Filtrar por género

Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

RFI Tiếng Việt

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng. 

98 - Mỹ : Đại học Albany và nỗ lực bảo tồn tiếng Pháp
0:00 / 0:00
1x
  • 98 - Mỹ : Đại học Albany và nỗ lực bảo tồn tiếng Pháp

    Tiếng Pháp là ngoại ngữ được học nhiều thứ hai ở Hoa Kỳ. Số người nói tiếng Pháp tại Mỹ dao động từ 3,5 triệu người, nếu tính những người đang học, nói tiếng Pháp và phương ngữ có gốc tiếng Pháp, đến 11 triệu người nếu tính cả những người gốc Pháp, Canada-Pháp hoặc Haiti… Dĩ nhiên tiếng Pháp được nói nhiều ở những bang đông dân như New York và California, nhưng các bang Maine và Lousiana lại có tỉ lệ người dân nói tiếng Pháp cao nhất nhờ lịch sử gắn bó với Pháp ngữ.

    Đại học Albany, bang New York, có hơn 200 sinh viên theo học tiếng Pháp ở mọi trình độ. Sau thời gian bị chững lại, giống như tình trạng chung của việc dạy và học ngoại ngữ tại Mỹ, chương trình tiếng Pháp dần được khôi phục, được cải cách để đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên.

    Nhân tuần lễ Quốc tế Pháp ngữ (từ 16-24/03/2024), RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bà Véronique Martin, giáo viên tiếng Pháp tại Đại học Albany, kiêm phụ trách chương trình University in the High School (Đại học tại trường cấp 3), để hiểu hơn về chương trình tiếng Pháp.


    RFI : Là giảng viên tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, Đại học Albany, bà cũng phụ trách về liên lạc, hợp tác với các trường trung học dạy tiếng Pháp ở bang New York. Trước hết, bà có thể cho biết quá trình hình thành, phát triển của Ban tiếng Pháp và ban có vai trò như thế nào ?

    Véronique Martin : Đại học Albany được thành lập năm 1848 và việc giảng dạy ngoại ngữ có lẽ bắt đầu vào khoảng đầu những năm 1900, lúc đó chỉ là một trường sư phạm chuyên đào tạo giáo viên trung học.

    Tiếng Pháp nằm trong Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, gồm 8 ngoại ngữ với 8 chương trình giảng dạy khác nhau. Chúng tôi đề xuất những khóa học từ trình độ sơ cấp đến trung cấp nâng cao, gần tương đương với trình độ B1, B2 trong hệ thống phân cấp của châu Âu.

    RFI : Tiếng Pháp có phải là một ngoại ngữ được theo học nhiều ở Đại học Albany cũng như tại các trường cấp III trong bang New York ?

    Véronique Martin : Trong thời gian dài, tiếng Pháp được theo học rất nhiều nhưng giờ thì ngày càng ít. Đại học chúng tôi nằm ở phía bắc bang New York, chỉ cách biên giới với Canada và tỉnh Québec (nói tiếng Pháp) khoảng 2 tiếng rưỡi. Từ những năm 1840, có rất nhiều người từ Québec đến tìm việc làm và định cư ở miền bắc bang. Vì vậy, trong số sinh viên học tiếng Pháp, có rất nhiều em có ông bà đến từ vùng Québec.

    Ngoài ra, vì Đại học Albany là một trường rất lớn của bang New York nên chúng tôi cũng đón rất nhiều sinh viên đến từ thành phố New York, từ các quận như Bronx, Queens, Long Island. Những em này thường là người gốc Tây Phi, như Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Bénin, Mali và Sénégal hoặc từ vùng Caribê, Haïti. Do đó, chúng tôi cũng có rất nhiều sinh viên có trình độ tiếng Pháp cao, có thể coi là một cộng đồng sinh viên Pháp ngữ, giúp chương trình của chúng tôi thêm phong phú.

    RFI : Liệu có lý do nào đó để giải thích cho việc tiếng Pháp hiện ít được theo học hơn ? 

    Véronique Martin : Thực ra phải nói là tiếng Pháp, cùng với tiếng Tây Ban Nha, là ngoại ngữ được giảng dạy nhiều thứ hai ở trường cấp III. Nhưng việc ngày càng có ít học sinh học tiếng Pháp hơn ở trường cấp II, cấp III và ở đại học là do nhìn chung, sinh viên quay lưng với ngoại ngữ. Đó là cả một vấn đề về cơ cấu. Đầu thập niên 2000, sinh viên đại học phải học ngoại ngữ trong hai học kỳ. Nhưng sau đó có một quyết định giảm việc học ngoại ngữ bắt buộc xuống còn một kỳ. Việc này đã tác động đến chương trình của chúng tôi.

    Cũng cần phải lưu ý là trong khoảng đầu nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Barack Obama có chủ trương tăng cường giảng dạy các môn khoa học ở cấp phổ thông và đại học, như khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ sư, toán học. Cho nên sinh viên ngày càng hướng về những môn này và nhìn chung là bỏ lơ ngoại ngữ hoặc các ngành Khoa học Xã hội Nhân văn. Đầu tháng 03 này, tôi nhận được tin nhắn của một giáo viên trung học làm việc chung, nói rằng ngày càng có ít học sinh theo học giờ tiếng Pháp của cô ở trường cấp III bởi vì các em thích học toán và khoa học hơn.

    RFI : Trong bối cảnh như vậy, Bantiếng Pháp có cách làm như nào để thu hút thêm học sinh và để việc học và dạy tiếng Pháp hấp dẫn hơn ?

    Véronique Martin : Một trong những điểm đầu tiên là chúng tôi tiếp tục làm việc với các trường cấp III đó để kết nối việc giảng dạy tiếng Pháp. Trong số những học sinh học tiếng Pháp nâng cao ở cấp III sẽ có những sinh viên tương lai theo học các lớp của chúng tôi ở đại học. Các em có thể tiếp tục ở trình độ cao hơn.

    Vì thế, chúng tôi tiếp tục hợp tác với các giáo viên tiếng Pháp cấp III thông qua các khóa đào tạo, hoặc tổ chức Ngày hội Pháp ngữ trong khuôn viên trường vào tháng 03 hàng năm (năm 2024, diễn ra ngày 27/03). Có nghĩa là chúng tôi cũng có Ngày hội Pháp ngữ riêng và mời các em học sinh tham gia cùng sinh viên. Đó là một trong những ý tưởng để quảng bá tiếng Pháp trong trường và giúp kết nối các em học sinh với những người gốc Pháp vì chúng tôi mời một số người đến trường giao lưu.

    Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng sinh viên quay lưng với các tiết văn học nhưng lại quan tâm đến các giờ học tiếng Pháp chuyên ngành. Cho nên chúng tôi nảy ra ý tưởng tổ chức các giờ học tiếng Pháp kinh doanh và tiếng Pháp ngoại giao từ mùa thu năm ngoái (2023). Đây là xu hướng khá phổ biến ở Mỹ, ngày càng có nhiều chương trình đại học dạy tiếng Pháp chuyên ngành.

    Dĩ nhiên, chúng tôi cũng tổ chức nhiều sự kiện khác cho sinh viên, như hoạt động văn hóa trong các câu lạc bộ tiếng Pháp hoặc các bàn tròn đối thoại. Chúng tôi cũng muốn đưa các em đến thành phố Montréal vì trường chúng tôi cách tỉnh Québec không xa lắm, như tôi nói ở trên. Và cuối cùng, chúng tôi khuyến khích các em lưu lại học tập ở Québec hoặc ở Pháp một thời gian trong lúc học đại học. Chúng tôi hỗ trợ các em tìm học bổng. Đó là một số dự án để khuyến khích việc học và giảng dạy tiếng Pháp của chúng tôi.

    RFI : Chính phủ Pháp dành một ngân sách đặc biệt để khuyến khích chương trình dạy tiếng Pháp ở Hoa Kỳ. Sự hỗ trợ này có ích như nào đối với Ban tiếng Pháp của trường ?

    Véronique Martin : Thực ra đó không phải là hỗ trợ trực tiếp nên chúng tôi không nhận được trợ cấp trực tiếp từ chính phủ Pháp. Từ vài năm nay, cơ quan văn hóa của Đại sứ quán Pháp ở Washington ngày càng đưa ra nhiều ý tưởng, dưới hình thức đào tạo giáo viên, hội thảo, học bổng, cũng như những chương trình hỗ trợ giáo viên trung học và đại học để họ phát triển dự án quảng bá tiếng Pháp, giúp khoa của họ thu hút hơn. Những sáng kiến đó rất được hoan nghênh. Người quan tâm phải làm đơn yêu cầu. Theo tôi, những sáng kiến mới này xuất phát từ việc ý thức được rằng tiếng Pháp đang bị thụt lùi ở mọi cấp tại Hoa Kỳ.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Véronique Martin, giảng viên Ban tiếng Pháp, Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, Đại học Albany, Hoa Kỳ.

    Tiếng Pháp : Ngoại ngữ được dạy nhiều thứ hai tại Mỹ

    Để chuẩn bị cho những sinh viên tiếng Pháp tương lai, nhiều trường cấp 3 ở Mỹ, phối hợp chặt chẽ với các trường đại học trong bang, đưa ra chương trình song ngữ hoặc các giờ tiếng Pháp tăng cường. Giảng viên đại học, như trường hợp bà Véronique Martin, đóng vai trò cố vấn giáo dục, theo dõi các giờ học và thông qua chương trình giảng dạy.

    Là một nước đón nhiều dân nhập cư, Mỹ đã phát triển mô hình lớp song ngữ trong thập niên 1980 với tiếng Tây Ban Nha để đáp ứng nhu cầu của người dân nhập cư và ở bang Lousiana là tiếng Pháp. Từ những năm 2010, phong trào lớp song ngữ bắt đầu tăng tốc, nhất là ở bang Utah, nơi mở rất nhiều lớp song ngữ ở cấp 1 và 2 với những phương pháp giảng dạy thích hợp. Theo phóng sự được báo Le Monde đăng ngày 01/08/2022, ngay từ lớp 1, học sinh học nửa ngày với một ngoại ngữ đã chọn (tiếng Trung, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha) cùng với một giáo viên nói tiếng mẹ đẻ, phần còn lại của ngày là học tiếng Anh với một giáo viên khác.

    Pháp có lợi trong cuộc cải cách song ngữ vì những người nói tiếng Pháp đó sẽ trở thành những đại sứ cho văn hóa Pháp. “Đối với Pháp, đó là một bàn đạp thực sự cho quyền lực mềm”, theo nhận định của ông Mathieu Ausseil, tùy viên hợp tác giáo dục tại Đại sứ quán Pháp tại Mỹ, với báo Le Monde. Tuy nhiên, sau khi chương trình dạy ngoại ngữ bị thay đổi, từ bắt buộc hai học kỳ xuống còn một học kỳ, nhiều khoa tiếng Pháp bị cắt ngân sách nghiêm trọng, do thiếu sinh viên. Theo ông Mathieu Ausseil, “trong vòng 15 năm, từ 800 khoa tiếng Pháp rớt xuống còn 400”.

    Các lớp song ngữ ngay từ bậc tiểu học mang lại hai lợi ích cho Pháp. Thứ nhất, bổ sung số sinh viên tiếng Pháp tương lai để ngăn đà trượt dốc này. Chương trình học không dành riêng cho tầng lớp khá giả nên có thể thu hút đông đảo người học. Thứ hai, chi phí ít tốn kém hơn so với những trường Pháp do Cơ quan Giáo dục Pháp ở nước ngoài quản lý bởi vì các cơ quan quản lý học đường Mỹ trả tiền lương cho giáo viên các lớp song ngữ.

    Để hỗ trợ chương trình này, năm 2017, Pháp đã lập quỹ French Dual Language Fund, quyên được khoảng 1,5 triệu đô la đầu tư vào vật chất hoặc đào tạo giáo viên, đặc biệt là đồng hành trong việc triển khai các lớp tiếng Pháp chuyên ngành. Còn đối với sinh viên Mỹ học tiếng Pháp, trang French Higher Education đề xuất nhiều chương trình trao đổi để họ có thể theo học vài tháng ở một trường đại học Pháp hoặc đến Pháp thực tập, hoàn thiện kỹ năng tiếng Pháp chuyên ngành.

    Sat, 23 Mar 2024
  • 97 - Từ điển Pháp-Việt 1884 với tiếng Việt: Đóng góp bị lãng quên của Trương Vĩnh Ký

    Công chúng giờ đây chắc ít ai nghe nói đến cuốn từ điển Pháp–Việt cuối thế kỷ 19 của Trương Vĩnh Ký. Thế nhưng theo một số người am hiểu, cuốn sách kế thừa các tri thức từ điển học Pháp này rất có thể là dấu ấn quan trọng trên chặng đường đầu hình thành tiếng Việt hiện đại, cho thấy Trương Vĩnh Ký không chỉ là người nỗ lực ‘‘phổ biến’’ chữ Quốc ngữ (*) như các ca ngợi lâu nay, mà còn tạo lập nhiều nền tảng cho ngôn ngữ quốc gia tương lai của người Việt.

    Tiểu từ điển Pháp – Việt (Petit dictionnaire Français – Annamite) của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký dày 1.192 trang, khổ 11x19 cm, ấn hành tại Nhà in Thừa Sai nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, là cuốn từ điển song ngữ đầu tiên đối dịch một ngôn ngữ phương Tây và tiếng Việt do chính người Việt biên soạn, và cũng là cuốn từ điển Pháp - Việt đầu tiên. Từ điển bao gồm các từ tiếng Pháp với phần ghi chú từ loại bằng tiếng Pháp, được sắp xếp theo thứ tự a, b, c và phần chuyển dịch ra tiếng Việt với các nghĩa chính, từ đồng nghĩa, và với một số ít trường hợp đi kèm với ví dụ, cụm từ thường dùng, hoặc diễn giải kèm theo.

    Từ điển song ngữ giúp người Việt phát triển tiếng mẹ đẻ

    Thông thường từ điển song ngữ có chức năng chính là để giúp học ngoại ngữ. Song một số từ điển song ngữ có thể đóng vai trò bà đỡ cho sự hình thành ngôn ngữ quốc gia. Trong giai đoạn ban đầu này, từ điển song ngữ Pháp – Việt không chỉ giúp người Việt học ngoại ngữ (tiếng Pháp), người Pháp học tiếng Việt, mà trước hết là công cụ để giúp phát triển, củng cố chính tiếng mẹ đẻ của người Việt. Học giả Đào Duy Anh trong lời ‘‘Tựa’’ bộ Pháp – Việt tự điển của ông, năm 1936, đã coi việc phát triển từ vựng tiếng Việt là mục tiêu số một (1), điều không dễ hiểu với người Việt sau này.  

    Nước Pháp đang tiến tới kỷ niệm 500 năm sắc lệnh Villers-Cotterêts(1539), do vua François đệ nhất ban hành, nhằm tăng cường sử dụng tiếng Pháp trong hệ thống nhà nước, sắc lệnh thường được coi như một cột mốc lớn khẳng định vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Pháp thay thế cho chữ Latinh. Cùng vào thời điểm lịch sử này, có một sự kiện quan trọng nhưng ít được để ý hơn rất nhiều, đó là sự xuất hiện hai cuốn từ điển song ngữ, Latinh – Pháp (in năm 1538) và Pháp – Latinh (1539) của Robert Estienne. Hai cuốn từ điển song ngữ này được nhiều chuyên gia Pháp đánh giá đã tạo lập nền móng cho sự ra đời của các từ điển tiếng Pháp đơn ngữ đầu tiên sau đó, đặc biệt với bộ đại từ điển của Viện Hàn lâm Pháp (xuất bản lần đầu năm 1694).

    Quốc ngữ: Sự tiếp nối cuộc cách mạng ‘‘chuẩn hoá ngôn ngữ’’ từ châu Âu

    Về lịch sử hình thành và phát triển của các ngôn ngữ trên thế giới, trong hơn 30 năm gần đây, trong giới ngôn ngữ học Pháp đã phát triển một tiếp cận mới, với sự thúc đẩy của nhà ngôn ngữ học Sylvain Aurouxvới tác phẩm tiêu biểu ‘‘La révolution technologique de la grammatisation’’ (tạm dịch là: ‘‘Cuộc cách mạng công nghệ chuẩn hoá việc dạy tiếng/học tiếng’’), phương pháp tiếp cận gần như không được biết đến tại Việt Nam. Đối với Sylvain Auroux, trong lịch sử các ngôn ngữ thế giới có ba biến đổi to lớn, mà ông gọi là ‘‘ba cuộc cách mạng về công nghệ’’.

    Cuộc cách mạng thứ nhất đi liền với sự ra đời của chữ viết. Cuộc cách mạng thứ ba diễn ra trong những thập niên gần đây, đi liền với các công nghệ ‘‘tự động hoá’’ việc xử lý thông tin ngôn ngữ. Trong khi đó cuộc cách mạng thứ hai (‘‘grammatisation’’) liên quan đến các phương tiện dạy tiếng/học tiếng, bao gồm trước hết là sự hình thành “các sách công cụ”, đặc biệt là sách ngữ pháp và từ điển, cùng sách dạy tiếng, cho phép định hình và thống nhất một ngôn ngữ, cũng có thể gọi là ‘‘cuộc cách mạng chuẩn hoá ngôn ngữ’’.

    Nhiều ngôn ngữ, vốn được sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng (langue vulgaire – ngôn ngữ thông tục) và ngay cả khi đã có chữ viết, nhưng vì không đi kèm với các chuẩn tắc được xác lập rõ ràng, nên không thể trở thành ngôn ngữ chính thức (langue officielle). Với cuộc ‘‘cách mạng chuẩn hoá’’, các ngôn ngữ thông tục vốn được sử dụng một cách tự nhiên trong cộng đồng, trở thành “một đối tượng tìm hiểu” và học hỏi một cách bài bản.

    Trong cuộc cách mạng thứ hai, nở rộ tại châu Âu thời Phục hưng, và từ đó lan rộng khắp thế giới, các từ điển song ngữ thường là bước đệm không thể thiếu, cho phép ra đời các từ điển đơn ngữ (2), một cái mốc căn bản khẳng định vị thế một ngôn ngữ quốc gia. Để nhận biết được những giá trị cơ bản của các từ điển song ngữ Pháp - Việt (3) và đại từ điển Việt – Pháp (hiện chưa được tìm thấy) của Trương Vĩnh Ký (4), cần gắn các từ điển này với truyền thống lớn nói trên, của châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng (5).

    Cuốn từ điển nổi tiếng bị quên lãng 

    Trước năm 1945, cuốn tiểu từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký đã được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên, cuốn sách từng khá nổi tiếng trước 1945 nhìn chung đã không được giới ngôn ngữ học hiện nay tại Việt Nam chú ý là ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (từ Sài Gòn) với RFI: ‘‘Cho đến nay, tôi chưa thấy một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học nào chú trọng cuốn này cả. May lắm thì người ta nhắc tới trong những công trình của Trương Vĩnh Ký có cuốn sách này. Nhưng lấy đấy làm đối tượng phân tích thì không thấy có’’.

    Về lý do cuốn từ điển không được chú ý, trả lời RFI qua thư điện tử, nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu (từ Hà Nội) giải thích: ‘‘Việc ít người chú ý đến cuốn từ điển này là vì những lý do khác chứ không phải nguyên do nội tại của cuốn từ điển này. Thời ông Trương Vĩnh Ký làm ra cuốn này, chắcsố người học tiếng Pháp chưa được nhiều. Còn việc sử dụng cuốn từ điển này để tìm hiểu về lịch sử từ vựng tiếng Việt thì bước sang nửa đầu thế kỷ 20 chưa ai quan tâm. Đến nửa sau thế kỷ 20, mới bắt đầucó những nghiên cứuchú ý miêu tả một số nét/một số mặtcủa lịch sử từ vựng tiếng Việt trong một số sách giảng dạy và nghiên cứuvề Việt ngữ nhưng chưa có những chuyên luận sâu về lịch sử phát triển từ vựng tiếng Việt. Đến năm 2003 mới có một chuyên khảo về Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kỳ 1858-1945 (tác giả Lê Quang Thiêm). Năm 2011, có một chuyên khảo riêng về lịch sử từ vựng tiếng Việt (tác giả Vũ Đức Nghiệu)’’.

    Việt Nam hết lệ thuộc vào Thiên Triều, nhưng Quốc ngữ chưa thoát vị thế ‘‘chiếu dưới’’

    Cuốn Từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký ra mắt vào một thời điểm đặc biệt. Năm 1884 – 1885 là thời điểm nổ ra chiến tranh Pháp – Thanh tại miền Bắc Việt Nam. Chiến tranh kết thúc với Hiệp ước Thiên Tân (Traité de Tien-Tsin) tháng 6/1885. Vương triều nhà Thanh thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp với Việt Nam, từ bỏ quy chế ‘‘triều cống’’ của Việt Nam với tư cách phiên quốc, được duy trì từ cả ngàn năm. Cuốn từ điển, với hai trang bìa ghi hai năm xuất bản khác nhau 1884 và 1885, dường như đã in dấu ấn của bước ngoặt lớn này.

    Trên trang bìa từ điển đầu tiên, ghi năm 1884, trên cùng là tên chữ Hán (富浪音話撮要字彙合解安南 / Phú lãng âm thoại toát yếu tự vị hợp giải An Nam / Tự vị tiếng Pháp giải nghĩa cô đúc sang tiếng Việt), bên dưới là hàng tít bằng chữ Pháp ‘‘Petit dictionnaire français-annamite’’ (hay ‘‘Tiểu từ điển Pháp – Việt’’). Tên của tác giả Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký cũng đồng thời in bằng chữ Hán. Trên trang bìa thứ hai, ghi năm 1885, tất cả các chữ Hán biến mất. Việc chữ Hán đã hoàn toàn biến mất trong trang bìa năm 1885 phải chăng phản ánh biến đổi địa-chính trị lớn nêu trên?

    Ảnh hưởng Hán trong ‘‘Khai Trí Tiến Đức’’ và từ điển Đào Duy Anh nặng hơn Trương Vĩnh Ký nhiều

    Nước Việt Nam thuộc Pháp đã cắt đứt với truyền thống Thiên triều – phiên thuộc kiểu Trung Hoa, nhưng việc khẳng định chữ Quốc ngữ độc lập với chữ Hán, và dần thay thế chữ Hán với tư cách là văn tự chính thức, vẫn là một con đường đầy chông gai (6) trong một thời kỳ mà đông đảo người Việt vẫn coi chữ Nho là “chữ ta” (7). Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhấn mạnh hành xử khác thường của Trương Vĩnh Ký, đi trước nhiều nhà biên soạn từ điển tiếng Việt nổi tiếng:

    ‘‘Ảnh hưởng của chữ Hán thời kỳ Trương Vĩnh Ký còn rất nặng nề trong cách viết văn. Ảnh hưởng đó với Trương Vĩnh Ký trong cuốn từ điển này nhạt hơn nhiều so với từ điển của Khai Trí Tiến Đức (1931). (Việt Nam Tự Điển của) Khai Trí Tiến Đức đầy chữ Hán, với những từ ngữ như ‘‘Cử-quốc giai binh’’, có nghĩa là ‘‘cả nước đều là lính’’. ‘‘Cử tọa’’ thì đồng ý là trong tiếng Việt có, nhưng ‘‘Cử-quốc giai binh’’, hay ‘‘Cử-thế giai trí’’, có nghĩa là ‘‘suốt cả người trong đời đều biết’’ (hay tất cả mọi người trên đời đều biết), thì đó là người Tàu nói chứ người Việt có nói thế đâu. Dễ dàng thấy là điều này không thể có trong từ điển của Trương Vĩnh Ký. Phải nói rằng những người làm từ điển Khai Trí Tiến Đức không ý thức phân biệt rõ giữa từ Hán – Việt, tức từ tiếng Hán đã ‘‘nhập tịch’’ vào tiếng Việt với chữ Hán chỉ ở bên Trung Quốc thôi, không nhập vào tiếng Việt.

    Cuốn từ điển Pháp – Việt của Đào Duy Anh ra đời mấy chục năm sau cuốn của Trương Vĩnh Ký, thế mà Trương Vĩnh Ký lại Việt hơn Đào Duy Anh. Sự khác biệt đó tôi cho là rất lớn, bởi mấy chục năm cách biệt như vậy là dài lắm, chứ không phải như mấy chục năm sau này. Cái ngôn ngữ thời Trương Vĩnh Ký khác với thời Đào Duy Anh lắm, thế mà Trương Vĩnh Ký lại chủ trương tiến bộ hơn Đào Duy Anh. Như thế có lạ không ?’’.

    Quốc ngữ không ‘‘nấu chung một lò’’ với Hán văn: Khuyến khích người Việt tự tạo từ mới

    Gần nửa thế kỷ sau từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký, nhà nho, nhà cách mạng Phan Bội Châu, trong lời Đề từ cho cuốn Hán – Việt tự điển của Đào Duy Anh (1932), khẳng định ‘‘Quốc-văn ta với Hán-văn, tất phải nấu chung một lò, dệt thêu chung một khổ’’. Trước đó, Phạm Quỳnh trong bài ‘‘Bàn về sự dùng chữ Nho trong văn Quốc ngữ’’ khẳng định : ‘‘Quốc-văn là do hán-văn mà ra, không thể bỏ chữ hán mà không dùng được, cũng không thể dời khuôn phép của hán-văn mà thành-lập’’ được Quốc-văn (Nam Phong Tạp chí năm 1918). Cuốn từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký ngược lại cho thấy rõ chủ trương Quốc ngữ tiếng Việt hiện đại không ‘‘nấu chung một lò’’ với Hán văn (8).

    Tiếng Việt cuối thế kỷ 19 còn rất thiếu từ. Đương thời với Trương Vĩnh Ký đã có nhiều bộ tự điển song ngữ tiếng phương Tây và tiếng Hoa/chữ Hán quy mô lớn mà nhà bác học người Việt khó lòng không biết đến. Nếu ông có ý định sao chép ồ ạt các từ ngữ đương thời của người Trung Quốc chắc chắn không thiếu cơ hội. Trương Vĩnh Ký giữ khoảng cách lớn với chữ Hán để làm gì ?

    Trả lời RFI, nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu nhấn mạnh đến việc Trương Vĩnh Ký, trong cuốn từ điển này, đã khuyến khích người Việt tự tìm, tự tạo các từ ngữ mà trong tiếng Việt chưa có: ‘‘Khi đưa từ ngữ Việt để đối chiếu, nếu tiếng ta chưa có từ ngữ tương ứng, tác giả sẵn sàng “diễn giải nghĩa” của từ Pháp, giống như việc “giải nghĩa” của từ điển tường giải của một ngôn ngữ. Cái này, một mặt do “bí”về từ ngữ đểmà dịch, nhưng mặt khác, lại có thể là một lối mở để người đọc có thể sẽ tự tìm lấy các từ ngữ tương ứng ở tiếng Việt để dịch, sử dụng. 

    Tác giả có ý ưu tiên dùng tiếng ta(tiếng Nôm),dùng khẩu ngữ thông thường để ‘‘đối dịch’’. Khi chưa có từ ngữ để đối dịch thì ‘‘diễn giải’’. Như chúng ta biết, không thể nói Trương Vĩnh Ký là người không thạo chữ Nho vàtiếng Hán - Việt.Ông không thể không biết‘‘tam giác’’, “đa giác” ‘‘viện bảo tàng’’/‘‘bảo tàng viện’’ “đa diện”, “đa phu”, “đa thê”… nhưng lại dùng: cái ba góc, hình ba góc rồi mở ngoặc chú là tam giác), dùng hình có nhiều góc, viện trữ đồ tích, có nhiều vợ, có nhiều chồng. Tuy tác giả vẫn dùng từ ngữ Hán-Việt không hạn chế, vì những lý do khác nhau (bởi ngắn gọn hơn, rõ nghĩa hơn vì đã quen, hoặc tránh thô tục… chẳng hạn), nhưng rất rõ là có chủ ý tự tạo, tự diễn giải. Nhưng ngược lại, vì chủ ý tự tạo, tự diễn giải đó mà khi tiếng ta lúc đó “chưa đủ chữ” thì cách diễn giải bị dài dòng hoặc quá nôm na. Đấy là ‘‘giảng nghĩa’’ chưa phải là “giải nghĩa” của từ điển học, và chắc chắn không phải là phương pháp ‘‘đối chiếu’’ của một từ điển song ngữ’’.

    Việc Trương Vĩnh Ký lựa chọn biện pháp rõ ràng không thể gọi là tối ưu nói trên đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng phải chăng đây là cái giá không thể tránh khỏi để tiếng Việt khẳng định trước hết vị thế độc lập? Nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu nhận định: “Bây giờ nhìn lại, có thể có người thấy hơi buồn cười, vì thấy điều này có vẻ sơ giản, thậm chí nôm na quá, ví dụ bây giờ ta nói trường bách khoa, ông dùng trường dạy nhiều phép nhiều nghề; nhưng từ bấy đến nay, đã hơn trăm năm, phải công bằng mà nói đó là một sự cố gắng rất lớn ở những bước ban đầu mà tiếng Việt có chữ Quốc ngữ đi cùng, cộng với sự xuất hiện của tiếng Pháp ở Việt Nam”.

    Tiếng Việt là ‘‘chủ’’, Hán tự là ‘‘khách’’: Cái nhìn đi trước thời đại

    Trương Vĩnh Ký đã chọn con đường đoạn tuyệt với quan niệm ‘‘Dĩ Hoa vi trung’’, và nỗ lực sử dụng các thành tựu ngôn ngữ học châu Âu để phát triển tiếng Việt, để một thứ tiếng nói vốn chỉ là khẩu ngữ, thường dùng để làm thơ, có thể trở thành ngôn ngữ chính thức của xã hội. Nhưng cắt đứt tâm thức sùng bái con chữ vuông không phải là đoạn tuyệt với Hán ngữ, với di sản văn tự Hán – Nôm. Nhà bác học Công giáo Trương Vĩnh Ký, người đầu tiên phiên âm Truyện Kiều chữ Nôm sang Quốc ngữ Latinh, người phiên dịch nhiều tác phẩm kinh điển của Nho giáo sang văn tự Quốc ngữ Latinh, cũng như biên soạn nhiều sách dạy chữ Hán, tiếng Hoa, ắt hẳn hiểu rõ điều này. Ứng xử với nhóm từ ‘‘chữ Nho’’ là điều được Trương Vĩnh Ký chú ý, theo ghi nhận của nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (9). Trong cuốn từ điển này, các từ được đánh dấu là ‘‘chữ Nho’’ được đặt trong thế tương quan : hoặc có từ ‘‘thuần Việt’’ tương đương đi kèm, hoặc không có (có khoảng 200 từ và cụm từ được Trương Vĩnh Ký đánh dấu chữ Nho trong gần 500 trang đầu của cuốn từ điển, trong đó có khoảng 20 từ tiếng Pháp chỉ có chữ Nho đối dịch, mà không có từ Việt tương đương).

    Với ‘‘Enfant adoptif’’ có từ dịch thuần Việt là ‘‘Con nuôi’’, bên cạnh đó là chữ Nho ‘‘Dưỡng tử’’. Với ‘‘Directeur des ponts et des chaussés’’, có từ dịch thuần Việt là ‘‘Quan quản đốc việc cầu đường’’ bên cạnh từ chữ Nho là ‘‘Kiều lộ quản lý’’… Từ ‘‘Chimie’’ không có từ thuần Việt, Trương Vĩnh Ký chọn từ chữ Nho ‘‘Hoá học’’, và ngay bên dưới, từ ‘‘Chimiste’’ được dịch là ‘‘Kẻ thông phép hoá-học’’. Phân loại chữ Nho của Trương Vĩnh Ký như vậy không nhằm mục tiêu mô tả để phục vụ nghiên cứu tiếng Việt - lịch sử tiếng Việt, mà mô tả trước hết là để phục vụ việc sử dụng, cho việc xác lập những cách ứng xử mới với chữ Hán (10). Từ ‘‘Hoá học’’ trong trường hợp này có thể được coi là đã ‘‘nhập tịch’’ vào khối từ vựng tiếng Việt, và kể từ đó không còn cần được đánh dấu là chữ Nho. Việc phân định ranh giới từ vựng chữ Nho với từ vựng tiếng Việt của Trương Vĩnh Ký không phải để hạn chế hay loại trừ chữ ‘‘Nho’’, mà để trước hết khẳng định sự độc lập của tiếng Việt với tiếng Hán (11), và thứ hai là mở ra khả năng tích hợp chữ Hán vào tiếng Việt một cách chủ động, có chọn lọc, theo nghĩa tiếng Việt là ‘‘chủ’’, Hán tự là ‘‘khách’’ (chữ Nho không phải là chữ ta) (12).

    Trong giới ngôn ngữ học Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến nay, nổi lên trào lưu phê phán tiếp cận “Dĩ Âu vi trung’’ (tức phê phán việc áp đặt vào tiếng Việt các quan niệm đặc thù của ngôn ngữ châu Âu), trong đó có học giả Cao Xuân Hạo. Theo một số nhà quan sát, việc phê phán quan điểm ‘‘Dĩ Âu vi trung’’ hiển nhiên có những cơ sở nhất định, nhưng việc chỉ trích quá mức quan điểm “Dĩ Âu vi trung” vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, có thể làm lu mờ đi hai thực tế căn bản khác. Thứ nhất là quan niệm ‘‘Dĩ Hoa vi trung’’ (coi các quy tắc Hán ngữ là khuôn vàng thước ngọc) còn nặng nề, và thứ hai là tình trạng thiếu vắng các công cụ ngôn ngữ học cho phép ‘‘chuẩn hoá’’ tiếng Việt, để tiếng Việt từ một ngôn ngữ “thông tục”, bình dân vươn lên dần dần thay thế cho chữ Hán/tiếng Hán với tư cách ngôn ngữ quốc gia.  

    Sự nghiệp phát triển Quốc ngữ của nhà bác học đã không được mấy hưởng ứng tại miền bắc và miền trung Việt Nam, nơi nền cựu học Nho giáo tiếp tục thống trị. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục học hỏi những giá trị tiến bộ Âu – Tây để hiện đại hóa đất nước bùng lên đầu thế kỷ 20, với phương châm hàng đầu kêu gọi lấy Quốc ngữ làm văn tự quốc gia, nhưng tất cả các văn bản chủ yếu của phong trào đều bằng chữ Hán (13). Nói cách khác, việc chuẩn bị để chữ Quốc ngữ được ‘‘chuẩn hoá’’ đủ mức, đủ sức bắt kịp đòi hỏi thay đổi đột phá nói trên của giới trí thức người Việt đã bị chậm đi hẳn một nhịp so với ước vọng ‘‘chữ Quốc ngữ là hồn trong nước’’ (câu thơ khuyết danh tương truyền của một chí sĩ thời Đông Kinh Nghĩa Thục).

    ***

    Cố viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam Hoàng Tuệ, trong dịp Thượng đỉnh của cộng đồng Pháp ngữ lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam năm 1997, đưa ra ghi nhận: ‘‘thời tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp đâu có dài. Nhưng tuy ngắn mà rất quan trọng trong ý nghĩa một đổi mới. Xã hội Việt Nam vốn khép kín đã với tiếng Pháp, mở rộng dần tầm nhìn ngôn ngữ và văn hóa sang một không gian khác lạ là Pháp và phương Tây… Ảnh hưởng quan trọng của tiếng Pháp đối với tiếng Việt là về hành văn, như có thể thấy rõ trong thơ mới và trong văn xuôi mới, văn xuôi mới nghệ thuật, văn xuôi báo chí và văn xuôi khoa học. Như vậy, tiếng Pháp đã có mặt trong tiếng Việt.’’ (14) Tiếp xúc tiếng Việt - tiếng Pháp cũng có thể được mở rộng sang các từ điển song ngữ, công cụ hùng mạnh thúc đẩy tiến trình ‘‘chuẩn hoá’’ ngôn ngữ bản địa, để xác lập được một thế ứng xử mới, để tiếng Việt từ một ngôn ngữ chiếu dưới vươn lên thành ngôn ngữ quốc gia.

    Trong các trả lời phỏng vấn RFI, hai nhà nghiên cứu Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Dũng đã nêu bật trở lại thành tựu của Trương Vĩnh Ký, ưu tiên khẳng định nguyên tắc ‘‘tiếng Việt ròng’’, để từ đó tiếng Việt có thể vươn lên bằng nội lực (diễn đạt ‘‘tiếng An Nam ròng’’, lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn ‘‘Truyện đời xưa’’ của Trương Vĩnh Ký in năm 1867. Trong thập niên 60, học giả Thanh Lãng đã làm sống lại quan điểm này). Các nhà nghiên cứu hy vọng việc thảo luận trở lại tác phẩm này của Trương Vĩnh Ký mang lại ‘‘chất men’’, khuyến khích giới nghiên cứu tìm hiểu sâu thêm về các đóng góp của nhà bác học, thành tựu cũng như các thử nghiệm mầy mò, cùng khó khăn, hạn chế trong cuốn từ điển này nói riêng và di sản với Quốc ngữ của ông nói chung.

    Ghi chú

    (*)‘‘Trương Vĩnh Ký và những nỗ lực phổ biến chữ quốc ngữ cuối thế kỷ XIX’’, RFI, 23/07/2015.

    1/ ‘‘Trong lịch sử nước ta, chữ Hán đã phải nhường địa-vị cho chữ Pháp, cho nên ngày nay sự tu-dưỡng tri thức của người Việt-Nam ta, cơ hồ chỉ nhờ vào chữ Pháp, cũng như mấy thế-kỷ trước chỉ nhờ vào chữ Hán, mà Việt-ngữ vẫn cứ phải ở địa-vị thấp hèn. Vì thế nên các nhà trí-thức ta phần nhiều tư-tưởng theo tiếng Pháp, rồi đến khi cần phải biểu-diễn ý-tứ bằng tiếng mẹ đẻ thì bỡ-ngỡ lúng-túng chẳng khác gì người ngoại-bang, điều ấy tuy quái-gở mà ở xã-hội ta lại rất thường vậy. Song nếu có một bộ Pháp-Việt từ-điển thích-đáng, có thể giúp cho chúng ta dịch sang tiếng mẹ đẻ tất cả những điều chúng ta tư-tưởng theo tiếng Pháp, thì cái tình-trạng ấy cũng có thể bổ-cứu được.’’ (Lời nói đầu cuốn Pháp - Việt tự điển của Đào Duy Anh).

    2/ Theo nhà ngôn ngữ học Odile Leclercq, tác giả một luận án về ‘‘các kỹ thuật’’ xây dựng từ điển tiếng Pháp thế kỷ 16 – 17 (theo tiếp cận của Sylvain Auroux), trong bối cảnh từ vựng tiếng Pháp chưa phát triển đủ mức, nhiệm vụ số một của từ điển song ngữ không chỉ là ‘‘mô tả” hay ghi lại các từ ngữ tương đương sẵn có, được người đương thời sử dụng, mà là ‘‘tham gia vào việc xây dựng khối từ vựng của toàn dân’’, với nhiều kỹ thuật rất khác với các từ điển song ngữ sau này. Trong số các kỹ thuật đó, có việc diễn giải một từ thành cả câu trong trường hợp tiếng Pháp không có từ tương đương với tiếng Latinh (điều đã được Trương Vĩnh Ký sử dụng trong cuốn từ điển Pháp - Việt) (Luận án của Odile Leclercq:Construction d’un savoir et d’un savoir-faire dans le traitement du lexique français aux 16ème et 17ème siècles,2006).

    3/ Ngoài cuốn (Tiểu) từ điển Pháp - Việt 1884 – 1885, Trương Vĩnh Ký còn có một cuốn từ điển Pháp - Việt khác, ít được biết đến hơn rất nhiều. Dictionnaire Français – Annamite, với tiểu tựa ‘‘Tự-vị tiếng Pha-lang-sa giải nghĩa ra tiếng Annam’’, ấn hành năm 1878. Cuốn từ điển (từ vần A đến chữ Cheval), được in theo chỉ thị của chính quyền Nam Kỳ thuộc Pháp, dày 288 trang, khổ A4, được coi là cuốn mở đầu cho một dự án đại từ điển Pháp - Việt. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh, tác giả cuốn ‘‘Trương Vĩnh Ký : Tinh-hoa nước Việt’’ (2018), ‘‘năm 1885, Dictionnaire Français – Annamite trở thành Grand Dictionnaire Français – Annamite, mà soạn giả gửi thư cho chính quyền Pháp mời mua, nhưng không thành công, và công trình chỉ còn phần in thử và thủ bút’’ (tr. 97). Bài tạp chí này hoàn toàn không đề cập đến cuốn ''từ vần A đến chữ Cheval'', tức phần đầu của dự án đại từ điển Pháp - Việt, in năm 1878, có chất lượng in ấn và nội dung vượt xa cuốn tiểu từ điển Pháp - Việt 1884 – 1885.

    4/ Nói đến các từ điển Pháp – Việt của Trương Vĩnh Ký, không thể bỏ qua từ điển Việt – Pháp của cùng tác giả. Cuốn Grand Dictionnaire Annamite - Français(Đại từ điển Việt – Pháp), thường được biết đến như đã xuất bản trong khoảng hai năm 1888 – 1889, có nhiều khả năng với tư cách là bản in thử, chờ đơn đặt mua của chính quyền Pháp. Năm 1929, nhà văn Đặng Thúc Liêng đã từng mời nhà báo Phan Khôi đến tra cứu cuốn từ điển nổi tiếng này tại thư viện gia đình (Phụ nữ Tân văn, số 30 ngày 28/11/1929), dẫn lại theo học giả Nguyễn Văn Trung, trong cuốn ‘‘Hồ sơ Lục châu học’’ (năm 2015). Trong phần đầu cuốn “Đại-nam-cuốc sử kí diễn ca” (1875) (bằng tiếng Pháp), Trương Vĩnh Ký cho biết Đại từ điển Việt – Pháp đã gần như hoàn tất và ‘‘sẽ sớm xuất bản”. Đáng chú ý là trong phần dẫn nhập bằng chữ Quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký nói đến “cuốn tự vị lớn tiếng Annam” chứ không phải một từ điển song ngữ. Ắt hẳn dù là từ điển Việt – Pháp hay từ điển Pháp – Việt, mục tiêu chính của nhà bác học, với hai dự án từ điển song ngữ này, có lẽ đều là xây dựng vốn liếng từ vựng cho Quốc ngữ tiếng Việt hiện đại.

    5/ Về phương pháp tiếp cận ‘‘chuẩn hoá’’ ngôn ngữ, do Sylvain Auroux mở đường, liên quan đến tiếng Việt, có luận án tiến sĩ của Phạm Thị Kiều Ly “Quá trình điển chế hoá tiếng Việt: lịch sử xây dựng ngữ pháp và chữ viết Latinh của tiếng Việt từ 1615 đến 1919’’ (La grammatisation du vietnamien de 1615 à 1919: histoire des grammaires et de l’écriture romanisée du vietnamien), bảo vệ tại Đại học Sorbonne nouvelle năm 2018. Tác phẩm được trao giải luận án xuất sắc của Mạng lưới nghiên cứu Á châu của Pháp (GIS Asie). Trong tác phẩm này, tác giả chỉ chú ý đến hai vấn đề ngữ pháp và chữ viết, trong lúc mảng xây dựng từ vựng nói chung, và nhất là các từ điển thời cận-hiện đại trong đó có từ điển của Trương Vĩnh Ký, nằm ngoài đối tượng khảo sát chính. Tên gọi của luận án cũng cho thấy rõ điều này.

    6/ Trong một bài viết đăng tải năm 1888 (“Ecriture en Annam’’), Trương Vĩnh Ký thừa nhận đông đảo người Việt lúc đó chưa quyết tâm lựa chọn văn tự Quốc ngữ La-tinh.

    7/ Việc chữ Nho được các triều đại quân chủ Việt Nam coi là văn tự quốc gia, được đông đảo người dân coi là “chữ ta”, không chỉ gắn với vị thế phiên thuộc của Việt Nam, mà bởi chữ Hán cũng gắn liền với văn hoá Hán, từng được coi là đỉnh cao văn hiến của toàn khu vực Viễn Đông, với quyền lực tối cao của Thiên tử (Con trời). Nhiều sử gia, như Philippe Langlet (tác giả cuốn L'ancienne historiographie d'état au Vietnam, 1990), ghi nhận việc triều đình nhà Nguyễn trong một số thời kỳ đã tự coi mình là ‘‘Hán nhân’’, có sứ mạng tiếp nối nền chính trị Nho giáo.

    8/ Để xây dựng nền móng Quốc ngữ hiện đại (với kho từ vựng và hệ thống ngữ pháp cho tiếng Việt), các trí thức người Việt cuối thế kỷ 19, đầu 20 đã đứng trước hai kịch bản (xem thêm phần đóng khung cuối bài). Hoặc trước hết khẳng định tính độc lập của tiếng Việt ở mức độ cao (tách hẳn khỏi Hán ngữ, rồi từ đó tiếp thu từ vựng Hán ngữ một cách thận trọng), điều mà Trương Vĩnh Ký đã làm. Hoặc tiếp tục dựa hẳn vào Hán ngữ, ít nhiều như trong truyền thống. Một số học giả như Đào Duy Anh thiên về chọn kịch bản thứ hai, Quốc ngữ phải gắn chặt với Hán ngữ (có thể do ảnh hưởng của Phan Bội Châu, người đã dành nhiều hỗ trợ cho Đào Duy Anh khi biên soạn cuốn sách này, dẫn theo ‘‘Nhớ nghĩ chiều hôm’’, hồi ký của Đào Duy Anh). Trong bộ Hán – Việt tự điển của Đào Duy Anh (1932), tác giả đã không phân định ranh giới giữa ba bộ phận: khối từ vựng gốc Hán (đã trở thành tiếng Việt), khối từ vựng tiếng Hán (hoàn toàn xa lạ với tiếng Việt) và nhóm từ vựng Hán có tiềm năng “nhập tịch” tiếng Việt (hoặc bắt đầu được du nhập vào tiếng Việt). Chính vì tình trạng mơ hồ kỳ lạ này mà đây là một cuốn từ điển rất khó xếp loại. Có người cho cuốn Hán-Việt tự điển của Đào Duy Anh là từ điển Hán-Việt / Việt (quan điểm thứ nhất), ngược lại có người xem đây là từ điển tiếng Hoa / tiếng Việt (quan điểm thứ hai). Trên thực tế, xếp từ điển này vào một trong hai loại trên đều bất cập. Chẳng hạn, nhà ngôn ngữ học Lê Xuân Thại (theo quan điểm thứ nhất), sau khi khảo sát 284 yếu tố chữ Hán trong các vần a, b, c, nhận định 74 yếu tố có thể không được xem là Hán - Việt (Từ ngữ Hán Việt - Tiếp nhận và sáng tạo, tr. 94).  Quan điểm thứ hai rất dễ dàng bị bác bỏ, bởi trong cuốn từ điển này, các từ được chọn và được sắp xếp theo cách đọc của tiếng Việt (chứ không phải theo cách đọc tiếng Hoa), nên chắc chắn không thể coi đây là từ điển Hoa - Việt.

    9/ Một chi tiết ít được chú ý trong cuốn từ điển nhưng có thể nói lên nhiều điều. Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng lưu ý: Những dòng cuối trong lời nói đầu của từ điển có ghi rõ: ‘‘Chữ c. chỉ là tiếng chữ ( chữ nhu.)”  (“Tiếng chữ” tức chữ Hán, ‘‘chữ nhu’’ tức chữ Nho). Với dòng chỉ dẫn ngắn ngủi về chữ Nho, chủ trương của Trương Vĩnh Ký, tách các từ được gọi là ‘‘chữ Nho’’ ra khỏi bộ phận còn lại của tiếng Việt đương thời, để khuyến khích thái độ tiếp thu một cách chủ động, thể hiện rất rõ. Trong lần tái bản 1920 – 1924, cũng như trong cuốn từ điển Pháp-Việt của Trương Vĩnh Ký (in năm 1878) từ vần A đến Cheval, chỉ dẫn này đều không tồn tại, cho dù thao tác dùng chữ c. để đánh dấu chữ Nho vẫn luôn hiện diện trong toàn bộ từ điển. Hiện tượng này cho thấy, việc (ngầm) tách khối từ vựng tiếng Việt ra khỏi chữ Nho rất có thể vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm trong giai đoạn này.

    10/ Có thể thấy, trong cuốn từ điển này, tuyệt đại đa số các từ tiếng Việt không được xếp vào chữ Nho, cho dù rất phổ biến các từ mà nhiều trí thức người Việt hiện nay vẫn coi là ''từ Hán-Việt'' (ví dụ như viện hàn lâm, người nông phu, đấng tạo hoá…). Điều này ắt hẳn tiềm ẩn một quan niệm của tác giả, là một khi các từ gốc Hán đã hoàn toàn nhập tịch tiếng Việt (hay đã được Việt hoá) thì không còn cần thiết ghi đây là ‘‘chữ nho” (tương tự như rất nhiều từ gốc Pháp đã được Việt hoá, như xăng, ga, xích, thìa, buýt… đều được người bản ngữ hiện nay coi là ‘‘thuần Việt’’). Một cách làm như vậy rất gần với quan điểm ‘‘đồng đại’’ sau này của Ferdinand de Saussure, người thường được coi là ‘‘ông tổ của ngôn ngữ học hiện đại’’.  ‘‘Đồng đại’’ tức đứng về phía cảm nhận của người bản ngữ đương thời, chứ không phải của người nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt, về ảnh hưởng chữ Hán đến tiếng Việt theo dòng lịch sử.  

    11/ Trương Vĩnh Ký đã nhấn mạnh trong cuốn Grammaire annamite (Ngữ pháp tiếng Việt), xuất bản trước đó hơn một năm, ‘‘tiếng Việt, cho dù mượn từ văn tự Hán ngữ nhiều chữ, nhiều diễn đạt, vẫn là một tiếng nói riêng, không phải một phương ngữ, hay thổ ngữ của tiếng Trung: Bởi tiếng Việt có các đặc ngữ riêng, các diễn đạt riêng và có các quy tắc ngữ pháp riêng.’’

    12/ Cho đến hiện nay, vấn đề phân định ranh giới tiếng Việt/chữ Nho, việc ứng xử với các từ ngữ gốc Hán, thường được gọi là ‘‘Hán-Việt’’, cũng như các yếu tố gốc Hán, dường như vẫn là chuyện nan giải với giới ngôn ngữ học. ‘‘Từ ngữ Hán-Việt’’ là từ ngữ tiếng Việt hay từ ngữ nước ngoài ? Với nhiều người, câu trả lời có vẻ đơn giản, bởi gọi là ‘‘từ Hán - Việt’’ hiển nhiên đã là từ tiếng Việt. Nhưng thực ra không hẳn. Trong cuốn ‘‘Từ ngữ Hán Việt - Tiếp nhận và sáng tạo’’ (2018), các tác giả đặt vấn đề cần tiếp tục ‘‘vay mượn từ ngữ Hán Việt để làm phong phú vốn từ ngữ tiếng Việt’’ của thế kỷ 21 (tr. 365). ‘‘Vay mượn từ ngữ Hán Việt’’, tức vay mượn các từ được coi là đã có mặt trong tiếng Việt, là một diễn đạt vụng về, phi lo-gic, một sơ suất cá nhân? Không hẳn. Bởi cũng có thể tìm thấy một diễn đạt tương tự trong cuốn ‘‘Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt’’ (2011), ‘‘Từ vựng tiếng Việt cận đại một mặt vẫn tiếp tục vay mượn từ ngữ Hán Việt khi cần thiết, mặt khác nó cũng sẵn sàng vay mượn… một số lượng không nhỏ các từ gốc Pháp’’ (tr. 439). Trao đổi với chúng tôi, nhà ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu giải thích diễn đạt  “vay mượn từ Hán Việt” nói trên là nhằm để chỉ việc ‘‘du nhập” các từ có nguồn gốc từ tiếng Hán, được đọc theo âm Hán Việt. Lời giải thích này làm rõ hơn lý do vì sao các tác giả lại sử dụng một diễn đạt như vậy, nhưng không xua tan được tính chất mơ hồ của diễn đạt. ‘‘Từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt’’ khi chưa được vay mượn đã được coi là từ Hán Việt chưa, nếu chưa thì sao gọi là ‘‘từ Hán Việt’’ ? Tính chất mơ hồ này không khỏi không nhắc đến tình trạng ranh giới bất phân giữa chữ Hán và chữ Hán - Việt trong cuốn từ điển ‘‘khó xếp loại’’ của Đào Duy Anh (chú thích 8) cùng chủ trương ‘‘Quốc văn và Hán văn đúc chung một lò’’, rất khác với quan điểm rạnh ròi tiếng Việt là chủ, Hán tự là khách mà Trương Vĩnh Ký hướng tới.

    13/ Văn Minh Tân Học Sách (“文明新學策) kêu gọi ‘‘dùng văn tự nước nhà’’, tức ‘‘chữ Quốc ngữ’’, là một văn bản chữ Hán, cũng như Quốc dân độc bản (國民讀本), hay Tân đính luân lý giáo khoa thư (新訂倫理教科).

    14/ ‘‘Nhìn lại thời tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp’’, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, 1997.

     

    Wed, 20 Mar 2024
  • 96 - Bầu cử tổng thống Nga : Ba ứng cử viên « bù nhìn » để thể hiện « đa nguyên đa đảng »

    Cuộc bầu cử tổng thống Nga và các ứng cử viên « phụ họa » tranh cử cùng Putin. Các chiến dịch gây quỹ cộng đồng để giúp người Palestine thoát khỏi Gaza. Chính phủ Luân Đôn đề xuất trả tiền để những người xin tị nạn tự nguyện rời khỏi Anh đến Rwanda. Hai tập đoàn Nissan và Honda của Nhật thông báo hợp tác để đối đầu Trung Quốc trong thị trường xe điện. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

    Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga cuối tuần này, từ ngày 15- 17/03, tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ « đấu » với 3 ứng cử viên khác là Leonid Slutski của đảng Dân chủ Tự do Nga, Vladislav Davankov, đảng Nhân dân Mới và Nikolai Kharitonov, đảng Cộng sản. Trong cuộc bầu cử mà ông Putin nắm chắc phần thắng, ba nhân vật này trên thực tế chỉ là bù nhìn, là những người múa phụ họa, tạo ra vẻ ngoài « đa nguyên đa đảng » cho cuộc bỏ phiếu.

    The AFP, ngay khi tuyên bố « tranh cử », Leonid Sloutski, 56 tuổi, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga đã nhận định «một chiến thắng lớn»sẽ thuộc về Vladimir Putin. Về phần mình, Nikolai Kharitonov, được coi là một chính trị gia kỳ cựu, từng tranh cử năm 2004, nêu ra các chính sách trong chương trình tranh cử như quốc hữu hóa sản xuất và ủng hộ việc tăng tỷ lệ sinh. Đây lại là hai định hướng chính của đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất. Nhân vật cuối cùng là Vladislav Davankov, 39 tuổi, ứng cử viên trẻ nhất, muốn thúc đẩy sự tự do cho các doanh nghiệp. Ông cũng giữ vị trí phó chủ tịch Quốc Hội, và ủng hộ hầu hết các chính sách của Vladimir Putin.

    Trên thực tế, phe đối lập thực sự đã bị đè bẹp sau nhiều năm đàn áp. Trước cuộc bầu cử, những tiếng nói bất đồng với cuộc chiến ở Ukraina đã bị bịt miệng bằng các khoản tiền phạt hoặc bị bắt giữ. Hai nhà đối lập muốn đối đầu với Putin là Dountsova và Boris Nadejdine đã bị Uỷ ban bầu cử từ chối cho tranh cử tổng thống.

    Tuy nhiên, theo France 24, không thể không loại trừ khả năng những thành phần chống chiến tranh Ukraina được huy động để phản đối Putin. Bà Yulia Navalnaïa, vợ của nhà đối lập quá cố Alexei Navalny, bỏ mạng trong một nhà tù ở Bắc Cực, đã kêu gọi dân Nga bày tỏ sự phản đối với Vladimir Putin tại hòm phiếu. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin của các nhà hoạt động Nga lưu vong dự trù diễn ra vào cuối tuần này tại Paris, Berlin hay Luân Đôn.

    Nga đàn áp đối lập ở nước ngoài ?

    Litva, nơi có khoảng 15 000 người Nga sinh sống, cũng là một trong những điểm đến xin tị nạn của nhiều nhà đối lập Nga từ nhiều năm qua. Leonid Volkov là một trong số họ. Ông cũng từng là cánh tay phải của Alexeï Navalny. Vào đầu tuần này Volkov đã bị thương do bị hành hung dã man tại nhà riêng ở Vilnius, thủ đô Litva. Vụ này dấy lên lo ngại về sự an toàn của những nhà đối lập Nga sinh sống tại nước ngoài.

    Từ Vilnius, thông tín viên Marielle Vitureau cho biết thêm thông tin :«Có rất đông người Nga ở Litva nhưng họ không phải là một cộng đồng đoàn kết. Tuy nhiên, vẫn có thể cảm nhận được mối lo ngại của họ ở một số nhóm khác nhau. Trong số những người từng thân cận với Navalny, có mặt ở Litva từ vài năm qua, một số cho rằng hành động gây hấn vừa qua là để hù dọa những ai phản đối Vladimir Putin.

    Một số người xin giấu tên, bày tỏ ngạc nhiên khi thấy vụ việc vừa rồi lại có thể xảy ra ở Litva. Những người khác, như nhà báo Mikhail Maglov, thân cận với Boris Nemtsov, thì cho rằng chính quyền Nga hy vọng họ phải sợ hãi sau cái chết của Navalny. Tuy nhiên, nhiều người lại không nhượng bộ, nên cuộc tấn công đó có thể được dự đoán trước.

    Trong cuộc họp báo, cảnh sát Litva tỏ ý lảng tránh và mọi người hiểu là một số thủ tục sẽ được xem xét lại. Leoni Volkov sẽ được bảo hộ trong một thời gian. Hiện nay, chỉ có một số người được đặt trong chế độ bảo hộ của Litva, như trường hợp của Svetlana Tikhanovskaïa, lãnh đạo phe đối lập Belarus, đã đến Vilnius vào tháng 08/2020. Tuy nhiên, nhiều nhà đối lập tin rằng đây chỉ là khởi đầu, Vladimir Putin theo dõi những người chống đối ông ngay cả ở nước ngoài. Trường hợp gần đây nhất mà mọi người đều nêu ra là cái chết của một phi công Nga muốn đào tẩu sang Ukraina. Thi thể của ông được tìm thấy ở Tây Ban Nha. » 

    Anh Quốc : Cho tiền để người xin tị nạn tự nguyện rời đi

    Vẫn về thời sự ở châu Âu, chính phủ Anh Quốc đã lên kế hoạch gửi người di cư đến Rwanda từ nhiều tháng qua, nhưng bất thành do sự phản đối của ngành tư pháp. Nay Luân Đôn muốn trả tiền cho những người xin tị nạn để họ đồng ý đi nơi khác. Từ thủ đô Anh Quốc, thông tín viên Emeline Vin tường trình :

    « Nhận 3500 euro và rời khỏi Anh đến định cư ở Rwanda, đó là đề xuất của chính phủ Anh đối với những người xin tị nạn mà Anh muốn trục xuất, thay vì gửi trả họ về nước. Ở Rwanda, những người di cư có quyền làm việc. Hơn nữa, dự án này nằm trong thỏa thuận hợp tác chuyển hệ thống tiếp đón người tị nạn đến Rwanda, vốn đã bị tư pháp Anh ngăn chặn cách đây hai năm. Trên đài phát thanh Times Radio, bộ trưởng Bưu Điện (Post Office) Kevin Hollirake biện minh : ‘Chúng tôi đã trao khoản tiền này cho những người bị từ chối cấp quyền tị nạn, để giúp họ tái định cư, trở lại đất nước của họ. 3500 euro là một khoản lớn, nhưng sẽ đắt hơn nếu muốn để họ ở lại Anh một cách bất hợp pháp.

    Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng bất cứ ai đến tận đây để được nhận 3500 euro rồi đến Rwanda.’

    Qua thỏa thuận này, chính phủ có thể có được giữ được lời hứa với các cử tri bảo thủ về hình ảnh một chiếc máy bay chở toàn người di cư đến Rwanda. Công Đảng đối lập cáo buộc chính phủ muốn giữ thể diện. Người phát ngôn của đảng này nhận định : 'Chính phủ cuối cùng cũng thừa nhận rằng chương trình Rwanda không có cơ hội thành công, nên họ đành phải trả tiền cho những người muốn đến đó'.Chính phủ hiện vẫn chưa nói rõ khi nào thì chương trình ‘tái định cư tự nguyện’ sẽ bắt đầu ».

    Kêu gọi trợ giúp cộng đồng để rời khỏi Gaza

    Về thời sự Trung Đông, cuộc chiến ở Gaza vẫn là chủ đề được quốc tế quan tâm trong tuần vừa qua. Các cuộc đàm phán về hưu chiến cho đến nay vẫn bế tắc. Quân đội Israel liên tục tấn công dải đất là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Hôm thứ Sáu, Hamas tố cáo quân đội Israel tấn công vào những người Gaza đang chờ hàng cứu trợ, khiến 20 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương. Quân đội của Nhà nước Do Thái đã bác bỏ điều này. Gần 6 tháng chiến tranh, Liên Hiệp Quốc lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo thêm trầm trọng và nạn đói lan rộng tại dải đất hiện đang bị Israel bao vây.

    Trước những đe dọa đến tính mạng, nhiều người Gaza cố tìm cách sang Ai Cập lánh nạn. Ban đầu Cairo kiểm soát chặt cửa khẩu với Gaza, chỉ chấp nhận những người song tịch, nhưng nay đã nới lỏng quy định, chỉ cần nộp đủ tiền. Thế nhưng chi phí khá đắt đỏ và không phải ai cũng có điều kiện chi trả, do vậy mà nhiều chiến dịch gây quỹ cộng đồng đã được mở ra. Trên trang GoFundMe, dưới sự giúp đỡ của một người bạn, Saed Mgharee đã kêu gọi mọi người đóng góp, hỗ trợ gia đình mình rời khỏi Gaza. Trả lời RFI Pháp Ngữ, Sahed cho biết : « Chúng tôi muốn rời khỏi Gaza một cách hợp pháp, và chúng tôi phải trả mỗi người 5000 euro. Chi phí cho cả gia đình tôi lên đến 30 000 euro để qua được cửa khẩu Rafah, Ai Cập ».

    Mỗi ngày, khoảng 200 dự án được mở ra trên trang mạng gây quỹ cộng đồng, nhằm hỗ trợ những nạn nhân người Palestine hay Israel trong cuộc xung đột này. Đối với những người hiện đang ở Gaza, họ không thể tự mình mở chiến dịch gây quỹ mà phải thông qua những người quen sống ở các nước mà trang GoFundMe hoạt động. Tuy nhiên điều này cũng khá là may rủi vì có những trường hợp lừa đảo. Cô Mai Rajab, trên mạn xã hội X, kể về việc nhờ người thứ ba mở chiến dịch gây quỹ để giúp cô và gia đình rời khỏi Gaza. Tuy nhiên người này đã biến mất sau khi nhận được 50 000 euro ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.

    Nhật Bản : Hai đối thủ xe hơi Nissan và Honda hợp tác để cạnh tranh với xe điện Trung Quốc 

    Nhìn sang châu Á, tại Nhật Bản, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc trên thị trường xe điện, Nissan và Honda, hai tập đoàn xe hơi hàng đầu của Nhật trong tuần này đã quyết định  hợp tác nghiên cứu, phát triển các linh kiện chủ chốt trong xe điện, các loại công nghệ, hoặc thậm chí là mua hàng chung. Theo Les Echos, trong một cuộc họp báo hôm 15/03, lãnh đạo tập đoàn Honda Toshihiro Mibe cho biết : « Các kỹ sư của chúng tôi sẽ bắt đầu gặp gỡ và làm việc với nhau để xác định lĩnh vực nào mà hai doanh nghiệp sẽ có lợi khi hợp tác với nhau để giảm chi phí và đẩy nhanh thời gian phát triển sản phẩm ».Lãnh đạo của Nissan Makoto Uchiba thì nhận định « chúng tôi sẽ không thể chiến thắng cuộc đua trong lĩnh vực xe điện (trước đối thủ Trung Quốc), nếu vẫn giữ cách tiếp cận truyền thống ».Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm :

    « Nissan và Honda đang rất lo lắng trước BYD - doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc về xe điện, hiện đang thách thức các nhà sản xuất trên chính thị trường của họ. Ban đầu, Nissan và Honda sẽ thực hiện nghiên cứu khả thi để phát triển một nền tảng chung về việc sử dụng các phần phềm trên xe điện.

    Hai tập đoàn này muốn củng cố sức mạnh trong lĩnh vực xe điện, thị trường mà các thương hiệu Trung Quốc đã nhanh chóng qua mặt toàn bộ ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng của Nissan và Honda đã sụt giảm vào năm ngoái.

    Nissan vẫn luôn hợp tác trong lĩnh vực xe điện với Renault tại châu Âu. Tuy nhiên, việc cân bằng lại hợp tác với hãng xe của Pháp sẽ cho phép tập đoàn này đàm phán một hợp tác chiến lược với Honda để có thể đối đầu tốt hơn trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Chính sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc đã buộc Nissan và Honda, vốn là hai đối thủ lịch sử, phải làm việc cùng nhau. »

    Sat, 16 Mar 2024
  • 95 - Mỹ: Tiktok phải ‘‘cắt đứt với đảng Cộng Sản Trung Quốc hoặc rời khỏi Hoa Kỳ’’

    Tiểu ban Hạ Viện Mỹ ‘‘phụ trách chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc’’ thông qua dự luật buộc ứng dụng Tiktok ‘‘hoặc cắt đứt quan hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc, hoặc rời khỏi thị trường Mỹ’’. Đặc sứ Trung Quốc công du châu Âu lần thứ hai tìm giải pháp cho chiến tranh tại  Ukraina.

    Căng thẳng gia tăng một nấc tại Biển Đông. Hải cảnh Trung Quốc làm bị thương nhiều nhân viên Tuần duyên Philippines, tổng thống Philippines tuyên bố ‘‘không nhân nhượng chủ quyền dù chỉ một ly’’, nhưng chưa yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp. Chiến tranh kéo dài hơn 150 ngày tại Gaza. Người theo đạo Hồi sắp bước vào kỳ Ramadan nhưng đàm phán ngừng bắn chưa đạt kết quả: Dân Palestine có nguy cơ chết đói, Mỹ quyết định lập cầu cảng tại Gaza để cấp viện trợ không thông qua Israel. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố số liệu về biến đổi khí hậu, cho thấy phụ nữ phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn nhiều so với nam giới. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    ***

    Ứng dụng Tiktok với khoảng 170 triệu người sử dụng tại Mỹ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường, nếu không rời bỏ các quan hệ ‘‘mờ ám’’ với Bắc Kinh. Báo Hồng Kông South China Morning Post, hôm 06/03/2024, có bài ‘‘Tiktok được yêu cầu cắt đứt quan hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc hoặc mất khách hàng tại Mỹ’’, cho biết các nhà lập pháp Mỹ đang nỗ lực chuẩn bị ra luật buộc ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, phải ‘‘thoái vốn’’ khỏi Tiktok trong vòng 180 ngày, nếu không sẽ bị cấm.

    Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc ByteDance, có trụ sở tại ‘‘thiên đường thuế’’ Caimans, trị giá hơn 200 tỷ đô la, bị cáo buộc là ‘‘công cụ’’ trong tay chế độ cộng sản Trung Quốc (báo cáo của Thượng Viện Pháp 2023). Tập đoàn ByteDance hiện cũng đang bị bộ Tư Pháp Hoa Kỳ điều tra trong nghi án giám sát các nhà báo Mỹ.

    Dự thảo luật của lưỡng đảng do tiểu ban phụ trách chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, do dân biểu Cộng Hòa Mike Gallagher chủ trì, đã được bỏ phiếu tại cấp tiểu ban hôm 07/03, với sự ủng hộ của toàn bộ 50 dân biểu. Dự luật yêu cầu Tiktok ‘‘cắt đứt quan hệ với đảng Cộng Sản Trung Quốc’’ được chính phủ Mỹ hỗ trợ soạn thảo. Hôm qua, 08/03, tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẽ sớm phê chuẩn luật, nếu Quốc Hội lưỡng viện thông qua. Theo AP, dự luật nhiều khả năng sẽ sớm vượt cửa ải Hạ Viện đầu tuần tới. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson, đảng Cộng Hòa, nhấn mạnh: “Đây là một biện pháp quan trọng của lưỡng đảng để đối phó với Trung Quốc, kẻ thù địa-chính trị lớn nhất của chúng ta, hiện đang tích cực phá hoại nền kinh tế và an ninh của chúng ta’’. Tại Thượng Viện, một số nghị sĩ cho biết dự luật có thể sẽ buộc phải có một số chỉnh sửa.

    TikTok thanh minh là chưa từng chuyển dữ liệu của người sử dụng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc, đồng thời lên án ‘‘lệnh cấm’’ vi phạm quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp Mỹ, xâm hại quyền lợi của ‘‘5 triệu doanh nghiệp nhỏ’’ sử dụng ứng dụng này. Tiktok kêu gọi 170 triệu người sử dụng phản đối dự luật. Bắc Kinh theo sát vụ này. Hôm qua, 08/03, Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cảnh báo luật này nếu được thông qua ‘‘sẽ khiến quan hệ song phương rạn nứt.’’

    Ngăn chặn ‘‘con ngựa thành Troa’’ Tiktok và ‘‘giảm thiểu rủi ro’’

    Dự luật yêu cầu Tiktok phải lựa chọn, hoặc cắt đứt quan hệ với nhà cầm quyền Trung Quốc, hoặc rời khỏi Hoa Kỳ cho thấy những liên hệ mật thiết giữa kinh tế với vấn đề an ninh, chính trị trong quan hệ Mỹ - Trung. Việc Quốc Hội Hoa Kỳ hướng đến ‘‘tối hậu thư’’ nói trên với Tiktok nằm trong chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ (de-risking) trong quan hệ với Trung Quốc, mà chính quyền của tổng thống Joe Biden xác lập kể từ đầu năm 2023.

    Đọc thêm : Tại sao TikTok là mối đe dọa với nhiều nước phương Tây ?

    Khác hẳn với chủ trương tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc (decoupling), chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ nhắm vào một số lĩnh vực được coi là đe dọa an ninh quốc gia, như các công nghệ cao, thông tin về bộ máy nhà nước, thông tin về cá nhân người Mỹ…. Trường hợp Tiktok cho thấy việc thực thi chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ trong quan hệ với Trung Quốc là điều không hề đơn giản tại các xã hội nơi mà quyền tự do kinh doanh, tự do ngôn luận vốn là khuôn vàng thước ngọc. Năm 2020, ông Donald Trump khi còn là tổng thống từng ra lệnh cấm các ứng dựng TikTok và WeChat của Trung Quốc, nhưng lệnh không được thực thi, do bị tư pháp ngăn chặn.

    Bắc Kinh đồng nhất chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ của Âu - Mỹ với chủ trương  ‘‘tách rời’’ Trung Quốc

    Gần đây có một hiện tượng lạ. Trên một số phương tiện truyền thông phương Tây, chủ trương ‘‘tách rời’’khỏi kinh tế Trung Quốc tiếp tục bị lên án là ‘‘thất bại’’, cho dù chính quyền Mỹ hiện tại không đi theo chủ trương này, còn Liên Âu cũng không hề có chủ trương như vậy. Bắc Kinh liên tục lên án phương Tây mưu đồ ‘‘tách rời’’ khỏi kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cũng thường đồng nhất chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ hiện tại của phương Tây đối với Trung Quốc với chủ trương ‘‘tách rời’’ khỏi kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ là chính sách thông thường trong kinh doanh, chưa kể đến lý do an ninh quốc gia, và chính Bắc Kinh cũng đã ngầm thực thi chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ trước phương Tây từ hơn mười năm nay, đặc biệt với chính sách ‘‘Made in China 2025’’.

    Đọc thêm : « Tách rời khỏi Trung Quốc »: Trump và Biden đều thất bại

    Chỉ trích chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ của phương Tây với Trung Quốc phải chăng là một cách nhắc lại lập trường của Bắc Kinh ? Một cách để làm giảm ý nghĩa các nỗ lực của chính quyền các nước phương Tây trong việc thực thi chính sách ‘‘giảm thiểu rủi ro’’ với Trung Quốc, vốn không hề dễ dàng? Hay nhằm gieo rắc tâm lý ‘‘chủ bại’’ trong các xã hội phương Tây trong quan hệ với Trung Quốc?... Có nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề này.

    Chiến tranh Ukraina : Chuyến công du châu Âu lần thứ hai của đặc sứ Trung Quốc

    Hồi tháng 5/2023, trước thềm cuộc phản công chống Nga của quân đội Ukraina, Trung Quốc cử đến châu Âu đặc sứ tìm ‘‘giải pháp chính trị’’ cho cuộc chiến tranh tại Ukraina. Vòng công du đầu tiên của đặc sứ Lý Huy (Li Hui), nguyên đại sứ Trung Quốc tại Nga, phụ trách các vấn đề Á - Âu, không mang lại kết quả. Vào dịp cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang năm thứ ba, Bắc Kinh một lần nữa cử đặc sứ Lý Huy đi châu Âu.

    Đọc thêm : Xung đột Nga-Ukraina : Trung Quốc thực tâm hay chỉ « vờ » làm trung gian hòa giải ?

    Ngày 04/03, người đứng đầu khu vực Đông Âu và Trung Á của ngành ngoại giao châu Âu, Michael Siebert, và người phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Niclas Kvarnström, đã gặp đặc phái viên Lý Huy tại Bruxelles. Theo thông tin trên trang mạng của ngành Ngoại Giao Liên Âu, hai bên đã thảo luận về cuộc chiến tranh ‘‘bất hợp pháp’’ của Nga chống Ukraina, và phương thức thúc đẩy giải pháp hòa bình ‘‘công bằng và bền vững’’.  Liên Âu nhấn mạnh, ‘‘các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc’’, ‘‘chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina phải là nền tảng cho bất kỳ giải pháp cuối cùng nào’’. Bruxelles cũng kêu gọi Bắc Kinh có các hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn xuất khẩu sang Nga ’’các mặt hàng lưỡng dụng quân sự - dân sự’’ cùng công nghệ tiên tiến, để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

    Ngày 06/03, thứ trưởng Ngoại Giao Ba Lan Wladyslaw T. Bartoszewski đã tiếp đặc phái Trung Quốc Lý Huy. Tương tự như Liên Âu, chính quyền Ba Lan kêu gọi Trung Quốc ‘‘không cung cấp bất kỳ hỗ trợ chính trị, kinh tế và quân sự nào cho Nga với tư cách là kẻ tiến hành cuộc xâm lược’’ chống Ukraina, đồng thời phản đối quan điểm biện minh cho hành động gây hấn của Nga nhân danh cái gọi là ‘‘những lo ngại về an ninh chính đáng’’, lập luận mà Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra.

    Hơn hai năm kể từ khi Nga mở màn cuộc xâm lăng Ukraina, ít tuần sau khi Bắc Kinh và Matxcơva khẳng định quan hệ đối tác ‘‘không giới hạn’’, các nước châu Âu không đặt nhiều hy vọng vào vai trò trung gian của Trung Quốc, và tiếp tục cảnh giác với nguy cơ Bắc Kinh ngầm gia tăng các hỗ trợ quân sự cho Nga. Trong loạt trừng phạt hồi tháng trước, lần đầu tiên châu Âu nhắm vào các công ty Trung Quốc, bị cáo buộc tiếp tay cho Nga.

    Biển Đông: TT Philippines không nhân nhượng ‘‘một ly lãnh thổ nào’’ cho Trung Quốc

    Biển Đông nóng thêm trong tuần qua, đặc biệt với hành động tấn công của tàu Hải cảnh Trung Quốc nhắm vào tuần duyên Philippines. Tổng thống Philippines khẳng định sẽ không nhân nhượng Trung Quốc. Tường trình của thông tín viên Juliette Pietraszewski từ Kuela Lumpur:

    ‘‘Chỉtrongmột thời gian rất ngắn,cáchình ảnh về vụ va chạm giữa haicontàu đãlan truyền trên mạng xã hội. Đứng sau các thông tin này là người phát ngôn của lực lượng Tuần duyên Philippines, người đã công khai tố cáo Hải cảnh Trung Quốc ‘‘đã có các hành động vô trách nhiệm và phi pháp”. Về phần mình, Bắc Kinh Trung Quốc cáo buộc Manila đã “cố tình đâm vào’’ tàu Trung Quốc.

    Các đụng độ lại xảy ra gần rạn san hô Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi thường xuyên là điểm đối đầu giữa hai nước.Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông.Yêu sách của Trung Quốc, xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế quốc gia, bịnhiều nước trong khu vực phản đối. Năm 2016, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Hay, không thừa nhận các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

    Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Junior, đã cam kết thực hiện chính sách xích lại gần với người Mỹ. Tham dự một diễn đàn những ngày gần đây tại Úc, tổng thống Philippines nhấn mạnh đến những căng thẳng giờ đây đã trở thành điều gần như thuyền xuyên tại Biển Đông. Ông nói: “Philippines hiện đang ở tuyến đầu cuộc chiến chống các hành động gây tổn hại đến hòa bình khu vực.Tôi sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào xâm chiếm dù chỉ một ly lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi.”

    Lập cầu cảng ở Gaza không thông qua Israel: Thủ tướng Netanyahu bị Mỹ ''sỉ nhục''

    Chiến tranh Israel chống Hamas tại Gaza đã kéo dài 5 tháng. Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Israel không chấp nhận ngừng bắn. Một nửa dân cư Gaza có nguy cơ chết đói. Chính quyền Mỹ gia tăng áp lực lên đồng minh Israel. Hôm 07/03, tổng thống Biden ra lệnh cho quân đội xây cầu cảng để đưa hàng viện trợ đến vùng lãnh thổ Palestine, mà không cần thông qua Tel Aviv. Tổng thống Mỹ lần đầu tiên gần như trực tiếp lên án Israel, khi nhắc lại con số 30.000 thường dân Palestine thiệt mạng, do Hamas - mà Hoa Kỳ coi là tổ chức khủng bố - đưa ra.

    Thông tín viên Michel Paul tường trình từ Jerusalem :

    ‘‘Lập ra một cảng biển tạm thời hoàn toàn không phải là ý tưởng mới, và chính quyền Mỹ cũng đã nhấn mạnh là việc xây dựng cầu cảng này cũng sẽ phải mất nhiều tuần lễ. Nhưng tại Israel hiện tại, người ta đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Mỹ đổi giọng (hoặc sự đổi giọng của tổng thống Mỹ).

    Dự án lập cầu cảng này sẽ được tiến hành phối hợp với Israel về những gì liên quan đến an ninh, nhưng Mỹ sẽ không tham khảo trước ý kiến của chính quyền Israel. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh : ‘‘Viện trợ cho Gaza không thể được coi là một ‘‘món hàng trao đổi’’.

    Các nhà bình luận tại Israel chú ý đến việc, đây là lần đầu tiên tổng thống Joe Biden đưa ra nhận định về số lượng nạn nhân Palestine, căn cứ trên số liệu mà bộ Y Tế Hamas công bố. Vào thời điểm đầu xung đột, tổng thống Mỹ đã từng bày tỏ hoài nghi về mức độ chính xác của con số này. Giờ đây ông tuyên bố: ‘‘Hơn 30.000 người Palestine bị giết hại, và đa số họ không phải là thành viên của tổ chức Hamas’’.

    Lập trường mới nói trên của nước Mỹ, được nhiều người ở đây, đặc biệt là đối lập Israel, xem như là một sự lăng nhục thực sự đối với thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu.’’

    Giảm ăn thịt để hãm biến đổi khí hậu: Thái độ của người dân Texas

    Chăn nuôi chịu trách nhiệm 12% của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất bị hâm nóng, theo số liệu của FAO, cơ quan lương nông quốc tế. Người dân bang Texas, Hoa Kỳ, nghĩ sao về khả năng giảm ăn thịt để giúp hãm lại đà biến đổi khí hậu. Phóng sự của thông tín viên Thomas Harms từ Houston:

    ‘‘Ở Montana, bang viễn Tây nước Mỹ, người ta ăn thịt đỏ từ 5 đến 6 ngày một tuần, dưới một chút là các bang Trung Tây và Texas, tiêu thụ thịt đỏ từ 3 đến 4 ngày một tuần, hoặc hơn nữa. Vì vậy, điều hiển nhiên là, trước cửa một siêu thị ở Houston, bang Texas, để trả lời cho câu hỏi ‘‘liệu bạn có  muốn giảm lượng tiêu thụ thịt không, khi biết đến số liệu của FAO ?”, Manuel người cuồn cuộn cơ bắp bật lại ngay:  “Không, tôi đến đây chỉ để mua thịt”…

    Với James, một khách hàng khác có bộ râu dài, mang áo phông của một câu lạc bộ bóng bầu dục Mỹ ở Texas, thì ‘‘chuyện này không thay đổi bất cứ điều gì. Tôi không tin vào những chuyện linh tinh người ta nói về khí hậu, cũng như kế hoạch mà FAO và các tổ chức khác đang cố gắng thúc đẩy’’. Nói rồi, James chui vào chiếc xe bán tải của mình.

    Cô Connie thì không tin vào những con số này. Cô nói: “Tôi không nghĩ người ta có thể từ bỏ đơn giản như vậy. Tôi không nói rằng mọi người không muốn thay đổi, nhưng cần phải có những lý do chính đáng để thay đổi thói quen. Bạn đang nói với tôi về một con số 12% chẳng có nghĩa lý gì với tôi cả.’’ 

    Một người thanh niên khác ngập ngừng trước khi trả lời: “Điều này có ảnh hưởng đến chúng tôi không? Có lẽ trong tương lai rất xa. Nhưng liệu tôi có nên ăn ít thịt hơn không? Tôi không biết, tôi chỉ đang cố gắng giữ sức khỏe’’.

    Cuối cùng Engie, người không muốn tiết lộ danh tính, nói với chúng tôi rằng gia đình cô ấy đang trong quá trình thay đổi chế độ ăn uống và từ bỏ giáo điều bất khả xâm phạm về việc cần phải ăn thịt hàng ngày.’’

    Giảm tiêu thụ thịt giúp giảm bất công với phụ nữ

    Một nghiên cứu của tổ chức nông lương của Liên Hiệp Quốc, công bố nhân ngày Quốc tế phụ nữ, nhấn mạnh là biến đổi khí hậu gây nhiều hậu quả cho phụ nữ hơn hẳn đàn ông. Nhiệt độ tăng cao gây thiệt hại thêm khoảng 37 tỉ đô la với phụ nữ. Một lý do chủ yếu là do phụ nữ là người làm việc nhiều hơn trên đồng ruộng, nơi chịu tác động mạnh của biến đối khí hậu. Giảm thói quen ăn thịt quá nhiều với một số tầng lớp xã hội được coi là biện pháp hữu hiệu giúp giảm biến đổi khí hậu, cũng là điều giúp giảm bất bình đẳng nam nữ.

    Sat, 09 Mar 2024
  • 94 - Hàn Quốc gián tiếp cung cấp đạn pháo cho Ukraina thông qua Mỹ

    Chiến sự ở Ukraina và mối đe dọa xung đột lan rộng, giới nông dân châu Âu tiếp tục phản kháng, Trung Quốc tăng cường an ninh nhân cuộc họp thường niên của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc Hội), chính quyền Canberra tiết lộ mạng lưới gián điệp hoạt động ở Úc. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.

    Nếu như những ngày đầu chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nguyên thủ phương Tây hiếm hoi chủ trương đàm phán với tổng thống Nga Vladimir Putin, và nhất là không được « sỉ nhục » nước Nga, thì trong tuần vừa qua, ông đã không loại trừ khả năng, trong tương lai, đưa quân sang Ukraina, hỗ trợ Kiev chống lại Nga. Tổng thống Pháp cũng nói rõ là lực lượng châu Âu vẫn chưa thống nhất được quan điểm về việc này.

    Những phát biểu được đưa ra tại một cuộc họp về viện trợ cho Ukraina do tổng thống Macron chủ trì ở Paris, đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phản đối của các nước phương Tây. John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, khẳng định sẽ không có bất cứ lính Mỹ nào trên lãnh thổ Ukraina. Anh Quốc cũng nhanh chóng tỏ rõ ý định không gửi quân đến Ukraina… NATO cũng bác bỏ khả năng này.

    Đọc thêm : Putin dọa chiến tranh hạt nhân: Mỹ, Pháp lên án phát biểu ‘‘vô trách nhiệm’’

    Những lời lẽ được ông Macron sử dụng và tổng thống khẳng định là “đã cân đo đong đếm trước”, đã khiến chủ nhân điện Kremlin không thể không ra mặt. Chiều 29/02, trong một bài phát biểu, Vladimir Putin đã đáp trả bằng những lời lẽ cứng rắn, nêu ra “mối đe dọa thực sự” của chiến tranh hạt nhân nếu căng thẳng ở Ukraina leo thang. Ông chủ điện Kremlin cũng khẳng định rằng quân đội Nga đang trên đà tiến theo nhiều ngả khác nhau. Trong khi cách nay một năm, quân đội Nga đã buộc phải rút hỏi miền nam và đông bắc Ukraina, thì hiện nay lực lượng của Kiev đang gặp nhiều thất bại trong cuộc phản công và gần đây, đã để mất thành phố miền đông Avdiivka, vào tay quân Nga.

    Vũ khí Hàn Quốc được chuyển tới chiến trường Ukraina

    Về viện trợ cho Ukraina, gói hỗ trợ của Hoa Kỳ vẫn bị chặn ở Hạ Viện, Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết giao 1 triệu đạn pháo cho Kiev, nhưng cho đến nay, chỉ thực hiện được 30%. Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của CH Séc, mua đạn dược bên ngoài châu Âu để chuyển đến Kiev. Hàn Quốc là một cái tên được nêu ra, khi nước này gần đây, tăng cường ngành công nghiệp vũ khí.

    Trả lời RFI Pháp Ngữ, ông Vincent Touret cho biết : “Nếu như cuộc phản công của Ukraina có thể thực hiện được thì là vì Hàn Quốc đã chấp nhận, thông qua trung gian Mỹ(luật pháp Hàn Quốc cấm cung cấp vũ khí sát thương cho các vùng chiến sự), hỗ trợ cho Kiev 500.000 quả đạn pháo. Trên hết, có một ván chơi billard ở đây, vì Hàn Quốc trên thực tế có lợi nếu Nga thất bại trong cuộc xung đột ở Ukraina. Bởi vì hiện nay, Nga đang “nuôi sống” Bắc Triều Tiên, qua việc mua đạn pháo từ nước láng giềng phía bắc và Hàn Quốc mong muốn trục Bình Nhưỡng - Kremlin bị phá huỷ”. 

    Trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, theo Nikkei Asia, Hàn Quốc đã phát triển hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ và tìm kiếm cơ hội trong thị trường quốc tế. Chiến tranh Ukraina đã khiến đạn pháo toàn cầu bị thiếu hụt, các công ty về vũ khí Hàn Quốc đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, đề xuất những sản phẩm không cần công nghệ cao nhưng giá cả phải chăng.

    Vào năm 2023, tập đoàn Hanwha Aerospace của Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 2,6 tỷ đô la, cung cấp 152 khẩu pháo tự hành cho Ba Lan từ nay đến năm 2027. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới trong giai đoạn từ 2018-2022. Mục tiêu của tổng thống Yoon Suk Yeol là đến năm 2027, đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ Tư, chỉ sau Mỹ, Nga và Pháp. 

    Sau cái chết của Alexei Navalny, đối lập Nga còn lại những ai ?

    Tin tức về cái chết của nhà đối lập Nga Alexei Navalny vẫn là chủ đề được báo chí quốc tế quan tâm trong tuần qua. Tang lễ của ông đã được cử hành công khai tại một nhà thờ ở thủ đô Matxcơva, hôm 01/03, với sự hiện của nhiều người ủng hộ ông ngay bên ngoài nhà thờ.

    Sự ra đi của Alexei đã để lại một khoảng trống lớn trong phe đối lập Nga, đa số đều đã tị nạn ở nước ngoài, hoặc bị bỏ tù. Tiêu biểu như trường hợp của Vladimir Kara Murza, đã bị kết án 25 năm tù vì tội phản quốc, khi mạnh mẽ phản đối chiến tranh Ukraina. Hay trường hợp của nhà đối lập Illia Iachine, bị kết án 8 năm tù giam. Ông Ilia chỉ mới hay tin về cái chết của Alexei vào đầu tuần này và đã đăng bài trên mạng xã hội, lên án sự tàn nhẫn của Putin.

    Thông tín viên El Jabri, từ Matxcơva cho biết thêm :

    « Bài đăng này, Ilia Iachine đã viết với một nỗi đau sâu thẳm, với sự phẫn nộ và lòng kiên quyết. Ông từng là người đồng hành với Boris Nemtsov, bị ám sát năm 2015 và cũng là một người bạn của Alexei Navalny.

    Trong bức thư, ông viết : “Hai người bạn của tôi đã mất, tôi cảm thấy trong tôi một khoảng trống tối tăm. Tôi không thể chịu đựng được nỗi đau, nỗi kinh hoàng này”. Những dòng chữ của ông rất cụ thể và và thẳng thắn buộc tội : “Theo Putin, đó là cách để khẳng định quyền lực, thông qua việc giết người, sự tàn nhẫn, và chỉ rõ là hành động trả thù. Đó không phải là suy nghĩ của một người lãnh đạo Nhà nước mà là suy nghĩ của một thủ lĩnh băng đảng.” 

    Vladimir Putin một lần nữa lại bị xúc phạm. Trước công chúng, nguyên thủ Nga luôn giả vờ phớt lờ Alexey Navalny. Ilia so sánh hai người : Alexey sẽ mãi được lịch sử ghi nhận là một người có lòng dũng cảm đặc biệt, coi thường nỗi sợ hãi và cái chết”, còn Putin sẽ chỉ là một người đàn ông nhỏ bé, ẩn giấu trong boong ke, giết người lén lút và bắt hàng triệu người làm con tin.

    Ilia Iachine cũng viết rõ là ông ấy nhận thức được những rủi ro : “Tôi hiện đang ở sau song sắt và mạng sống của tôi nằm trong tay Putin”. 

    Nông dân Ba Lan lần đầu đến biểu tình ở Vacxava  

    Vẫn về thời sự châu Âu, trong tuần vừa qua, cuộc phản kháng của giới nông dân châu Âu nổ ra từ hơn một tháng qua, vẫn tiếp diễn với các cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ, nỗi bất bình trong nghề nông và các chính sách bất cập của Liên Âu, diễn ra ở nhiều nước, tại Bỉ, Tây Ban Nha hay là ở Pháp. Tại thủ đô Paris, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra nhân Hội chợ quốc tế nông nghiệp. Hôm thứ Sáu, các nông dân thuộc hội Điều phối nông thôn (Coordination rurale) đã đổ rơm rạ ngay trên đại lộ Champs-Elysées, gần Khải Hoàn Môn. Nhiều nông dân cũng lái máy kéo đến trước Cung điện Versailles.

    Đọc thêm : Chính Sách Nông Nghiệp Chung Châu Âu: Cội nguồn khủng hoảng nông nghiệp Pháp

    Còn tại thủ đô Vacxava của Ba Lan, hôm thứ Ba vừa qua, khoảng 10.000 nông dân đã đến biểu tình, để phản đối Thỏa thuận xanh châu Âu. Các nông dân cũng đòi chính quyền kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng thực phẩm nhập khẩu từ Ukraina với giá rẻ, được cho là gây ra cuộc cạnh tranh không công bằng với nông dân Ba Lan. Thông tín viên Martin Chabal cho biết thêm tình hình :

    « Đây là lần đầu tiên kể từ khi phong trào phản kháng bắt đầu, các nông dân đến Vacxava, và họ gây tiếng ồn.

    Piotr làm nghề nuôi ong và phản đối việc nhập khẩu mật ong từ Ukraina, làm giảm giá bán mật ong Ba Lan. Ông giải thích : “Nếu chúng tôi không đấu tranh ngay bây giờ, thì thật không may là trong vài năm nữa, sẽ không còn nông dân Ba Lan nào cả. Nhưng không chỉ riêng nông dân Ba Lan mà ngay cả nông dân châu Âu cũng sẽ mất nghề…”

    Các nông dân Ba Lan cũng thấy mình trong cùng trận chiến cùng các nông dân châu Âu nói chung. Lucian làm nghề chăn nuôi bò sữa. Ông cho biết : “Chúng tôi không thể sống nhờ vào công việc của mình nữa. Và Liên Hiệp Châu Âu không có hành động nào. Dù làm việc tại một nông trại ở Pháp, Đức, hay Bỉ, chúng tôi đều phải làm việc trong điều kiện khó khăn”.

    Ông Lucian cho rằng, ngay cả khi châu Âu đưa ra gói viện trợ cho nông dân thì điều này vẫn là chưa đủ. “Chúng tôi không muốn xin viện trợ cho mỗi hecta ngô, như là những khẩu hiệu được hét lên ở đây. Chúng tôi chỉ muốn có được giá tốt”.

    Vào cuối buổi biểu tình, một nhóm nông dân đã được lãnh đạo Quốc Hội tiếp. Thế nhưng họ không hài lòng với cuộc thảo luận và hứa hẹn là sẽ tiếp tục chặn đất nước đến khi nào Ba Lan bác bỏ Thỏa thuận xanh châu Âu ».

    Trung Quốc tăng cường an ninh nhân hai phiên họp toàn thể thường niên

    Nhìn sang khu vực châu Á Thái Bình Dương, tại Bắc Kinh, vào đầu tuần tới, hơn 3.000 đại biểu, thuộc giới tinh hoa chính trị Trung Quốc sẽ có mặt tại thủ đô nhân hai phiên họp toàn thể thường niên (Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc).

    Cũng như mọi năm, tình hình an ninh ở thủ đô được siết chặt. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết tình hình cụ thể :

     « Theo Weixin, kênh truyền thông của Nhà nước Trung Quốc, từ ngày 01-12 tháng Ba sắp tới, các loại máy bay "nhỏ, bay thấp, hay bay với tốc độ chậm", nói cách khác là các loại drone, sẽ bị cấm sử dụng tại Bắc Kinh, ngay cả với các mục đích như thể thao hay quảng cáo. (Lệnh cấm cũng được áp dụng đối với tất cả các vật thể bay, như đồ chơi điều khiển từ xa, hoặc thậm chí là cả chim bồ câu…).

    Các lệnh cấm này thường được đưa ra vào mỗi kỳ họp thường niên của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại thủ đô. Trên đường phố, các tình nguyện viên được triển khai, tăng cường giám sát cùng với các camera và lực lượng cảnh sát. Từng đơn vị lao động, từng lĩnh vực được yêu cầu tăng cường carh giác.

    Chính quyền cũng thiết lập vòng kiểm soát an ninh lần thứ hai tại các dịch vụ giao hàng nhanh đến Bắc Kinh. Nhân viên giao hàng, phụ trách đóng gói kiện hàng giải thích : "Từ nay, mọi người cần phải ghi tên thật khi muốn gửi đồ, phải để lại tên Trung Quốc và số căn cước. Đó là vì hai phiên họp sắp bắt đầu. Lần sau, đừng quên mang thẻ căn cước đến !"

    Để bảo đảm môi trường an ninh tốt cho hai phiên họp toàn thể hàng năm của Trung Quốc, và sau một chuỗi các thảm kịch hỏa hoạn chiếm trang nhất nhiều mặt báo những tháng vừa qua, bộ Quản lý khẩn cấp đã yêu cầu các phòng quản lý chung cư giám sát các rủi ro hỏa hoạn do nạp pin điện xe đạp hoặc xe máy ».

    Mạng lưới gián điệp nước ngoài tại Úc

    Nhìn sang châu Đại Dương, hôm 28/02, theo AFP, lãnh đạo tình báo Úc Mike Burgess, đã tiết lộ một mạng lưới gián điệp nước ngoài hoạt động ở nước này từ nhiều năm qua. Mạng lưới này nhắm vào những người Úc có tiếp cận với các thông tin “chính trị nội bộ”, thông qua mạng xã hội. Họ sử dụng những tài khoản giả mạo và hứa sẽ đãi ngộ hậu hĩnh cho những người này bằng tiền mặt. Các gián điệp này cũng đóng những vai như cố vấn, nhà tuyển dụng hay các công chức, nhà nghiên cứu…

    Ngay khi ai đó cắn câu, họ sẽ yêu cầu trao đổi thông tin qua ứng dụng tin nhắn bảo mật, và sau đó đề xuất gặp gỡ trực tiếp ở nước ngoài. Tình báo Úc không nêu rõ danh tính những người tham gia vào mạng lưới gián điệp này mà chỉ cho biết có sự tham gia của một cựu chính trị gia, những doanh nhân, hoặc các nhà nghiên cứu, giảng viên ở đại học.

    Úc là thành viên của nhóm Ngũ Nhãn - Five Eyes, một liên minh các cơ quan tình báo quốc gia gồm 5 nước gồm Mỹ, Canada, Anh Quốc, New Zealand. Theo AFP, điều này khiến Úc trở thành một mục tiêu đáng quan tâm đối với các đặc vụ từ Trung Quốc hay Nga.

    Sat, 02 Mar 2024
Mostrar más episodios