường phố, hoặc là trong những khu nhà tạm và việc này xảy ra khắp vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận).

    Từ cách nay nhiều tháng, chúng tôi thấy là đã có những chính sách ngược đãi những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta và những người đang sống trên đường phố, không nhà cửa. Và nay, chúng tôi thấy có sự tăng tốc, những phương pháp mới, và chúng tôi cũng thấy có những sự kiện mới đang diễn ra nhằm vào những người sống lang thang trên đường phố. Chúng tôi đã đọc và tìm hiểu tài liệu. Chuyện này hoàn toàn có liên quan đến việc Thế Vận Hội được tổ chức và sắp diễn ra.

    Chẳng hạn, Nhà nước đã triển khai một hệ thống trung tâm tiếp đón (SAS) mới cấp vùng. Việc dỡ bỏ lán trại, giải tỏa các khu tạm cư ở Paris đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng từ khoảng gần một năm trở lại đây, ngay từ khi có các chuyến xe khách được điều đến để sơ tán những người sống ở các khu tạm cư nghèo khổ, khốn cùng đó, thì chúng tôi thấy những người này đều được đưa ra khỏi vùng Ile-de-France. Giải pháp lập khu tạm cư ngay tại vùng Paris hầu như không còn tồn tại. Điều này là có liên quan đến việc tổ chức Thế Vận Hội ».

    Chính quyền Pháp bị chỉ trích về nhiều điểm

    Chính phủ Pháp đã bác bỏ điều mà các hiệp hội nhân quyền gọi là sự « thanh lọc xã hội » trước thềm Olympic. Theo chính quyền Macron, chiến dịch di dời, giải tỏa này chỉ nhằm giảm tải cho Paris. Đồng thời, việc phân bổ di dân về các tỉnh cũng tạo thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục hành chính cho họ.

    Thực ra, việc giải tỏa các khu tạm cư trái phép không phải chuyện bây giờ mới xảy ra ở Paris và vùng phụ cận. Le Monde ngày 11/04 trích báo cáo của Collectif Accès au droit, theo đó rất khó để khẳng định mối liên hệ giữa chiến dịch giải tỏa khu tạm cư, cưỡng chế di dân rời đi, với việc tổ chức Thế Vận Hội. Trên thực tế, từ trước tới nay, sở Cảnh sát vùng Paris vẫn thường có những chiến dịch quy mô lớn như vậy, nhưng Collectif Accès au droit cũng khẳng định xu hướng gia tăng mạnh chiến dịch giải tỏa. Đã có 33 vụ ở nội đô Paris giai đoạn từ tháng 04/2023 đến giữa tháng 03/2024, so với 19 vụ so với cùng kỳ năm trước. Collectif Accès au droit là đài quan sát về tình trạng vi phạm nhân quyền, không tiếp đón và nạn bạo lực của cảnh sát nhắm vào di dân đang phải sống lang thang trên đường phố Paris.

    Chính quyền Pháp bị chị trích về cách thức tiến hành giải tỏa khu tạm cư, chẳng hạn là vào ban đêm khi mọi người đang ngủ, với sự tham gia của hàng trăm cảnh sát. Chính quyền cũng bị lên án về việc thiếu thông tin minh bạch, không quy hoạch các trung tâm đón tiếp người nhập cư (SAS) ngay tại vùng Paris mà chỉ lập « các trung tâm đón tiếp cấp vùng » ở những nơi xa Paris, gây khó khăn cho người nhập cư về việc tìm công việc, phải làm lại các thủ tục hành chính ở nơi mới … thậm chí nhiều tổ chức hỗ trợ di dân còn tố đây là « cái bẫy hành chính » mà chính quyền giăng ra.

    Cách thu xếp, bố trí nơi tạm cư mới, phân bổ người bị di dời từ Paris về các trung tâm tiếp đón cấp vùng cũng bị cho là mang tính cưỡng chế, áp đặt một chiều. Le Monde ngày 20/03 cho biết trên toàn quốc có 10 trung tâm đón tiếp cấp vùng, được Nhà nước lập hồi tháng 04/2023. Theo báo 20 minutes ngày 03/03, người nhập cư không được lựa chọn, thậm chí khi lên xe cũng không biết mình sẽ được đưa đến đâu, được tiếp đón thế nào.

    Những người bị di dời phải đứng trước lựa chọn, hoặc là phải lên xe để đi đến trung tâm ở các tỉnh theo sự phân bổ của Nhà nước, hoặc là sẽ không được bố trí chỗ ở tạm nữa. Nhưng thời gian họ được phép ở lại một trung tâm đón tiếp cấp vùng nào đó cũng chỉ kéo dài tối đa 3 tuần. Sau đó, họ đi đâu về đâu, sẽ tiếp tục được hỗ trợ thế nào ? Thông tin chính sách về lâu dài của Nhà nước Pháp bị xem là chưa đầy đủ, mù mờ.

    Theo Liên Hiệp« Mặt trái của tấm huy chương »,nhiều di dân sau khi chuyển đến các khu tiếp đón ở tỉnh, lại đành rời đi khi chưa hết 3 tuần theo quy định vì điều kiện ở đó không phù hợp, cho dù điều này sau đó sẽ khiến họ gặp rắc rối trong quá trình làm thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ hoặc đề nghị được bố trí nơi tạm cư mới. 

    Chính quyền Paris : Trách nhiệm lập nơi ở khẩn cấp là của Nhà nước

    Về trách nhiệm của Paris, thành phố đăng cai tổ chức Thế Vận Hội, cũng trên đài RFI Pháp ngữ, bà Léa Filoche, trợ lý của đô trưởng Paris, người chuyên trách về tương trợ, chỗ ở khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn, chống bất bình đẳng, khẳng định việc giải tỏa các khu tạm cư không phải do chính quyền thành phố triển khai mà là do sở cảnh sát cấp vùng Paris thực hiện. Chính quyền Paris cũng không có thẩm quyền trong việc lập các khu tạm cư khẩn cấp và phân bổ di dân, mà đây là việc của chính quyền trung ương.

    Và chính trợ lý của đô trưởng Paris cũng muốn công việc quản lý này phải do Nhà nước thực hiện. Bởi vì theo bà có như vậy thì chính sách tiếp đón di dân mới công bằng và thống nhất trên toàn quốc, tránh tình trạng do chính quyền địa phương thuộc đảng phái chính trị khác nhau mà chính sách đón tiếp di dân cũng mang tính vùng miền. Vả lại, chính quyền thành phố không tìm cách che đậy, giấu giếm cảnh sống khốn khổ, đáng buồn mà bà xem là một phần của cuộc sống đời thường ở Paris :

    « Trước hết, Paris là một thành phố rất thường xuyên tổ chức các sự kiện cấp quốc gia, thậm chí là các sự kiện tầm vóc quốc tế. Trên thực tế, chúng tôi biết cách thực hiện, bởi vì chúng tôi biết những người vô gia cư trên đường phố, chúng tôi biết cách nói chuyện với họ, chúng tôi có các đội đi tuần, gặp gỡ, nói chuyện để tìm hiểu và giúp đỡ người vô gia cư, chúng tôi có các phương tiện, những nhân viên chuyên nghiệp và các tình nguyện viên tiếp xúc hàng ngày với người vô gia cư. Việc tổ chức một sự kiện tầm vóc toàn cầu theo cách để nó diễn ra cùng với một cuộc sống vốn tồn tại như trong đời thực ở Paris, cũng như trong đời thường ở thủ đô mọi nước khác, nơi có những người rất giàu có, sống sung sướng và cũng có cả những người rất nghèo, sống buồn khổ, không phải là việc quá phức tạp.

    Trái lại, điều mà thị trưởng Paris ủng hộ, là Thế Vận Hội và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật phải hòa vào đời thường, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cả hai bên đều có chỗ đứng của mình. Chúng tôi không phải người quyết định tổ chức những hoạt động « thanh lọc », không giải tỏa, hay buộc mọi người phải rời đi, bất kể thế nào … Mọi hoạt động phải được tổ chức xoay quanh mọi người, các nhu cầu của họ, theo mục tiêu mà chúng tôi đề ra là bảo đảm chất lượng các dịch vụ của chúng tôi ».

    Bà Léa Filoche, trợ lý của đô trưởng Paris, không chỉ phản đối chiến dịch bị xem là « vô hình hóa » sự tồn tại của người nhập cư, mà đặc biệt chỉ trích việc nhiều quan chức Nhà nước trung ương đến phối hợp với Paris để quản lý người nhập cư lại cho rằng chính việc hỗ trợ di dân lại càng khiến nạn nhập cư bất hợp pháp thêm nghiêm trọng :

     « Tôi muốn nói đến hai điều vượt xa cả việc khiến những người này trở nên vô hình. Đó là đầu óc tưởng tượng của một số người của Nhà nước và có tính truyên truyền. Điều khiến tôi lo ngại hơn cả chính vấn đề vô hình hóa người nhập cư, là tư tưởng cực hữu cho rằng các trợ cấp xã hội, trợ cấp gia đình hoặc hỗ trợ nhà ở lại chính là những biện pháp mời gọi, thu hút người nhập cư nước ngoài. Đã có những của Nhà nước đến giải thích trực tiếp với chúng tôi là càng tạo nhiều chỗ ở, càng có nhiều điểm phân phát thực phẩm, càng cải thiện điều kiện tiếp đón người nhập cư thì sẽ càng có thêm nhiều người đến. Đấy là những phát biểu mang tính chính trị. Thế nhưng, chúng tôi lo ngại về việc trong khi chúng tôi đang tranh đấu để bảo vệ nhân phẩm, tính nhân văn, tình nhân đạo, thì lại có những người của Nhà nước đến nói với chúng tôi rằng chính vì chúng tôi làm như vậy nên mới có nhiều người nhập cư hơn.

    Và tôi rất lo lắng vì họ không chỉ dừng ở lời nói mà còn biến điều đó thành chính sách công. Nhà nước đã từ chối cho phép có trung tâm tiếp đón (SAS) ở vùng Île-de-France (Paris và vùng phụ cận), bởi vì họ tin rằng ngày nay chính vì điều kiện dễ chịu, thoải mái... nên di dân mới đổ về Paris.

    Chẳng ai lại đi nửa vòng Trái đất chỉ để được phân phát thức ăn phía dưới đường tàu điện trên cao, bến Stalingrad, hoặc để ngủ trong phòng tập thể dục thể thao ở quận 11 của thành phố Paris. Không ai muốn như vậy hết. Khi mọi người đã đến đây rồi thì chính sách của Nhà nước cũng phải phản ánh được thực tế xã hội của đất nước. Có những người không có chỗ ở, dù họ có giấy tờ hợp pháp hay không, dù họ có phải người nhập cư hay không, chúng ta cũng phải tìm ra giải pháp phù hợp với họ ».

    Vòng luẩn quẩn không hồi kết ?

    Thiếu biện pháp hỗ trợ lâu dài hiệu quả và các giải pháp triệt để khác từ chính quyền, những người vô gia cư bị giải tán khỏi một khu tạm cư bất hợp pháp nào đó lại tìm đến khu tạm cư bất hợp phát mới. Theo La Croix ngày 17/04/2024, 450 người nhập cư đã phải rời khỏi một khu tạm cư bất hợp pháp vốn là một tòa nhà bỏ hoang ở Vitry-sur-Seine, ngoại ô đông nam Paris. Tòa nhà này thực chất từng là trụ sở của một công ty xe bus, sau khi bị bỏ hoang cách nay 3 năm, đã dần dần bị hàng trăm người từ những khu tạm cư bất hợp pháp bị giải tỏa khác chuyển đến ở trái phép.

    Vậy đâu là giải pháp nên hướng tới ? Trợ lý đô trưởng Paris, chuyên trách chỗ ở khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn, đề xuất chuyển những tòa nhà bị bỏ hoang thành khu tạm cư hợp pháp có quy hoạch và được quản lý, tránh tình trạng di dân, người vô gia cư tự phát chiếm giữ tập thể các khu nhà này, để rồi lại bị giải tỏa, tạo thành cái vòng luẩn quẩn không hồi kết.  

    Trước mắt, liên quan đến Thế Vận Hội Mùa Hè 2024, nhiều hiệp hội đề xuất Nhà nước lập « cơ sở nhân đạo »đón tiếp di dân tương tự như đã tiếp đón những người Ukraina được sơ tán khi chiến tranh mới nổ ra.

    Dung hòa được việc tổ chức Thế Vận Hội, duy trì an ninh trật tự và bảo vệ hình ảnh của một Paris tráng lệ để đón hàng chục triệu du khách quốc tế, đồng thời bảo đảm đối xử nhân đạo với di dân, người vô gia cư, nhóm người được coi là yếu thế, dễ bị tổn thương, dường như không phải là việc dễ dàng. Nhất là khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến ngày khai mạc sự kiến thể thao lớn nhất hành tinh …

    Fri, 26 Apr 2024
Mostra altri episodi