Nach Genre filtern

Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

RFI Tiếng Việt

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng. 

72 - Mạng lưới vũ khí quốc tế : Thương mại tử thần hàng tỷ đô la và nạn vi phạm nhân quyền ở Miến Điện
0:00 / 0:00
1x
  • 72 - Mạng lưới vũ khí quốc tế : Thương mại tử thần hàng tỷ đô la và nạn vi phạm nhân quyền ở Miến Điện

    Nga, Trung Quốc bị tố cung cấp vũ khí để Miến Điện vi phạm nhân quyền ; Trung Quốc gia tăng quấy rối đảo Đài Loan ; Gặp « thiên thời », Azerbaijan tiến quân đánh Thượng Karabakh ; Căng thẳng Ấn Độ và Canada khiến Hoa Kỳ khó xử và vì sao Mỹ - Iran trao đổi tù nhân lúc này. Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    Nga, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và Thái Lan bị điểm mặt

    Trong kỳ họp Hội đồng Nhân quyền lần thứ 53 của Liên Hiệp Quốc (19/6 – 14/7/2023), báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền Miến Điện trong bản báo cáo đề tựa « Thương mại tử thần hàng tỷ đô la : Mạng lưới vũ khí quốc tế tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Miến Điện », cho biết, quân đội Miến Điện đã nhập khẩu ít nhất gần một tỷ đô la vũ khí, các loại thiết bị lưỡng dụng để sản xuất vũ khí chống lại chính thường dân của mình.

    Mở đầu bản báo cáo dài khoảng 50 trang, báo cáo viên đặc biệt nhắc lại vụ không quân Miến Điện thả hai quả bom xuống làng Pazigyi, thị trấn Kanbalu, vùng Sagaing ngày 11/4/2023, làm 160 người thiệt mạng, trong đó có gần 40 trẻ em nhưng chỉ có 59 hài cốt là được nhận diện.

    Nếu như cuộc oanh kích này chỉ là một trong số các ví dụ về tội ác có thể xảy ra từ chính quyền Miến Điện quân sự chống lại thường dân, thì đây còn là một ví dụ khác cho thấy làm thế nào chính quyền Miến Điện vẫn tiếp tục có vũ khí để thực hiện hành vi tàn bạo, bất chấp các lệnh cấm vận.

    Cuộc điều tra của Hội đồng Nhân quyền chỉ rõ cả một mạng lưới quốc tế, bất kể là các thực thể Nhà nước hay tư nhân, đã tham gia cung cấp vũ khí, công cụ, máy móc, thiết bị và nguyên liệu thô cho quân đội và các nhà sản xuất vũ khí trong nước.

    Tính từ khi cuộc đảo chính xảy ra hồi tháng 2/2021, Miến Điện đã chi ra gần một tỷ đô la cho những hoạt động nhập khẩu trên từ nhiều nước, lần lượt theo thứ tự là Nga, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và Thái Lan.

    Nghiên cứu của báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc cho thấy một sự đa dạng và số lượng hàng hóa cung cấp đáng kinh ngạc cho quân đội Miến Điện : Từ việc chuyển giao máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng tấn công, drone trinh sát và tấn công, hệ thống tên lửa tân tiến, nâng cấp xe tăng, thiết bị vô truyến, liên lạc, tổ hợp ra-đa, linh kiện thiết bị cho tầu chiến hải quân cho đến các loại máy móc, công cụ cũng như là nhiều loại nguyên loại thô khác cho sản xuất vũ khí.

    Trung Quốc và chiến lược « cây gậy và củ cà rốt » với Đài Loan

    Tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục gia tăng « uy hiếp tinh thần »người dân hòn đảo. Ngày 18/09/2023, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện 103 chiến đấu cơ Trung Quốc bay quanh đảo trong vòng 24 giờ. Một ngày sau đó, quân đội Trung Quốc điều tiếp hơn 50 chiếc máy bay quân sự đến quấy rối.   

    Trả lời phỏng vấn đài RFI, chuyên gia về Trung Quốc Philippe Béja, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI), trước hết lưu ý, chiến dịch xâm nhập không phận Đài Loan này diễn ra vào thời điểm Liên Hiệp Quốc có kỳ họp Đại Hội Đồng thường niên và văn phòng đại diện của Đài Bắc ở New York sẽ có những hoạt động với các tổ chức thân Đài Loan. Động thái này của Bắc Kinh là nhằm nhắc nhở rằng Trung Quốc là đại diện chính và nhất là Đài Loan không nên có một chỗ ở định chế quốc tế.  

    Điểm thứ hai ông Beja muốn nhấn mạnh thêm là Đài Loan đang trong giai đoạn chuẩn bị bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng Giêng năm 2024. Các thăm dò hiện cho thấy ứng viên Lại Thanh Đức (William Lai) thuộc đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn hiện chiếm ưu thế.   

    Nhưng hành động can thiệp này của Bắc Kinh luôn diễn ra trước mỗi cuộc bầu cử có nguy cơ bị phản đòn. Nhà Trung Quốc học giải thích tiếp : 

    « Ý tưởng lúc này là cùng lúc đưa ra "củ cà rốt và cây gậy ". Củ cà rốt chính là đề nghị mở rộng cửa thành phố Phúc Kiến tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ Đài Loan đến kiếm việc làm ở Trung Quốc. Nhưng vào lúc này, có rất ít người trong giới trẻ Đài Loan muốn sang làm việc tại Trung Quốc. Ai cũng biết rằng điều đó là cực kỳ phức tạp, đặc biệt là với đạo luật chống gián điệp. »  

    Thượng Karabakh : Có « thiên thời », Azerbaijan tiến quân  

    Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan xung quanh vùng Thượng Karabakh lại bùng phát. Ngày 20/9/2023, chính quyền Baku thông báo mở chiến dịch « chống khủng bố ». Sau 24 giờ giao tranh dữ dội, lực lượng người gốc Armenia ly khai ở Thượng Karabakh chấp nhận buông vũ khí đầu hàng và đàm phán để sáp nhập vào lãnh thổ Azerbaijan.  

    Trên làn sóng RFI, Thorniké Gordadzé, cựu đại sứ Gruzia về quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, hiện là giảng viên trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, trước hết giải thích, nếu như nguồn cội căng thẳng đã có từ cổ xưa, thì đây còn là hệ quả của chính sách « chia để trị » từ thời Xô Viết, khi cho hình thành một « ốc đảo » sắc tộc Armenia trong lòng lãnh thổ Azerbaijan, nhằm phòng ngừa trường hợp cả hai nước Armenia và Azerbaijan tuyên bố độc lập.  

    Vì sao xung đột lại bùng lên lúc này ? Cựu đại sứ Gruzia cho rằng Azerbaijan đã tận dụng được cơ hội « thiên thời ».Nhiều yếu tố để giải thích cho đợt tấn công mới này của Azerbaijan:

    « Trước hết là sự vắng mặt của Nga, và nhất là tầm ảnh hưởng của Nga ngày càng bị suy giảm trong khu vực. Nga – đồng minh lâu đời của Armenia – giờ phải bận rộn với Ukraina, buộc phải rút một phần lực lượng được triển khai trong vùng, chủ yếu tại Armenia và Thượng Karabakh, để chi viện cho các lực lượng của Nga tại Ukraina.  

    Hơn nữa, còn có việc Nga không hài lòng về đồng minh Armenia và giới lãnh đạo chính trị hiện nay, đặc biệt là thủ tướng Nikol Pashinyan, tìm cách thoát khỏi tầm ảnh hưởng có tính quyết định của Nga đối với đất nước. Ông ấy nỗ lực tìm kiếm nhiều đối tác địa chính trị khác nhằm đa dạng hóa một phần nào các mối quan hệ đối ngoại.   

    Cuối cùng, với việc Liên Hiệp Châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ vùng biển Caspi, Azerbaijan giờ trở thành một tác nhân quan trọng cho châu Âu. Tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy Azerbaijan tiến quân. »  

    Căng thẳng Ấn Độ – Canada : Hoa Kỳ trong thế khó  

    Quan hệ giữa Canada và Ấn Độ bỗng trở nên căng thẳng sau khi Ottawa cáo buộc chính quyền thủ tướng Modi dính líu đến vụ ám sát một nhà đấu tranh đòi ly khai người Sikh lưu vong tại Canada. Tuy nhiên, mối hiềm khích này giữa hai nước đặt Hoa Kỳ trong thế lưỡng nan, giữa một bên là nước láng giềng và bên kia là một đồng minh lâu đời, một ông khổng lồ mà Washington đang ve vãn.  

    Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin giải thích :  

    « Đây là một tình thế mà chính quyền Biden dường như rất muốn không biết đến. Căng thẳng bùng phát đột ngột giữa Canada và Ấn Độ không tạo thuận lợi cho các kế hoạch của Mỹ. Từ nhiều tháng nay, nhất là để chống đối thủ Trung Quốc, Hoa Kỳ đã xích lại gần hơn với Ấn Độ, thậm chí nhắm mắt làm ngơ trước cách thực hiện dân chủ của thủ tướng Ấn Độ mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở trong nước.  

    Ông Narendra Modi đã được Washington tiếp đón trong chuyến thăm cấp Nhà nước hồi tháng 6/2023. Thủ tướng Ấn Độ cũng có cử chỉ lịch sự đối với tổng thống Mỹ trong khuôn khổ cuộc họp nhóm G20 tổ chức ở New Delhi cách nay vài ngày.  

    Tuy nhiên, Canada vẫn là láng giềng trực tiếp và là đồng minh lâu đời, thân cận của Mỹ. Chính vì thế mà chính quyền Biden phải cân nhắc câu chữ. Phát ngôn viên truyền thông chiến lược của John Kirby giải thích rằng mối quan hệ với Ấn Độ có một tầm quan trọng thiết yếu không những cho vùng Nam Á, mà cả cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.  

    Dù vậy, ông cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những cáo buộc từ Canada, và nhấn mạnh cuộc điều tra phải được hoàn tất. Một tuyên bố đủ chừng mực để mà bà trợ lý của phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia sau đó đăng một thông cáo nói rằng việc nhắm mục tiêu vào những nhà bất đồng chính kiến sinh sống trên những quốc gia khác là điều khó thể chấp nhận. »    

    Iran – Mỹ : Trao đổi tù nhân, mở đường cho việc nối lại đối thoại ?  

    Ngày 18/09/2023, Hoa Kỳ và Iran tiến hành trao đổi tù nhân sau hai năm đàm phán thông qua trung gian Qatar. Đồng thời, khoảng sáu tỷ đô la của Teheran bị phong tỏa ở nhiều nước đã được chuyển trao cho Iran.   

    Trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, chuyên gia về Iran Thierry Coville, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược – IRIS, trước hết nhận định, « đây là một thỏa thuận không chính thức, và thỏa thuận này thực sự có liên quan đến việc giải tỏa các khoản tiền của Iran bị Hoa Kỳ phong tỏa. Đổi lại, Teheran hạn chế phát triển chương trình hạt nhân và phóng thích các tù nhân Mỹ. »  

    Nhưng cùng lúc, tổng thống Mỹ ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran. Theo chuyên gia về Iran, động thái này của ông Biden là nhằm đáp trả các chỉ trích, phần lớn từ đảng Cộng Hòa, cho rằng tổng thống đã nhượng bộ, tỏ ra yếu thế trước Iran. Liệu rằng cuộc trao đổi tù nhân lần này có sẽ mở đường nối lại đối thoại giữa Iran và phương Tây như nhiều quan sát dự đoán hay không ?  

    Về điểm này, ông Thierry Coville nhận định như sau : « Điều đó trước hết phải bắt đầu từ Hoa Kỳ. Đây là bước đầu tiên. Văn bản không chính thức này là một thỏa thuận quan trọng. Liệu Hoa Kỳ có sẽ trở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015 hay không ? Chính vì thế mà có một thỏa thuận không chính thức. Chính phủ tổng thống Joe Biden nghĩ rằng khó thể thực hiện điều này trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. » 

    Pháp chọn phim của Trần Anh Hùng để tranh giải Oscar

    Chọn « Niềm đam mê của Dodin – Bouffant » của Trần Anh Hùng thay cho« Anatomy of a Fall » của Justine Triet để tranh giải Oscar 2024, quyết định này của ủy ban tập hợp các nhà sản xuất, đạo diễn và các nhà kinh doanh điện ảnh đang làm dấy lên những tranh cãi trên mạng xã hội Pháp những ngày gần đây.

    Với giải thưởng đạo diễn hay nhất tại Liên Hoan Phim Cannes 2023, nhà làm phim Trần Anh Hùng tôn vinh ẩm thực Pháp và mối quan hệ tình cảm giữa một người sành ăn, Dodin do diễn viên Benoit Maginel thủ vai, và cô đầu bếp của anh là Eugénie qua vai diễn của Juliette Binoche.

    Bối cảnh là nước Pháp tư sản năm 1885, tràn ngập trong một ánh sàng vàng, bộ phim Niềm đam mê của Dodin – Bouffant đã tái hiện quá trình chuẩn bị các món ăn cầu kỳ như thể trong thời gian thực.

    Có lẽ chính nhờ cách dàn dựng cổ điển, thậm chí là hàn lâm, mà đạo diễn Trần Anh Hùng đã khiến các nhà phê bình khó tính nhất phải chùn bước và từng được đông đảo giới chuyên môn điện ảnh Mỹ đánh giá cao tại Liên Hoan Phim Cannes tháng 5/2022. Theo RFI, điều này giải thích vì sao ủy ban Pháp lại ưu tiên chọn bộ phim này hơn là « Anatomy of a Fall » của Justine Triet, được trao  giải Cành Cọ Vàng 2023.

    Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc, phải chăng phim của Justine Triet bị« lật đổ »vì những phát biểu gay gắt về chính sách của chính phủ ? Khi nhận Cành Cọ Vàng, nhà làm phim đã tố cáo hiện tượng thương mại hóa văn hóa và điều đó đã gây ra một cuộc tranh cãi chính trị.

    Sat, 23 Sep 2023
  • 71 - Hội thảo ‘‘Phụ nữ Việt Nam…’’ ở Paris: ‘‘Nghe nhau, hiểu nhau để thương nhau’’

    Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam: Sáng tạo và Dấn thân’’ (*) là nội dung cuối cùng, khép lại loạt bài giảng đầu năm 2023 của giáo sư Bùi Trân Phượng (''professeur sur chaire annuelle'') tại Collège de France, cơ sở học thuật lâu đời của nước Pháp, nổi tiếng là một không gian khoa học tự do. Tiếp theo giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, giáo sư sử học Bùi Trân Phượng là người Việt thứ hai được mời giảng dạy tại đây. Hội thảo ngày 08/06/2023 vừa qua đem lại những gì mới mẻ ?

    Hội thảo giới thiệu với công chúng hơn mười gương mặt phụ nữ người Việt thuộc nhiều thế hệ, tiêu biểu cho các cách tân trong hàng loạt lĩnh vực, từ khoa học công nghệ đến khoa học xã hội, từ văn chương, nghệ thuật, đến hoạt động xã hội, giáo dục, truyền thông, doanh nghiệp. Cao tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng sinh năm 1929, nhỏ nhất là cô Trần Trà My sinh năm 1986.

    Lịch sử của ‘‘muôn dân, trăm họ’’

    Sự tham gia của những người phụ nữ nói trên có ý nghĩa gì trong loạt bài giảng ‘‘Femmes vietnamiennes : Pouvoirs, cultures et identités plurielles’’ (Phụ nữ Việt Nam : Quyền năng, Văn hoá và đa bản sắc) của giáo sư Bùi Trân Phượng tại Collège de France? Trả lời RFI Việt ngữ, nữ giáo sư sử học nhận định: ‘‘Lịch sử trong thời gian dài là ‘‘chính sử’’. Có nghĩa là do những người chuyên trách làm việc đó, và họ có đặc quyền để làm việc đó.Tất nhiên cũng nên hiểu rằng những người viết sử bao giờ họ cũng hướng đến một sự trung thực, chứ không phải không có đâu, kể cả trong thời vua chúa. Nhưng dù có hướng đến đâu chăng nữa, đó cũng là nhãn quan của người viết sử. Còn người làm ra lịch sử là muôn dân, là trăm họ, là người dân bình thường. Vậy thì làm sao để chúng ta tiếp cận được cái lịch sử thiệt của cái muôn dân trăm họ đó’’.

    Những người vượt ‘‘lối mòn’’

    Các phụ nữ của ‘‘muôn dân’’, ‘‘trăm họ’’, như diễn dạt của giáo sư Bùi Trân Phượng, tham dự hội thảo này có điểm chung : họ đều là những người vượt qua những lối mòn. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả cuốn tự thuật ‘‘Áo Dài…’’ bằng tiếng Pháp, với phiên bản tiếng Việt ‘‘Gánh gánh ...gồng gồng...’’, được ví như ‘‘một pho sử về phụ nữ Việt thu nhỏ’’. Người chế tạo thuốc nổ, phóng viên chiến trường trở thành bà đỡ của nhiều tài năng hội họa Việt Nam. Bà Trần Tố Nga, cũng từng là một phóng viên chiến trường, tranh đấu không mệt mỏi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Cô Nguyễn Thục Quyên, quê Đắk Lắk, thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ, được coi là một trong những nhà khoa học gốc Việt có ảnh hưởng nhất thế giới. Trước khi rời Việt Nam năm 1990, cô Quyên đã gần như không có cơ hội đi lên, bởi có người cha làm việc cho quân đội chế độ cũ. Chị Phan Thúy Hà, có cha là quân nhân miền Bắc, ngược lại gần như không biết gì về cuộc chiến Việt Nam. Nhưng Hà đã dành toàn bộ nhiều năm thanh xuân để viết về những hậu quả thảm khốc của chiến tranh hàng chục năm sau, đối với những người lính và thân nhân, cả hai bên chiến tuyến.

    Vượt qua những giới hạn thể chất tưởng như không thể là Trần Trà My. Chân bị liệt, tay chỉ dùng được một ngón, miệng khó thốt thành lời, người được mệnh danh ‘‘Thiên thần 6 chân’’ này là tác giả của nhiều cuốn sách về tình yêu, về lòng ‘‘tử tế’’, truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người, trong đó có các tù nhân. Lòng tử tế cũng là điều mà cô Huyền Tôn Nữ Cát Tường chăm chút, xuyên qua hành động bền bỉ, hỗ trợ nhiều mặt cho hơn nghìn sinh viên Việt Nam trong suốt 10 năm qua.

    Khoa học về xã hội có hai khách mời, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), được ghi nhận là người có đóng góp hàng đầu trong nghiên cứu, can thiệp hỗ trợ đối với các cộng đồng xã hội dễ bị tổn thương, như người khuyết tật, cộng đồng LGBT, người sử dụng ma túy, người nhiễm HIV... Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư, nguyên trưởng khoa Phụ nữ học, Đại học Mở, Thành phố HCM, một trong những người lập nền móng cho nghiên cứu và giảng dạy về phụ nữ và giới ở Việt Nam. Nhà báo Vũ Kim Hạnh mang lại một tấm gương vượt lối mòn khác. Nữ nhà báo, 72 tuổi, được mệnh danh là ‘‘Mẹ đỡ đầu’’ của nhiều thương hiệu Việt. Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao mà bà sáng lập, xuất phát từ báo “Sài Gòn Tiếp Thị”, được coi là một trong khoảng mươi hiệp hội doanh nghiệp có tiếng nói hàng đầu tại Việt Nam.

    Lịch sử ‘‘nhìn từ dưới lên’’….

    Cụ thể thì các vị nữ khách mời của hội thảo có thể mang lại những điều gì cho công chúng ? Giáo sư Bùi Trân Phượng giải thích: ‘‘Chính vì phụ nữ không có mặt trong chính sử, vậy tìm phụ nữ ở đâu ? Thì phải tìm từ nhiều người rất là đa dạng, tức là từ những cuộc đời cá nhân, từ những chuyện nhỏ của từng con người bình thường. Trong Hội thảo mình có nhấn mạnh cách tiếp cận đó. Tức là trong đó có những người hoàn toàn có thể nói về cái công trình nghiên cứu khoa học của họ, nhưng mình không yêu cầu họ nói về cái đó. Mà nói về chính bản thân họ, về trải nghiệm của họ, về cuộc đời của họ. Cái quá trình thay đổi nhận thức của họ, về vấn đề phụ nữ. Đó là cái mình gọi là cách tiếp cận từ bên dưới’’.

    Trong số các trải nghiệm cuộc đời, bài trình bày của tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học ngoại thương, mang lại một bức tranh hiếm có về tình cảnh và nhân cách người phụ nữ miền bắc Việt Nam xuyên qua nhiều thời kỳ lịch sử đương đại. Trưởng thành trong một gia đình với nền giáo dục hỗn hợp Nga – Pháp, chị Nguyễn Hoàng Ánh khi còn trẻ từng sống trong xung đột giữa nhiều hệ chuẩn mực. Tuyên bố bình quyền của chế độ mới tương phản với thực tế còn nặng kỳ thị giới tính. Những áp chế theo truyền thống “Tam tòng, Tứ đức” của Nho giáo với nữ giới tương phản với vai trò trên thực tế thường là trụ cột của người phụ nữ trong gia đình.

    ''Đảm đang’’ là nô lệ truyền thống hay là động lực dấn thân ?

    Chị Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ: ‘‘Bài trình bày ở đây là một câu chuyện ba thế hệ phụ nữ trong gia đình chúng tôi. Những gì mà bản thân tôi trải qua, và bằng những gì mà tôi bắt đầu tìm hiểu được từ những người phụ nữ trong gia đình chúng tôi. Vai trò của người phụ nữ Việt Nam rất hiếm người được sử sách ghi tên. Nhưng thực tế mà nói đằng sau sự im lặng đó là một hồn cốt… Sau khi đã nghiên cứu được về ba thế hệ, tôi phát hiện ra được có một điểm nổi bật đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, đó là lòng yêu thương gia đình và một sự cam kết rất lớn đối với trách nhiệm của họ. Cái đấy gần như là mỗi người sinh ra đã có sẵn nó trong huyết quản của mình, như là những người bà của tôi. Mặc dù là có thể nói rơi vào những hoàn cảnh hôn nhân rồi cuộc sống vô cùng ngang trái. Nhưng mà mọi người có một kim chỉ nam, tức là lúc nào cũng vì chồng, vì con, vì xã hội. Và sự nhân ái đó đã cứu họ vượt qua những cái trở ngại của cuộc đời, giúp cho gia đình được đứng vững, được kết nối với nhau sau rất nhiều biến cố’’.

    Tinh thần vì gia đình của người phụ nữ Việt Nam là chủ đề trung tâm của hội thảo. Khái niệm ‘‘đảm đang’’ là nội dung chính trong phần dẫn nhập. Theo dòng lịch sử thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, nhà sử học Bùi Trân Phượng dõi theo những biến đổi trong cách hiểu về ''đảm đang'' (có thể được hiểu theo nghĩa sau đây : đảm 擔 là gánh vác - đang/đương 當 là đối mặt, chịu trách nhiệm, cũng là gánh vác). Với bà, ‘‘đảm đang’’ - vốn chuyển tải một truyền thống lâu đời quý báu của phụ nữ Việt Nam, có thể tính bằng nhiều thiên niên kỷ - đã bị một bộ phận khá đông đảo giới trẻ hiện nay ‘‘ngoảnh mặt’’ bởi nhiều lý do. Do chính sách biến ‘‘đảm đang’’ thành một công cụ phục vụ cho tuyên truyền trước đây, do xu thế đặt cá nhân lên trên hết hiện nay, cũng như việc thiếu hụt hiểu biết về phẩm tính này.

    Tự do Hôn nhân: Quyết định khó khăn

    Người phụ nữ ‘‘đảm đang’’ tạo nên hồn cốt gia đình, với tình yêu thương, nhưng khi không có tình yêu thương, khi hôn nhân bị ép buộc, thì sao? Tự do hôn nhân là điều không dễ đạt được. Chị Khuất Thu Hồng cho biết phải mất hai thập niên chị mới đi đến được quyết định. Cuộc ly hôn chỉ diễn ra sau khi chị xây dựng được một công việc mới, và tìm được người bạn đời mới:

    ‘‘Tôi hay nói đùa với bạn bè của mình rằng là trong cuộc đời của mình đã trải qua ba cuộc ly hôn. Lần thứ nhất tôi ly hôn với Nhà nước. Lần thứ hai với ''siêu Nhà nước'', tức với Liên Hiệp Quốc. Lần thứ ba là ly hôn với cha của các con mình. Cả ba cuộc ly hôn đều không dễ dàng, nhưng tôi đã không bao giờ hối tiếc. Giờ đây tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng hiện tại vốn là đồng nghiệp, và là bạn tôi. Anh ấy đã cùng tôi xây dựng ISDS, và đồng hành cùng tôi đối mặt với các thách thức, khó khăn trong 20 năm qua… Tôi đã có thể bình yên sống cuộc đời một phụ nữ tuân thủ những giá trị truyền thống, nhưng tôi đã lựa chọn một cuộc sống khác''.

    Ly dị cho phép giải phóng phụ nữ khỏi hôn nhân cưỡng bức là điều ngày càng được xã hội ủng hộ, theo giáo sư Trân Phượng. Tuy nhiên, xã hội đương đại Việt Nam đang biến đổi mạnh mẽ và nhanh chóng. Giới trẻ hiện nay, nhìn chung có nhiều tự do hơn, được hưởng nền giáo dục cởi mở hơn, có nhiều khả năng lựa chọn hơn trước, đang đứng trước một thách thức rất mới: khả năng chung sống với người khác, hành động vì cộng đồng.

    Nạn ‘‘đứt gãy ký ức’’ và thách thức của thời đại

    Nhiều khủng hoảng của giới trẻ đương đại không thể quy cho những gánh nặng của quá khứ, của truyền thống Khổng giáo trọng nam khinh nữ nghìn năm. Nhà sử học Bùi Trân Phượng cảnh báo nguy cơ, để biện minh cho việc thoái thác trách nhiệm, thổi phồng áp lực của truyền thống bảo thủ, đổ lỗi hoàn toàn cho truyền thống, coi đây là những yếu tố bất biến. Hệ quả là những gì tích cực trong các truyền thống phụ nữ Việt Nam bị lu mờ.

    Trong buổi Hội thảo cuối cùng, cũng như xuyên suốt trong loạt bài giảng tại Collège de France, một trong những điều giáo sư Bùi Trân Phượng lo ngại nhất cho giới trẻ đương đại là đã có ‘‘vô vàn đứt gẫy trong ký ức tập thể’’. Giới trẻ hiện nay không biết đến nhiều điều căn bản, bởi họ ‘‘không được truyền dạy’’. Hai mảng đứt gãy căn bản được giáo sư Bùi Trân Phượng nhấn mạnh là giai đoạn đặt nền móng cho nữ quyền Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc, với các tên tuổi lớn như Phan Bội Châu, Đạm Phương Nữ Sử, Nguyễn Thị Kiêm (1). Và thứ hai là truyền thống nữ quyền trong xã hội Việt Nam tiền hiện đại bắt rễ sâu trong ‘‘cơ tầng văn hoá Đông Nam Á’’, tồn tại bền bỉ bất chấp những áp lực Hán hóa. Thách thức căn bản hơn cả đối với phụ nữ Việt Nam đương đại nói riêng và giới trẻ nói chung hiện nay là ‘‘làm thế nào trở thành chính mình, trong lúc sống hài hòa với người khác’’, ‘‘điều quý giá nhất’’ mà các truyền thống tích cực để lại cho xã hội Việt Nam.

    Đối với nhà nghiên cứu, nhà giáo Bùi Trân Phượng, đây cũng chính là phương thuốc chủ yếu để đối trị lại tình trạng đoàn kết gia đình, đoàn kết xã hội suy giảm mạnh trong bối cảnh ‘‘Chế độ toàn trị’’ (totalitarisme) làm trầm trọng thêm quan hệ đẳng cấp phụ hệ truyền thống’’, và ‘‘những tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản hoang dã, nền kinh tế thị trường không được điều chỉnh đủ mức, dẫn đến hình thành một liên minh giữa quyền lực chính trị và thế lực kim tài dẫn đến sự hình thành các lực lượng hắc ám có mặt phổ biến, với bạo lực không thể kiểm soát ở mọi cấp độ, kể cả trong y tế và giáo dục’’.  

    Mẹ đơn thân lấy ‘‘gieo hạt giống’’ làm lẽ sống

    Bài chia sẻ khép lại hội thảo của chị Huyền Tôn Nữ Cát Tường, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận VietSeeds Foundation, thuật lại quá trình nhận thức, và những động lực đã khiến Cát Tường sớm từ bỏ công việc không ý nghĩa để dồn tâm lực cho Quỹ hỗ trợ học bổng và đồng hành với học sinh nghèo với tôn chỉ ‘‘Gieo một hạt giống để thay đổi một cuộc đời và dần dần chuyển hóa một xã hội’’. Cát Tường coi VietSeeds như gia đình thứ hai. Lịch sử tăng tốc. Nhiều phụ nữ đầu thế kỷ 21 đã sớm tìm được một công việc phù hợp, và một cuộc sống gia đình phù hợp. Khác hẳn với nhiều người phụ nữ thế hệ trước, Huyền Tôn Nữ Cát Tường đã chọn cuộc sống mẹ đơn thân ‘‘ngay từ khi con còn ẵm ngửa’’.

    Điều gì đã dẫn đến sự quyết đoán và nỗ lực dấn thân quyết liệt như vậy? Với Cát Tường, trước hết chính là ‘‘lòng biết ơn’’ và nền giáo dục cô được thừa hưởng từ gia đình. Cát Tường biết ơn những hỗ trợ ‘‘từ bạn bè, sếp, đồng nghiệp lẫn đối tác và cả những người xa lạ’’. Cát Tường biết ơn rất nhiều cha mẹ, người đã cho cô tình yêu thương và một nền giáo dục công bằng, ‘‘mẹ luôn hiện diện như một nữ tướng xông pha ngoài tiền tuyến và ba là một hậu phương vững chắc’’, một điều có lẽ khác với đa số gia đình Việt Nam. Cát Tường muốn trả ơn đời, cô tâm nguyện ‘‘gieo trồng những hạt giống tử tế’’, với hy vọng ‘‘hơn 700 sinh viên tốt nghiệp ra trường với hỗ trợ của VietSeeds sẽ tiếp tục nhân rộng sự tử tế''. ‘‘Lòng trắc ẩn’’ trước những đau thương, bất hạnh của người khác và ‘‘niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi ngày một tốt đẹp hơn’’ là động lực hàng ngày của cô trong suốt 13 năm qua. Cái nhìn ‘‘Chánh niệm’’ (mindfulness), theo lời kể của cô, cũng là một bí quyết giúp Cát Tường duy trì được khả năng phục hồi, bền bỉ.   

    ‘‘Lòng tử tế’’ có biên giới không ?

    ‘‘Lòng tử tế’’ có biên giới hay không là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo này. Một phát biểu rất ngắn nhưng gây bất ngờ là của ‘‘Thiên thần 6 chân’’ Trần Trà My, dành cho nhà văn Phan Thuý Hà: Chị có lo khi chạm đến những chuyện ‘‘nhạy cảm’’ về chính trị? Nhà văn khuyết tật ''viết chỉ bằng một ngón tay'' Trần Trà My, tác giả của ‘‘Tin vào những điều tử tế’’’, sống tại TP HCM, là người đã vượt qua rất nhiều định kiến, chuyển tải cảnh đời - tiếng nói của nhiều cư dân bên lề xã hội. Dường như duy chỉ có một điều cô chưa vươn đến: Phía ‘‘bên kia’’. Trả lời chúng tôi bên lề hội thảo, cô chia sẻ... những con chữ khó nhọc hiện ra: ‘‘Em đã từng đọc cuốn ‘‘Cha tôi là lính’’' và em vô cùng ấn tượng, vì đây là một đề tài nhạy cảm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến người viết, khi dám viết về sự thật về phía ‘‘bên kia’’.

    ‘‘Cha tôi là lính’’, theo trí nhớ của Trà My, đúng hơn là cuốn ‘‘Tôi là con gái của cha tôi’’, xuất bản tại Hà Nội năm 2019. Cuốn sách có nhân vật trung tâm là những cựu chiến binh chế độ Việt Nam Cộng Hòa cùng thân nhân. Đa số là những thương binh, nhiều người gần như hoàn toàn tàn phế. Phan Thúy Hà đã đến với họ như những người thân của cha mình, một người lính Bắc. ‘‘Tôi là con gái của cha tôi’’ nói riêng, và các tác phẩm của Phan Thúy Hà nói chung, ‘‘đã viết nên một cuốn sử chiến tranh bằng những phận người trong cuộc chiến và sau cuộc chiến từ cả hai bên mà hợp chung lại là phận người Việt đau thương. Một cuốn sử vết thương’’, nói như nhà văn Phạm Xuân Nguyên.

    Hậu duệ của ‘‘Bà Triệu’’, ‘‘Thúy Kiều’’

    Bà Triệu và Thúy Kiều, hai hình tượng phụ nữ nổi bật trong lịch sử Việt Nam, được nhấn mạnh trong cuộc hội thảo ở Collège de France. Tinh thần bất khuất của người nữ anh hùng chống giặc phương Bắc thế kỷ thứ 3, với câu nói bất hủ ‘‘tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô ra ngoài bờ cõi, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp nhà người’’, được nhắc đến ngay trong phần dẫn nhập hội thảo.

    Irene Öhler, tác giả cuốn ‘‘Những người con gái thế kỷ 21 của bà Triệu'’ (‘‘Ba Trieu's 21st Century Daughters’’) (2016), tập hợp các tấm gương phụ nữ Việt Nam xuất sắc đương đại, diễn giả nước ngoài duy nhất. Mặt khác, nhà hoạt động xã hội người Áo này chỉ ra phụ nữ Việt Nam cũng là nạn nhân phổ biến của tình trạng bạo lực gia đình (63%), và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng, với tỉ lệ nam nữ 112/100, do tác động của quan điểm trọng nam khinh nữ, là một chỉ dấu nguy hiểm. Điều có lẽ là một khoảng thiếu vắng trong hội thảo toàn diện về phụ nữ Việt Nam đương đại này là không có nhiều thời gian cho tiếng nói của những Thúy Kiều thời hiện đại phải ‘‘bán mình’’ vì gia đình, hay từ phía những người bảo vệ họ. Vấn đề đã từng được nhắc gợi trong bài giảng cuối cùng của giáo sư Bùi Trân Phượng, khi bà dành nhiều thời gian để phân tích về giá trị của tình yêu trong ca dao tục ngữ Việt Nam, về tình yêu và sự xả thân vì gia đình của nàng Kiều trong truyện thơ Nguyễn Du.

    Huyền sử ‘‘Tiên Rồng’’ và giảng đường Budé: Nơi lịch sử ''đang diễn ra''

    Ngày 08/06/2023, ở trường Collège de France, bên trong chính giảng đường mang tên người có sáng kiến lập ra cơ sở học thuật đặc biệt này - nhà bác học Pháp Guillaume Budé (1467 - 1540) - đã diễn ra Hội thảo ‘‘Phụ nữ Việt Nam sáng tạo và dấn thân’’. Đúng như truyền thống nhiều thế kỷ của nhà trường, chú trọng đến việc giới thiệu về ‘‘các nghiên cứu đang diễn ra’’, Hội thảo này là một cuộc trao đổi quan điểm giữa những nhân chứng sống, chủ thể của lịch sử đương đại, ‘‘lịch sử đang diễn ra’’. Vì sao cuộc đối thoại này lại là điều quan trọng? Nhà sử học Bùi Trân Phượng giải thích:

    ‘‘Càng nghiên cứu sâu, tôi càng thấy sự đa dạng của những cảnh đời, kiếp người, của người Việt Nam, do những xáo trộn lớn của thế kỷ 20 vừa qua. Người Việt Nam bị ném khắp bốn phương trời. Mà ngay cả ở trong nước họ cũng có những số phận rất khác biệt nhau. Thành ra là tạo điều kiện cho những cái khác biệt nhau đó gặp gỡ, đối thoại, giao lưu, thì họ sẽ hiểu nhau hơn, và khi nào người ta hiểu, thì mới thương được. Và mới làm được cái điều mà mình vẫn nói cửa miệng, nhưng mình không làm được. Nếu thực sự là nòi giống Tiên Rồng (2) đó, thực sự coi nhau là đồng bào ruột thịt, thì phải hiểu nhau. Mà muốn hiểu nhau thì phải nghe nhau…Nhìn lại truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, mình thấy đó là một sự vô cùng khoan dung, thừa nhận một thực tế vốn có với tất cả nhân loại. Cộng đồng nào trên thế giới cũng là thành quả của một sự ''métissage'' hết (sự lai tạp, hỗn dung của nhiều ảnh hưởng khác nhau). Mình không biết có một dân tộc khác nào mà ghi khắc vào truyền thuyết sinh thành của mình cái chuyện là, hai truyền thống rất khác biệt, thậm chí đối lập nhau, nhưng bây giờ coi nhau như là cùng một tử cung người mẹ sinh ra. Cái đó đẹp biết chừng nào ! Đó là sức mạnh sáng tạo, tạo ra giá trị mới, bảo đảm sự sinh tồn của dân tộc’’.

    Để kết hợp những gì đối lập rất cần sự bao dung. Cuộc hội thảo nói riêng và loạt bài giảng của giáo sư Bùi Trân Phượng nói chung dường như là dịp thể nghiệm cho một hướng ứng xử bao dung triệt để như vậy. Để làm dịu những đối kháng, đau thương vẫn chưa dứt nhiều thập niên sau chiến tranh, để mở lòng cho những cách nhìn khác, cách nghĩ khác : ‘‘Nghe nhau, hiểu nhau để thương nhau’’.

    GHI CHÚ

    Quý vị có thể tham khảo thêm về Hội thảo ''Phụ nữ Việt Nam: Sáng tạo và Dấn thân'' trên trang nhà tiếng Pháp của Collège de France :https://www.college-de-france.fr/fr/agenda/colloque/femmes-vietnamiennes-creativite-et-engagement

    (1) Bài giảng về chủ đề ‘‘Phụ nữ, tính hiện đại và nữ quyền, 1918-1945: Giáo dục, báo chí và nữ quyền’’ của giáo sư Bùi Trân Phượng tại Collège de France tập trung làm sáng tỏ sự trỗi dậy của làn sóng nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam, diễn ra dưới thời thực dân Pháp, trong bối cảnh nữ giới Việt Nam được tiếp cận với nền giáo dục công Pháp-Việt và mạng lưới các trường tư thục và Công giáo. Xuất hiện báo chí hướng đến độc giả nữ (‘‘Nữ giới chung’’, ‘‘Phụ Nữ Tân Văn’’, ‘‘Đàn bà mới’’…). Một thiểu số phụ nữ được đào tạo theo một số ngành nghề mới. Nhiều phụ nữ dấn thân vào hoạt động xã hội, vào nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật mới như văn học quốc ngữ hiện đại, thơ mới, hội họa, kịch nói, cải lương. Người phụ nữ có cơ hội tự đặt câu hỏi về bản sắc nữ giới, về phẩm giá con người, về xã hội hiện đại, về tình hữu ái chị em, tìm kiếm những cách quan hệ mới trong đời sống vợ chồng, trong gia đình.

    (2) Gần đây trong nước có khảo cứu Khai nguyên rồng tiên của nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến (NXB Hội Nhà văn, 2021) được chú ý trong giới chuyên môn (xem Yến Thanh, ‘‘Con rồng cháu tiên - Huyền thoại trăm trứng hay là cộng đồng tưởng tượng của/về một Việt Nam đa tộc người’’, Tạp chí Sông Hương, 9/2021). Trong lịch sử hình thành ý thức dân tộc Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ 20, vấn đề truyền thuyết Tiên Rồng từng gây nhiều tranh luận, phản bác dữ dội (đơn cử loạt bài ba kỳ ‘‘Một đều mê-tín rất hại cho dân-tộc’’ trên tờ báo chính luận Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng (tác giả Ngộ Nhân). Kỳ 1 - Nguyên-lai của thuyết ''Tiên-Rồng'', 12/01/1929, kỳ 2 - Cái lợi-hại của thuyết Tiên-Rồng, 26/01/1929, và kỳ 3 - Phải phá bỏ cái thuyết ''Tiên-Rồng'' 28/01/1929).

    Fri, 22 Sep 2023
  • 70 - Trung Quốc : Mặc trang phục « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án

    Chính phủ Trung Quốc dự định sửa đổi luật an ninh công cộng : những bình luận, những bộ trang phục hay biểu tượng « làm suy yếu » hoặc có thể « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án hình sự. Theo đài France 24, nếu dự luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, những ai vi phạm có thể sẽ bị giam giữ 2 tuần hoặc phải nộp khoản tiền phạt tương đương vài trăm đô la.

    Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc gửi về bài tường trình :

    « Rõ ràng, người dân Trung Quốc rất nhạy cảm và đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn có ý định tấn công bất cứ điều gì có thể « làm tổn thương tình cảm dân tộc ». Dự luật này, hiện đang được đưa lên trang web của Quốc Hội để lấy ý kiến ​​công chúng, đã gây ra rất nhiều phản ứng trên các mạng xã hội.

    Các luật sư đặc biệt lo ngại về nguy cơ « chệch hướng, lạm dụng tùy tiện » do có một số điều mơ hồ. Theo các chuyên gia và bloggeur, dự luật này trên thực tế là nhằm kết tội hình sự bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến điều họ xem là « tình cảm của đất nước » hay « tinh thần dân tộc », những khái niệm vừa mơ hồ vừa mang tính bao quát rất rộng.

    Trên tài khoản Twitter (được Reuters trích dẫn), Tong Zhiwei, chuyên gia luật hiến định tại Đại học Khoa học Chính trị Hoa Đông, đặt câu hỏi : Ai sẽ khẳng định điều gì thuộc về « tinh thần dân tộc Trung Quốc » ? Và theo những thủ tục gì ?

    Năm ngoái, một người phụ nữ Trung Quốc mặc kimono (trang phục truyền thống Nhật Bản), đang đi trên đường thì bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát Trung Quốc, giống như những người làm công tác kiểm duyệt, đôi khi không cập nhật các xu hướng thời trang.

    Cách nay vài ngày, một số người Trung Quốc mặc trang phục nhà Đường bị ngăn vào một công viên ở thành phố Vũ Hán. Những nhân viên bảo vệ ở đó đã nhầm tưởng là những chiếc ô, dù cầm tay và trang phục của những người này là trang phục Nhật Bản, kiểu trang phục có thể xúc phạm tới « tinh thần dân tộc » Trung Quốc ».

    Dự luật được đưa ra « lấy ý dân »đến hết ngày 30/09/2023, nhưng hiện giờ đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ công luận. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, được France 24 trích dẫn, cho biết chỉ trong một tuần, đã có tới 70.000 người đưa ra ý kiến, đa phần là phản đối dự luật. Một số phương tiện truyền thông Nhà nước bảo thủ, thậm chí còn yêu cầu chính phủ giải thích, điều mà nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Marc Lanteigne, tại Na Uy cho là khá hiếm xảy ra tại Trung Quốc.

    Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc lợi dụng những điều mơ hồ để dễ bề kiểm duyệt. Thế nhưng, lần này theoông Ho Ting “Bosco” Hung, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS Verona), việc chính quyền « động chạm » đến trang phục - một khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày - khiến người dân lo sợ rằng, chẳng hạn, mặc những bộ quần áo nhập khẩu từ nước ngoài đến công sở sẽ bị quy tội. Ông Ho Ting “Bosco” Hung, nhắc lại : « Từ những năm 1980 đã có một kiểu thỏa hiệp quốc gia ngầm, theo đó Nhà nước không can thiệp vào cách ăn mặc của người dân ».

    Một luật sư nói đến lực lượng « cảnh sát đạo đức », liên hệ đến những vụ việc đau lòng tại Iran hoặc Afghanistan, liên quan đến những quy định khắc nghiệt về trang phục của phụ nữ Hồi giáo.

    Iran: Một năm tranh đấu vì quyền tự do sống cho phụ nữ, bất chấp  đàn áp của chính quyền 

    Ngày 16/09/2023 là tròn 1 năm ngày cô gái trẻ Masha Amini, 22 tuổi, tử vong sau khi bị « cảnh sát đạo đức » Iran bắt vì cáo buộc không mang khăn trùm đầu không đúng quy định. Cái chết của Amini đã làm rúng động công luận trong nước và quốc tế, đồng thời tạo nên một phong trào đấu tranh phản kháng, không chỉ thu hút phụ nữ và cả nam giới, bất chấp sự đàn áp ngày càng gia tăng của chính quyền. Không chỉ đòi quyền sống, quyền tự do cho phụ nữ, phong trào đấu tranh dân sự còn đòi lật đổ chế độ Hồi giáo Teheran khắc nghiệt đã điều hành đất nước suốt 4 thập niên qua.

    Riêng đối với phục trang của phụ nữ, theo tuần báo Le Point số ra ngày 14/09, ngày càng nhiều người, nhất là các cô gái trẻ thách thức chế độ, bảo vệ quyền tự do sống bằng cách công khai mặc trang phục kiểu phương Tây, áo sơ mi, quần jean, không đeo mạng che mặt, không quấn khăn che tóc … Nguy cơ bị cảnh sát đạo đức bắt bớ là rất cao, nên đối với họ, mỗi lần ra đường trong trang phục như vậy « hoàn toàn là một cuộc tranh đấu ».

    Càng gần đến ngày 16/09, các vụ bắt bớ ngày càng gia tăng, nhất là tháng Bảy vừa qua, Teheran đã khôi phục trở lại lực lượng « cảnh sát đạo đức » để kiểm tra trang phục của phụ nữ và từ tháng Tư, theo đài TF1 của Pháp, cảnh sát Iran đã thông báo dùng trí thông minh nhân tạo (AI) tại nơi công cộng để truy vết những phụ nữ vi phạm quy định phục trang mà chế độ Hồi giáo Teheran áp đặt.

    Trên đài RFI Pháp ngữ, ngày 13/09, ông Mahmood Amiry-Moghaddam, thuộc tổ chức phi chính phủ Iran Human Rights, lo sợ là chế độ Teheran sẽ đàn áp người dân, với nhiều « chiêu bài » mới vi phạm nhân quyền :

    « Trong những tuần gần đây, chính quyền Iran đã tăng cường các hành vi trấn áp. Họ triệu tập và đe dọa các nhà hoạt động xã hội dân sự, cũng như thân nhân của những người đã bị giết hại trong các cuộc biểu tình. Tại Iran, thường có phong tục mọi người tập trung vào dịp một năm sau khi ai đó qua đời. Vì thế, chính quyền muốn tranh việc người dân tập trung và đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đối phó. Quý vị biết đấy, việc chuẩn bị này đã bắt đầu từ cách nay vài tháng. Số vụ hành quyết ngày càng tăng. Đó là công cụ gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội.

    (…) Tính đến thời điểm hiện tại, trong năm 2023, đã có gần 500 người đã bị hành quyết và gần 200 người khác bị xử tử trong những tháng sau khi diễn ra các cuộc biểu tình. Tức là trong vòng một năm, kể từ đầu phong trào phản kháng cho đến nay, khoảng gần 700 người đã bị hành quyết, trung bình 2 người mỗi ngày ».

    Hàng ngàn vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm”

    Sau Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác, nay đến lượt Thụy Sĩ điều tra về nạn bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo. Các học giả, trong một nghiên cứu diện rộng, ghi nhận có khoảng 1.000 nạn nhân bị lạm dụng tình dục tính từ những năm 1950. Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ xem đó là điều « vô cùng đáng sợ và đáng lo ngại ». Các nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Zurich đã được ủy quyền để làm sáng tỏ nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ, họ cho rằng kết quả mới được công bố mới chỉ cho thấy « phần nổi của tảng băng chìm ».

    Từ Geneve, thông tín viên Jérémy Lanche ngày 12/09 gửi về bài tường trình :

    « Các nạn nhân được ghi nhận tại mọi giáo phận trong cả nước, phần lớn là nam giới. 3/4 số trường hợp là trẻ vị thành niên. Báo cáo thậm chí còn đề cập đến những trường hợp trẻ sơ sinh bị lạm dụng. Điều này có thể xảy ra ở bất cứ đâu : tại các buổi xưng tội, các buổi lễ hoặc trong nhiều trường nội trú ở Thụy Sĩ do các giáo sĩ quản lý, nhất là hồi thế kỷ trước.

    Cha Nicolas Betticher, người đã đề nghị Giáo hoàng cho điều tra về những trường hợp đáng ngờ, vui mừng khi thấy sự thật cuối cùng đã được đưa ra ánh sang. Ông nói : « Kể từ khi bức thư tôi gửi Đức Thánh Cha được công bố, tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nạn nhân, họ nói với tôi rằng : « Xin hãy làm điều gì đó, nhưng tôi không đủ sức để nói ra những điều tôi đã phải chịu đựng », tức là họ có một sự mất mất về tinh thần vô cùng lớn ».

    Trong một thời gian rất dài, phản ứng duy nhất của chính quyền là che đậy các vụ linh mục lạm dụng, hoặc chuyển họ đi xa khỏi nơi có nạn nhân, nhất là như điều diễn ra tại Pháp. Cha Nicolas Betticher nhận định : « Dĩ nhiên là ở cấp độ toàn cầu, tất cả các Giáo hội đều đã thất bại. Tại sao ? Bởi vì Giáo hội ở mọi nơi đều có cấu trúc giống nhau. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì quan niệm rằng một giám mục vừa là người cha tinh thần, vừa là thẩm phán tối cao, người chịu trách nhiệm điều hành, đồng thời là người làm ra luật. »

    Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ thừa nhận thất bại trong việc bảo vệ nạn nhân và hứa tiến hành các cải cách. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục điều tra trong khi chờ đợi tư pháp ra phán quyết ».

    Bên lề G20, ra đời một liên minh mới về nhiên liệu sinh học dưới sự dẫn dắt của Ấn Độ

    Bên lề thượng đỉnh G20 ở New Delhi, ngày 09/09/2023, Ấn Độ tuyên bố thành lập một liên minh nhiên liệu sinh học mới nhằm nghiên cứu và thúc đẩy năng lượng được sản xuất từ ​​​​sinh khối. Liên minh mới gồm 19 nước, trong đó có các nước nông nghiệp lớn Brazil, Hoa Kỳ, Achentina và Nam Phi và dĩ nhiên là cả Ấn Độ. Thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học không chỉ là nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu mà còn có ý nghĩa về kinh tế.

    Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis giải thích :

    « Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định là đến năm 2030, sản xuất nhiên liệu sinh học phải tăng gấp ba thì mới đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Hiện tại, chẳng hạn như ở Ấn Độ và Brazil, sản xuất nhiên liệu sinh học là điều chế ethanol từ ​​mía. Tại châu Âu, hầu như toàn bộ nhiên liệu sinh học được sản xuất từ cải dầu (colza).

    Nhưng cũng cần nghiên cứu để phát triển thế hệ nhiên liệu sinh học thứ tư, theo như giải thích của Chandra Bhushan, giám đốc tổ chức tư vấn môi trường iForest ở New Delhi : « Nhiên liệu sinh học hiện nay được sản xuất bằng cách chuyển đổi các sản phẩm nông nghiệp thành ethanol. Thế nhưng, thế hệ nhiên liệu sinh học tiếp theo sẽ không phải là từ nông nghiệp, mà là điều chế từ tảo và vi sinh vật nhờ nguồn năng lượng mặt trời », theo ông cách làm này sẽ cho phép đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Người ta còn gọi đó là nhiên liệu tảo. Ưu điểm của tảo là sống nhờ nước biển và ánh sáng mặt trời, không cần nước ngọt và phân bón.

    Các nhu cầu về nhiên liệu sinh học có lẽ sẽ mở rộng vượt ra bên ngoài lĩnh vực ô tô. Chandra Bhushan, giám đốc tổ chức tư vấn môi trường iForest ở New Delhi, phát biểu : « Nhiên liệu sinh học sẽ có tầm quan trọng trong lĩnh vực hàng không. Trong vòng 20 năm tới đây, trong khi chờ đợi nguồn nhiên liệu hydrogene và ắc quy điện phát triển hơn, tôi nghĩ rằng động cơ máy bay sẽ bắt đầu hoạt động với ethanol ».

    Riêng Hoa Kỳ và Brazil, hai cột trụ sáng lập liên minh nhiên liệu sinh học, sản xuất đến 82% lượng ethanol trên toàn thế giới ». 

    Sat, 16 Sep 2023
  • 69 - Tham nhũng, một vấn đề “mang tính hệ thống” ở Ukraina

    Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, chính quyền Kiev gần đây đã tăng cường chống tham nhũng, thay bộ trưởng Quốc Phòng. Hoa Kỳ có lợi lớn khi tăng cường các mối quan hệ ở Biển Đông. Trung Quốc cấm quan chức sử dụng Iphone. Kênh đào Panama khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa quốc tế. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này. 

    Về tình hình tại Ukraina, một trong những sự kiện đáng chú ý trong tuần này là cuộc thanh trừng trong nội bộ chính phủ Ukraina trong khuôn khổ cuộc chiến chống tham nhũng. Hôm thứ Hai, bộ trưởng Quốc Phòng Oleksi Reznikov đã đệ đơn từ chức lên Quốc Hội Ukraina, một ngày sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo thay thế vị trí này.  

    Trong bối cảnh chiến tranh chống Nga, hình ảnh của ông Reznikov đã bị hoen ố bởi các bê bối về tham nhũng gần đây : “khai khống” mức giá các mặt hàng mà bộ Quốc Phòng mua vào, từ thực phẩm cho đến quân phục.  

    Ngoài ông Reznikov, trong những tháng gần đây, một số quan chức Ukraina cũng chịu chung số phận vì những lý do tương tự. Một nhân vật đáng chú ý khác trong cuộc chiến chống tham nhũng của Ukraina là tỷ phú Ihor Kolomoisky, đã bị tạm giam vì tội lừa đảo, rửa tiền, cho dù ông từng là nhà tài phiệt đứng sau ủng hộ ông Zelensky trong cuộc bầu cử vào năm 2019. Vụ việc cho thấy nhà tỷ phú Ukraina đã dần mất ảnh hưởng và thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của tổng thống Ukraina. Theo ông Florent Parmentier, giảng viên tại đại học Sciences Po của Pháp, việc tổng thống Zelensky ban hành một luật quy tội tham nhũng là tội “phản quốc” cho thấy tham nhũng là một vấn đề mang tính hệ thống tại Ukraina, ngay cả trước chiến tranh. Trang Transparency international xếp Ukraina ở vị trí 116 trên tổng số 180 quốc gia về độ minh bạch. 

    Trả lời RFI Pháp ngữ, nhà nghiên cứu về địa chính trị Florent Parmentier cho rằng hiện tại Ukraina đang ở trong thế khó : “Về đối nội, họ khó tuyển lính mới cho cuộc phản công không dễ dàng chống lại Nga, làm sao có thể giữ vững tinh thần (chiến đấu) trong công luận, đồng thời trong giới tinh hoa chính trị lại có luật chơi riêng. Về phía các đối tác, vốn đang phân vân rằng có lẽ vẫn chưa phải là thời điểm tốt để đàm phán với Nga vì những khó khăn trong cuộc phản công. Nhưng vì vấn nạn tham nhũng, các đối tác của Ukraina có thể cho rằng những khó khăn mà Kiev đang gặp trong cuộc phản công một phần là do nạn tham nhũng. Do vậy chính quyền Ukraina muốn chứng tỏ đã nỗ lực trong cuộc chiến này. Đây cũng điều kiện mà Liên Hiệp Châu Âu đưa ra để Ukraina có thể gia nhập khối và cũng là yêu cầu của Hoa Kỳ, để bảo đảm rằng các viện trợ cho Ukraina được trao vào đúng tay.”  

    Hoa Kỳ có lợi lớn khi tăng cường các mối quan hệ ở Biển Đông

    Trong tuần vừa qua, một trong những sự kiện đáng chú ý tại Châu Á đó là cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tại Jakarta, Indonesia, từ ngày 05-07/09/2023. Sự kiện quy tụ nhiều nhà lãnh đạo của thế giới, không chỉ từ ASEAN, mà còn cả các đối tác của khối, như phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Theo Reuters, vào ngày cuối cùng của thượng đỉnh, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các lãnh đạo thế giới ngừng đối đầu khi gặp nhau tại Jakarta. Hội nghị kéo dài 3 ngày nêu ra những xung đột ở châu Á cùng với lời kêu gọi của nguyên thủ Indonesia kiềm chế, tìm ra giải pháp hòa bình, “nếu không tất cả chúng ta sẽ bị huỷ diệt”, ám chỉ đến cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực. Xung đột ở Miến Điện và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là hai hồ sơ thảo luận chính, nhưng hội nghị đã kết thúc mà không đưa ra bất cứ giải pháp nào. 

    Trong thông cáo sau hội nghị, được AP trích lại, các lãnh đạo ASEAN nhắc lại lời kêu gọi giải quyết xung đột chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời hoan nghênh tiến triển trong các cuộc đàm phán, bị trì hoãn từ lâu, giữa ASEAN và Trung Quốc để đạt được đồng thuận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, tránh xảy ra những xung đột nghiêm trọng. Biển Đông cũng là đấu trường giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn” với đường 10 đoạn, tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông. Hoa Kỳ không đưa ra bất cứ yêu sách nào đối với tuyến đường biển chiến lược này, nhưng lại thường xuyên cử tàu Hải Quân, chiến đấu cơ đến để thách thức các yêu sách của Trung Quốc với lý do bảo vệ “tự do hàng hải”. 

    Có mặt tại Jakarta, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, trả lời AP, đã chỉ trích bản đồ mới của Trung Quốc là “vi phạm luật pháp quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã nói rõ điều này”

    Bà Harris cũng khẳng định Hoa Kỳ có được “lợi ích rất đáng kể” trong việc phát triển và củng cố các mối quan hệ ở khu vực Biển Đông, cả về kinh tế và quân sự. Phó tổng thống Mỹ nói thêm: “Tôi tin rằng Hoa Kỳ có được lợi ích đáng kể, về an ninh cũng như sự thịnh vượng của Hoa Kỳ ngày nay và trong tương lai, từ việc phát triển và củng cố các mối quan hệ này theo nhiều cách khác nhau, cả kể về mặt ngoại giao. Đó là một trong những lý do tại sao tôi đến khu vực này để phát triển, củng cố các mối quan hệ, làm sao để các bên cùng có lợi… Dĩ nhiên, cũng cần phải tăng cường mối quan hệ về quân sự »

    Trung Quốc cấm công chức sử dụng Iphone của Mỹ

    Về tình hình Trung Quốc, hôm thứ Tư vừa qua, nhật báo Mỹ The Wall Street Journal đã đưa tin Bắc Kinh muốn cấm các công chức sử dụng điện thoại Iphone của Apple và các thiết bị có xuất xứ nước ngoài, cấm không được mang đến nơi làm việc. Đây được cho là biện pháp để trả đũa Hoa Kỳ vì những hạn chế công nghệ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc trong thời gian gần đây.  

    Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh : 

    “Lệnh cấm được đưa ra trước khi Apple có thể sẽ cho ra mắt dòng điện thoại Iphone mới nhất vào tuần sau, và sau chuyến thăm của bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Báo The Wall Street Journal, trích dẫn các nguồn thạo tin, cho biết chính quyền đã ra lệnh cho các công chức của các cơ quan chính phủ trung ương không sử dụng điện thoại thông minh của Apple. Nếu có thì phải để điện thoại ở nhà chứ không được mang đến văn phòng.  

    Lệnh cấm này tương tự với lệnh cấm được đưa ra cách nay 2 năm đối với xe điện Tesla. Tương tự, các công chức có xe của hãng Hoa Kỳ được yêu cầu không đỗ xe trong khu vực của chính phủ. Chúng ta đã đề cập đến trên RFI cách nay vài tuần, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan như Viện Bảo tàng Quốc gia đã được “mời” thay máy tính có thương hiệu nước ngoài bằng máy tính sản xuất trong nước. Những yêu cầu này được ra là vì lý do an ninh quốc gia. Chế độ Trung Quốc tỏ ra đề phòng với sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và muốn có quyền kiểm soát đối với dữ liệu. 

    Các nhà phân tích cho rằng đó là cách Bắc Kinh trả đũa Washington. Vào năm 2019, Quốc Hội Mỹ đã cấm các cơ quan nhà nước Hoa Kỳ sử dụng điện thoại và thiết bị của Hoa Vi (Huawei). Trong mọi trường hợp, thông báo này đã khiến các tập đoàn đa quốc gia một lần nữa rùng mình, nhất là các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các phân tích, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường lớn nhất của Apple và là nơi tạo ra một phần năm doanh thu của hãng (tương đương với khoảng 394 tỷ đôla).”   

    Kênh đào Panama khô cạn

    Vào mùa hè năm nay, kênh đào Panama đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Mực nước xuống thấp, những hình ảnh loan tải trên mạng cho thấy hàng chục tàu bị mắc kẹt, xếp hàng dài để chờ đi qua. Là nơi lưu thông của hơn 13 000 tàu thuyền mỗi năm, kênh đào Panama đã bị cơ quan quản lý kênh hạn chế qua lại bởi trong những tháng gần đây do mực nước của kênh quá thấp. Điều này cũng đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa đắt đỏ hơn. Vào hôm thứ Ba, 05/09, cơ quan quản lý đường thủy địa phương cho biết mực nước của kênh đào Panama vẫn chưa phục hồi, trong khi mùa mưa sắp kết thúc. Do vậy những hạn chế lưu thông sẽ vẫn được duy trì đến hết năm nay và sang đến năm 2024.  

    Thông tín viên RFI Marie-Eve Detoeuf giải thích thêm từ Panama :  

    “Một hướng dẫn viên du lịch giải thích tầm quan trọng của kênh đào Panama cho những khách đến tham quan các hệ thống khóa nước khổng lồ  : “Các cổng cuối cùng của hệ thống khóa nước mở ra, tàu thuyền tăng tốc và rời khỏi con kênh. Nếu muốn một vòng lục địa Nam Mỹ, con tàu đó lẽ ra phải mất đến 3 hay 4 tuần lễ.” 

    Vấn đề là, cùng với con tàu này, 2 triệu tấn nước ngọt đã bị đổ ra đại dương. Khác với kênh đào Suez, vốn là một tuyến đường thủy nằm giữa hai vùng biển, kênh đào Panama là một hồ nước ngọt nhân tạo, hồ Gatun, cao hơn mực nước biển 25 m. Cũng do đó mà thảm kịch xảy ra khi trời không mưa nhiều trong năm nay. Lãnh đạo cục khí tượng của kênh đào Panama, Ayax Murillo cho biết : “Vào tháng 01/2023, chúng tôi đã triển khai các biện pháp tiết kiệm nước ngọt vì điều duy nhất mà chúng tôi có thể kiểm soát đó là hệ thống khóa nước. Chúng tôi cũng phải cung cấp  nước sinh hoạt hàng ngày cho dân chúng, và đó là điều mà chúng tôi không thể giảm bớt được.”  

    Một nửa dân số của Panama, tương đương với 2 triệu dân số, sử dụng nước từ hồ Gatun và họ quan ngại khi thấy mực nước hồ xuống thấp. Đối với họ, đây đúng là vấn đề lớn hiện nay. 

    Sat, 09 Sep 2023
  • 68 - Pháp rút bài học “bị sỉ nhục” ở châu Phi

    “Nạn đảo chính khắp vùng Sahel”, theo nhận định ngày 28/08/2023 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không chừa Niger, đồng minh cuối cùng của Paris tại vùng Sahel và lan sang cả Gabon hôm 30/08. Ở những nước trước đây là đồng minh, đối tác, Pháp bị “hất hủi”, phải rút hết quân trong ê chề.

    Đại sứ Pháp tại Niamey cố cầm cự bất chấp tối hậu thư của tập đoàn quân sự yêu cầu rời khỏi Niger. Lời động viên của tổng thống Macron với đại sứ Sylvain Itté cũng gián tiếp thừa nhận Pháp đang bị “hạ nhục” ở Niger, và rộng hơn là ở vùng Sahel. Nhật báo Pháp Le Monde ngày 28/08 trích dẫn một chuyên gia về an ninh châu Phi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, “hoặc là Pháp duy trì vị thế bằng vũ lực và mạo hiểm đối đầu”, “hoặc rút lui” khỏi Niger, còn “ý tưởng duy trì bằng mọi giá sự hiện của Pháp”“mong manh”.

    Việc tổng thống Bazoum, đồng minh cuối cùng của Pháp ở tây Phi, bị lật đổ ở Niger cho thấy ảnh hưởng và trọng lượng của Pháp ở trong vùng đã bị "vùi dập" trong những năm gần đây. Thực tế này từng được bà Niagalé Bagayoko, chủ tịch Mạng lưới Lĩnh vực An ninh châu Phi (African Security Sector Netword, ASSN), nhận định với Pascal Boniface, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trong chương trình “Hiểu về thế giới” :

    “Đáng tiếc là đúng. Pháp bị “thất sủng”, thậm chí theo tôi, giờ còn nghiêm trọng hơn. Tại một số nước châu Phi, Pháp bị hất hủi khá ác liệt. Điều này có thể thấy rất rõ bởi vì họ không ngấm ngầm phản đối nữa mà thể hiện công khai trên các mạng xã hội, cũng như trên đường phố ở tây Phi và trung Phi. Hiện tượng loại bỏ đó, hoặc dù sao cũng là thái độ nghi kị đối với tính thích đáng kiểu hiện diện của Pháp, hiện được thấy rõ”.

    Hầu hết khắp châu Phi, sức hấp dẫn của Pháp đã bị suy giảm trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, văn hóa đến trao đổi thương mại và an ninh. Thị phần của Pháp trong thương mại châu Phi từ 10% rơi xuống còn 5% trong vòng 1/4 thế kỷ. Nhà nghiên cứu Pascal Boniface, giám đốc Viện IRIS, nhắc lại thay vì bị bỏ rơi như trong thập niên 1990, châu Phi hiện được rất nhiều cường quốc chú ý : Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út… Rất nhiều nước cũng lập chính sách riêng về châu Phi.

    Về an ninh, Pháp từ lâu được coi là “sen đầm của châu Phi”. Vì lý do bảo đảm an ninh và chống khủng bố, Pháp duy trì lực lượng quân sự (hiện còn căn cứ Sénégal (350 lính), Côte d’Ivoire (900), Gabon (300), Djibouti (1.450), Niger (1.500)), trực tiếp can thiệp hoặc cố vấn chiến dịch cho các đối tác châu Phi. Chỉ trong ba năm đã có 8 vụ đảo chính hoặc âm mưu đảo chính trong vùng châu Phi nói tiếng Pháp. Paris đã phải rút hết quân khỏi Mali, Burkina Faso. Phe đảo chính ở Niger và những người ủng hộ cũng yêu cầu Pháp rút hết 1.500 quân khỏi nước này.

    Pháp bị lên án thiên vị

    Sự hiện diện quân sự của Pháp tại châu Phi ngày càng bị coi là sự ủng hộ trực tiếp cho các chế độ cầm quyền”, theo đài truyền hình Pháp France 2 trong bản tin tối 30/08. Đài này cũng lưu ý “ở Gabon, Pháp ủng hộ tổng thống Bongo”, trong khi gia tộc Bongo cầm quyền từ 55 năm nay. Trước đó, trong bài nhận định vào tháng 03/2023 trên trang web IRIS, nhà nghiên cứu Pascal Boniface giải thích :

    “Pháp bị kìm kẹt trong chính những mối quan hệ cũ : Pháp ủng hộ các nhà lãnh đạo, trong đó có nhiều người cầm quyền từ hơn 40 năm qua và bị giới trẻ phản đối. Chắc chắn là rất khó để cắt đứt những mối quan hệ đó.

    Việc (ông Macron) đến Gabon, nơi gia đình Bongo cầm quyền từ năm 1973 hoặc tới CH Congo, nơi Sassou Nguesso điều hành đất nước từ hơn 40 năm, sau khi thông báo chấm dứt mô hình “châu Phi thuộc Pháp”, lại càng không được giới trẻ châu Phi chấp nhận. Trong trường hợp đặc biệt của nước CHDC Congo, người dân trách Pháp không lên án đúng đắn Rwanda cướp bóc đất nước này thông qua nhóm vũ trang M-23 trong khi cứng rắn về những vụ Nga vi phạm chủ quyền của Ukraina”.

    Đây chính là thái độ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, trong khi Pháp vẫn rao giảng về dân chủ và nhân quyền, theo giải thích của bà Niagalé Bagayoko :

    “Nhìn vào trường hợp Cộng Hòa Tchad, theo tôi, rõ ràng là những mâu thuẫn này không còn được công luận châu Phi, cũng như một số nước, chấp nhận nữa. Ngay hôm sau tổng thống Idriss Déby qua đời, một tập đoàn quân sự lên nắm quyền một cách hoàn toàn vi hiến, đưa con trai của tổng thống quá cố lên lãnh đạo, đúng kiểu “cha truyền con nối”. Pháp ra thông cáo chính thức chấp nhận việc đó, tiếp theo đích thân người đứng đầu Nhà nước đến dự lễ tang(23/04/2021), trong khi sau đó lại lên án mạnh mẽ đảo chính ở Mali, Guinea và Burkina Faso. Không hề có bất kỳ sự nhất quán nào trong chính sách này !”

    Pháp vẫn bị kẹt trong những mối quan hệ cũ

    Mô hình “Françafrique” (châu Phi thuộc Pháp), thường gợi đến mối quan hệ hậu thuộc địa mang mầu sắc “bảo trợ”, thậm chí là tham nhũng, từng được nhiều đời tổng thống Pháp tuyên bố chấm dứt, ngay từ thời George Pompidou (1969-1974) đến Nicolas Sarkozy, François Hollande và Emmanuel Macron. Pháp đã triển khai kế hoạch hiện diện quân sự bớt lộ liễu hơn ở châu Phi, ít quân nhân hơn và thúc đẩy các chương trình hợp tác dân sự. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho là “còn quá ít và nhất là quá trễ”.

    Trước các cuộc đảo chính liên tiếp ở vùng Sahel, Pháp cần giữ thái độ “không gia trưởng, không yếu đuối”, theo phát biểu của tổng thống Macron trong cuộc gặp các đại sứ Pháp ngày 28/08. Nhưng nhìn chung, Pháp thất bại về ngoại giao và văn hóa trong vùng này, theo nhận định trên đài RFI ngày 29/08 của giáo sư danh dự về luật quốc tế Serge Sur, Đại học Panthéon-Assas, kiêm tổng biên tập tạp chí Các vấn đề Quốc tế :

    “Tổng thống Macron đã đưa ra vài hướng giải thích khi cho rằng Pháp đã dựa quá nhiều vào chính quyền mà không chú trọng đến xã hội dân sự. Điều này hoàn toàn đúng. Xã hội dân sự châu Phi vô cùng sống động, rất trẻ, cập nhật nhanh chóng những gì diễn ra trên thế giới, trong khi Pháp lại hơi lơ là thành phần này. Có thể thấy điều đó trong các trường đại học của Pháp. Thật đáng tiếc là chúng ta không nhiều du học sinh châu Phi. Họ chọn đi du học ở Anh, ở Mỹ và họ không chọn Pháp, vì Pháp từ chối cấp thị thực cho họ hoặc hạn chế số lượng thị thực được cấp.

    Tổ chức Pháp ngữ đã không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ các trường đại học. Khi các trường đại học ở châu Phi gặp khó khăn, không có chương trình nào được tiến hành để đánh giá những khó khăn và góp phần cải thiện mối quan hệ giữa văn hóa Pháp và văn hóa các nước Pháp ngữ, trong khi chính những nước châu Phi này thuộc cộng đồng Pháp ngữ”

    Theo nhà nghiên cứu Pascal Boniface, việc hạn chế thị thực để khống chế di dân thể hiện rõ cho “sự kì thị chủng tộc, phục vụ lợi ích chính trị của các đảng phái ở Pháp”. Cuộc chiến chống di cư, những phát biểu “không cập nhật với thời đại” của nhiều chính trị gia thù nghịch với đạo Hồi hoặc vấn đề di dân được tiếp nhận một cách tiêu cực trên khắp châu Phi và gây hậu quả tai hại cho hình ảnh của Pháp ở châu Phi.

    Pháp không chú ý đến “mong mỏi” của người dân châu Phi

    Nhiều chính phủ dân sự ở Sahel, trên danh nghĩa được bầu một cách hợp hiến, lại bị đông đảo người dân phản đối với những cáo buộc tham nhũng, trục lợi, tham quyền cố vị. Pháp cũng bị lên án vì ủng hộ những chính phủ này. Do đó, dù lên cầm quyền một cách bất hợp pháp do đảo chính, các tập đoàn quân sự lại được một bộ phận dân chúng ủng hộ. Trên nguyên tắc, tập đoàn quân sự không có quyền yêu cầu lực lượng vũ trang nước ngoài như của Pháp, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ rút lui. Nhưng họ vẫn làm được vì đại diện được phần nào mong muốn của dân, theo giải thích của bà Niagalé Bagayoko, chủ tịch Mạng lưới Lĩnh vực An ninh châu Phi :

    “Tại sao lại có sự ủng hộ này ư ? Tại vì trên thực tế, người ta nhận thấy một thất bại tập thể. Các đối tác nước ngoài đã không làm đúng những lời hứa hoặc những cam kết mà họ đưa ra, rõ ràng nhất là về mặt an ninh, Pháp đã không xóa sổ được phong trào khủng bố mà theo tôi, Paris đã bất cẩn dấn thân.

    Nhưng nếu chúng ta nhìn những lĩnh vực khác thì thấy cũng tương tự. Những yếu tố liên quan đến phát triển thường được lý tưởng hóa thì giờ cũng bị nghi ngờ trên thực địa, bởi vì người dân, công luận chẳng thấy được chút lợi nào từ những chương trình này. Họ nhận thấy thường có rất nhiều nhà trung gian, kể cả đến từ các nước phương Tây và những thành phần đó được lợi nhiều hơn cả họ. Vì thế làn sóng bác bỏ ngày càng lớn bởi vì theo họ, đơn giản là nước ngoài không thể mang lại những giải pháp cho các vấn đề về an ninh và kinh tế của châu Phi”.

    Trong mắt các nước châu Phi, Pháp đã mất phần nào đặc thù, không còn là một quốc gia có đường lối ngoại giao độc đáo khi luôn tìm cách gắn kết và nhất quán với châu Âu hoặc với Mỹ. Thời thế đã thay đổi. Châu Phi có tầm quan trọng lớn hơn và ngày càng được củng cố trên trường quốc tế nhờ nguồn tài nguyên, nhân lực. Do đó, Pháp không thể không có một chính sách cập nhật về châu Phi.

    Ngày 27/02/2023, trong bài diễn văn giới thiệu chính sách về châu Phi trong nhiệm kỳ hai, tổng thống Macron nhấn mạnh đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Châu Phi không còn là “sân sau” của Pháp, “càng không phải là một lục địa mà người châu Âu và người Pháp có thể áp đặt một khuôn khổ phát triển, mà là một nơi chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, cân bằng và có trách nhiệm, để cùng nhau chiến đấu vì những mục đích chung - khí hậu là một vấn đề vô cùng quan trọng -, bảo vệ lợi ích của chúng ta và giúp các nước châu Phi thành công”.

    Chiến lược châu Phi của Pháp hiện tập trung vào ba hướng chính : hiện diện quân sự, đổi mới quan hệ đối tác và giới trẻ. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của Pháp là khôi phục được uy tín trong mắt người dân châu Phi, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc không ngừng tung chiến dịch làm “mất mặt” Pháp và phương Tây.

    Fri, 08 Sep 2023